Chèo là một di sản văn hóa phi vật thể của người dân Việt Nam. Chèo mang trong mình nhiều giá trị về nghệ thuật, lịch sử và hiện thực. Chèo đã và đang đóng góp có trách nhiệm vào đời sống văn hóa nghệ thuật nước nhà, trở thành món ăn tinh thần của nhân dân. Chính vì thế, để bảo tồn, lưu truyền và phát huy những giá trị đó, Liên hoan Chèo toàn quốc được định kỳ ba năm tổ chức một lần. Đây là hoạt động để Cục Nghệ thuật biểu diễn đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động nghệ thuật chèo, đồng thời xây dựng định hướng phát triển cho các đơn vị nghệ thuật chèo trên toàn quốc trong tương lai.
Năm 2022, vinh dự cho Hà Nam khi được chọn là đơn vị đăng cai tổ chức Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022. Liên hoan năm nay có sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp, trong đó trừ Nhà hát Chèo Quân đội, toàn bộ các nhà hát chèo của các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và trung du miền núi phía Bắc đều tham gia. Liên hoan quy tụ trên 1.200 nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của các đoàn nghệ thuật chèo, biểu diễn 27 vở diễn. Với tiêu chí không hạn chế đề tài nên mỗi vở diễn mang một cốt truyện, chủ đề khác nhau, tạo nên sự phong phú cho liên hoan.
Chia sẻ về liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: Con số 16 đoàn với 27 vở diễn là một tín hiệu đáng mừng, khẳng định vẫn có những hoạt động chuyên nghiệp mạnh mẽ, thông qua đó chúng ta cũng đánh giá được nhân dân vẫn rất yêu Chèo. Dưới góc nhìn quản lý nhà nước, Liên hoan Chèo toàn quốc không chỉ là cuộc vui, mà còn là những đánh giá về nghệ thuật, nhìn nhận các đoàn từ Trung ương tới địa phương có bước phát triển gì, phát huy được giá trị truyền thống hay không, kế thừa và bảo tồn trong thời đại mới như thế nào? Đây cũng là dịp để chúng ta rà soát lại hướng đi của các đoàn nghệ thuật, tìm ra những năng lực mới, những tài năng mới. Liên hoan lần này, chúng tôi mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật chèo đến được với nhân dân những giá trị cốt lõi. Trong thời đại công nghiệp 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức liên hoan chèo là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể, và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa truyền thống tới thế hệ kế cận.
Đồng cảm với những chia sẻ đầy tâm huyết về nghệ thuật chèo của lãnh đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn và cũng đồng quan điểm “để nghệ thuật chèo được tràn vào nhân dân những giá trị cốt lõi”, Trưởng Ban tổ chức địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Anh Chức đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch gửi công văn đến các trường THPT và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh tổ chức cho các em học sinh đi xem các vở diễn trong thời gian diễn ra liên hoan và xem đây như một buổi học ngoại khóa. Đồng thời, gửi lời mời đến các câu lạc bộ (CLB) dân ca và chèo trong toàn tỉnh mời thành viên đến xem. Đây là một hình thức mới để thu hút khán giả đến với chèo, bởi Hà Nam là một trong những cái nôi của chiếng chèo nam và hiện tại, toàn tỉnh có gần 600 CLB, điểm, nhóm sinh hoạt dân ca và chèo.
Bà Đặng Tuấn Dung, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB Dân ca và Chèo tỉnh Hà Nam (thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) cho biết: Đây là một dịp đặc biệt để những người yêu mến nghệ thuật chèo của Hà Nam được xem những đơn vị nghệ thuật chèo chuyên nghiệp biểu diễn. Với 27 vở diễn diễn ra trong 15 ngày liên tục (từ 12 - 26/10) thực sự là ngày hội về Chèo. Khi nhận được thông báo, các anh chị em trong CLB đều cố gắng sắp xếp công việc để đi xem. Qua những vở diễn chúng tôi cũng mong học hỏi được cách hát, cách diễn để phát triển và nâng cao hơn chất lượng phong trào văn hóa ở cơ sở, đồng thời cũng mong muốn lan tỏa tình yêu nghệ thuật chèo tới nhiều người hơn nữa.
Còn với lực lượng khán giả là học sinh, ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam cho biết: Phải để các em học sinh biết đến liên hoan, xem các tiết mục, từ đó mới có thể tìm hiểu và yêu chèo. Những hoạt động giáo dục giúp thổi dần tình yêu nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ, bởi các em chính là những người tiếp nối, giữ gìn những giá trị, bản sắc của nghệ thuật truyền thống, nhất là nghệ thuật chèo trong thời đại hiện nay.
Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, số vở diễn không nhiều so với những liên hoan trước, nhưng mỗi vở diễn đều có chủ đề, phong cách và màu sắc khác nhau đã làm cho liên hoan diễn ra khá sôi động. Với 60% vở mang đề tài dân gian, lịch sử và 40% tác phẩm mang đề tài hiện đại nhưng đều đề cập tới những giá trị nội dung có liên quan đến hiện thực, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay. Rất mong người “giữ lửa” nghề và những người yêu nghệ thuật chèo truyền thống sẽ tiếp tục đóng vai trò của mình trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa truyền thống tới thế hệ kế cận.
Chu Bình