Chiều 15/2, tại lễ tổng duyệt chương trình Lễ khai hội chùa Tam Chúc Xuân Kỷ Hợi 2019 tại Khu du lịch Tam Chúc, huyện Kim Bảng, ông Nguyễn Quang Long, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, một số học sinh các trường THPT trên địa bàn huyện sẽ tham gia Lễ khai hội.
Học sinh THPT C Kim Bảng tham gia các tiết mục diễn xướng văn nghệ Khai hội
Theo ông Nguyễn Quang Long, Sở Giáo dục và Đào tạo đã thống nhất với Ban tổ chức lễ hội cho học sinh THPT trên địa bàn huyện Kim Bảng tham gia lễ khai hội, đảm bảo an toàn cho các em trong quá trình di chuyển. Doanh nghiệp Xuân Trường-đơn vị tài trợ hoàn toàn cho lễ hội chịu trách nhiệm đón đưa học sinh từ các điểm trường đến nơi diễn ra khai hội với trên 200 xe ô tô khách các loại.
Cũng tại đây, đại diện Văn phòng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, lễ khai hội sẽ có trên 300 tăng, ni, tu sỹ từ khắp mọi nơi tham gia vào đoàn rước nước từ hồ Tam Chúc lên chùa Ngọc. Tổng số người thực hiện nghi thức rước nước trên 8.000 người.
Nghi thức rước nước được tổ chức trong lễ hội, là một trong những nghi thức tâm linh quan trọng, có ý nghĩa cầu Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Đoàn rước nước sẽ đi thuyền rồng ra giữa hồ, nơi có cắm một cây nêu, đi quanh cây nêu 3 vòng và mang nước từ đó lên chùa Ngọc.
Đoàn rước nước trên hồ Tam Chúc
Chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất tinh nằm ở cao độ 200m so với mực nước biển với chiều cao 13m, nặng tới 2.000 tấn, có 3 tầng mái cong, diện tích 36m2, được xây dựng hoàn toàn bằng các phiến đá Granit đỏ do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác tại Ấn Độ và vận chuyển sang lắp đặt theo phong cách kiến trúc cổ Việt Nam mà không cần bê tông kết dính .
Chùa Ngọc đặt một pho tượng bằng ngọc nặng 4,9 tấn. Từ đây có thể nhìn được bao quát toàn khu vực Tam Chúc
Chỉ có một con đường duy nhất để lên chùa Ngọc khi leo qua 299 bậc đá, gọi là đường La Hán. Các công nhân đang hoàn thành các bậc đá trước giờ khai hội
Chu Uyên
Chu Uyên