Huy động nguồn sách cho các thư viện trường học

Một trong những việc làm thúc đẩy phong trào đọc hiện nay chính là phát huy tác dụng của các thư viện trường học và tủ sách thôn làng. Thực tế, hoạt động của các thư viện trường học và các tủ sách thôn làng đang gặp nhiều khó khăn do lượng sách báo ít, không đáp ứng nhu cầu người đọc. Nhiều trường học tích cực kêu gọi, vận động xã hội hóa nguồn sách cho các thư viện của nhà trường đã thu hút sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm ủng hộ.

Khi thư viện chỉ có sách giáo khoa và sách tham khảo

Khảo sát thực tế một số trường học trên địa bàn các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Kim Bảng thời gian qua cho thấy, hầu hết các trường đều có thư viện trường học với diện tích bảo đảm tiêu chuẩn để là một trong những điều kiện xét công nhận trường chuẩn quốc gia. Thế nhưng, khi hỏi có thường xuyên đến thư viện đọc sách không, học sinh ở các trường học đều trả lời "không". Lý do, thư viện chủ yếu là sách giáo khoa và sách tham khảo dành cho giáo viên. Nhiều trường có sách văn học là những tác phẩm kinh điển thì các cháu học sinh tiểu học không thích đọc, không thể đọc. Những thư viện xanh được xây dựng trong khuôn viên trường học khá đẹp mắt nhưng cũng chỉ để dựng nên một số tủ sách nhỏ trưng bày một số cuốn tạp chí và khóa chặt cửa. Học sinh chỉ có thể nhìn qua tấm kính tủ sách để xem bìa… 

Huy động nguồn sách cho các thư viện trường học
Thư viện tỉnh đưa mô hình xe thư viện lưu động về các trường học trên địa bàn, đổi mới hoạt động một cách thiết thực.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) chia sẻ: Chúng tôi rất muốn xây dựng thư viện thực thụ với đa dạng các đầu sách, báo phục vụ nhu cầu đọc của học sinh và giáo viên. Thế nhưng kinh phí hạn hẹp, sách lại khá đắt đỏ; trong những năm qua nhà trường thực hiện vận động phụ huynh học sinh, các tổ chức, cá nhân, những nhà hảo tâm quyên tặng sách, báo cho trường. Vì học sinh các khối lớp 1, 2, 3 chỉ có thể đọc các loại sách nhiều hình, ít chữ nên nhu cầu cần các loại truyện tranh lịch sử rất nhiều. Còn sách văn học, kỹ năng sống phục vụ phần lớn học sinh lớp 4, 5, nhưng cũng phải chọn lọc. Trong khi đó, sách thu được từ nhân dân chủ yếu là truyện tranh, một số sách văn học  với số lượng tổng cộng vài trăm cuốn. 

So với nhu cầu đọc hoặc quy mô một thư viện trường học thì lượng sách đó không nhiều. Hằng năm, ngành giáo dục và đào tạo cũng đã phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức các đợt luân chuyển sách thông qua thư viện lưu động. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình này chưa được đánh giá cụ thể, chính xác. Điều dễ dàng nhận thấy là học sinh chưa có điều kiện được thường xuyên tiếp cận sách báo từ nguồn này. Theo bà Dương Thu Hồng, Giám đốc Thư viện tỉnh, chỉ khi nào người đọc được tiếp cận thường xuyên, liên tục với sách, đọc sách trở thành thói quen, tự giác với mọi người thì văn hóa đọc mới thực sự phát huy tác dụng…

Cần có những tấm lòng…

Năm 2014, Trường Tiểu học Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) huy động quyên góp được gần 200 cuốn sách, báo các loại. Người tặng nhà trường nhiều sách nhất lúc đó là ông Nguyễn Trí Dũng, người con quê hương, một doanh nhân đang sống và làm việc tại Hà Nội. Từ đó đến nay, ông Dũng còn tặng sách cho nhiều trường học khác trên địa bàn huyện Bình Lục. 

Ông Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: "Ở thành phố lớn, thấy các cháu nhỏ được tiếp cận với sách báo khá thuận lợi do phụ huynh có điều kiện mua sách, đưa con đến các hiệu sách tự chọn thường xuyên. Từ đây, họ hướng con vào việc đọc sách, bồi dưỡng tri thức rất tốt nên tôi nghĩ đến các cháu học sinh ở quê hương mình, ít có điều kiện được như thế. Ban đầu, tôi đã lấy sách của gia đình, số sách các con tôi đã đọc đem tặng lại. Sau thấy các cháu thích thú thực sự, tôi vận động bạn bè quyên góp, mua sách để tặng các trường. Tôi thấy rất vui khi mình đang làm được một việc có ích cho quê hương". 

Theo chân ông Nguyễn Trí Dũng về tặng sách cho Trường Tiểu học thị trấn Bình Mỹ và Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Đồn Xá vừa qua mới thấy niềm vui của thầy và trò nhà trường đến nhường nào khi nhận được sách. 

Nhận trên 3.000 cuốn sách còn rất mới từ ông Nguyễn Trí Dũng, bà Ngô Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường liên cấp Tiểu học và Trung học cơ sở Đồn Xá chia sẻ: Trường đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện các hạng mục công trình. Trường có thư viện nhưng thiếu nhiều đầu sách kỹ năng sống, sách văn học, lịch sử, khoa học cho các cháu. Khi biết ông Dũng đã và đang tặng sách cho nhiều trường học, tôi chủ động gọi điện đề nghị ủng hộ nhà trường. Ông Dũng đồng ý luôn và đã trực tiếp mang sách về trường tặng thầy và trò. Chúng tôi sẽ khai thác nguồn sách này một cách hiệu quả để sách thực sự phát huy tác dụng với học sinh và giáo viên…

Hành trình tặng sách của ông Nguyễn Trí Dũng tiếp tục lan tỏa những giá trị tốt đẹp từ sách. Ông Nguyễn Trí Dũng nói: "Tôi sẽ cố gắng hoàn thành việc tặng sách cho các trường học trên địa bàn huyện Bình Lục trong hai năm tới. Làm được việc này không chỉ cần một lượng kinh phí lớn mà còn cần sự phối hợp tốt hơn nữa của các nhà trường. Không phải trường nào ban giám hiệu hay người được giao làm công tác thư viện cũng hiểu về sách, giá trị của sách. Vì thế, để đưa sách đến với người đọc một cách hiệu quả, có tác dụng thực sự tại các thư viện trường học không dễ như việc huy động tặng sách đâu!". 

Tâm nguyện hiến sách cho các trường học của ông Nguyễn Trí Dũng sẽ được mở rộng đến các huyện, thành phố khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam trong thời gian tới. 

Cũng giống như ông Nguyễn Trí Dũng, trước đó nhiều cá nhân như thầy giáo Hoàng Trọng Muôn, Trường THPT B Duy Tiên đã tích cực quyên góp sách, báo cho các thư viện, tủ sách thôn làng trong nhiều năm với mong muốn khơi dậy niềm đam mê đọc sách cho nhân dân, thúc đẩy phong trào đọc ở các vùng quê. Ông Hoàng Trọng Đam, xã Đồng Hóa (Kim Bảng) dành cả thời gian nghỉ hưu của mình phát triển thư viện thôn. Tại thời điểm đầu năm 2000, ông đi khắp mọi nơi vận động người quen, người thân, bạn bè, họ hàng tặng sách…

Rõ ràng, việc tìm được những tấm lòng sẵn sàng ủng hộ hàng vạn cuốn sách, hàng trăm triệu đồng cho các thư viện không khó. Chỉ khó, làm thế nào để sách đến tay bạn đọc và làm cho bạn đọc thấy yêu sách, tự nguyện đọc sách mới là chuyện khó khăn…

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy