Hội thảo do UBND thị xã Duy Tiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đồng tổ chức ngày 28/12 tại thị xã Duy Tiên.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Trần Hổ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Như Lâm, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Hoàng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lãnh đạo Thị xã Duy Tiên; PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và cán bộ của Viện; các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhạc sĩ, nhà báo của Trung ương; Lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố; Hiệp hội Du lịch tỉnh; Câu lạc bộ Bảo tồn và phát huy di sản Chầu văn tỉnh, cán bộ văn hóa, các nhà nghiên cứu của tỉnh Hà Nam; Lãnh đạo và đại diện bà con xã Tiên Sơn…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là một di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Lễ hội được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò của nhà nông “Dĩ nông vi bản”, “Phi nông bất ổn”.
Lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã luôn quan tâm bảo tồn và phát huy tốt giá trị của Lễ hội Tịch điền; qua đó khẳng định những giá trị tiêu biểu, đặc sắc, những nét riêng của di sản văn hóa đã được các thế hệ người dân Hà Nam giữ gìn và phát huy qua các thời kỳ lịch sử.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập phát triển kinh tế hiện nay, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Tịch điền phù hợp với điều kiện phát triển đô thị Duy Tiên và tỉnh Hà Nam hiện nay cũng đang đối mặt với những thách thức, khó khăn và bất cập trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa…
Đồng chí Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định Hội thảo là hoạt động khoa học có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục tuyên truyền sâu rộng những giá trị văn hoá đặc sắc của Lễ hội Quốc gia Tịch điền - Đọi Sơn; quảng bá tiềm năng du lịch bền vững của vùng văn hoá Châu thổ sông Hồng. Đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia - Lễ hội Tịch điền phù hợp với điều kiện phát triển đô thị Duy Tiên và tỉnh Hà Nam hiện nay.
Trong ngày 28/12, buổi sáng các đại biểu đã tham quan thực tế tại địa phương, buổi chiều tham luận, thảo luận và nêu ý kiến. Các chuyên gia, nhà khoa học, các vị khách mời, hội thảo đã lắng nghe 7 tham luận trong tổng số 31 tham luận mà Ban Tổ chức đã lựa chọn. Ban tổ chức Hội thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp của đông đảo các nhà khoa học, các nhà quản lý và đại diện cộng đồng nhân dân gửi đến.
Các bài tham luận và ý kiến tập trung vào 3 vấn đề chính: Thứ nhất, các tác giả đã phân tích làm rõ và khẳng định những giá trị đặc sắc, nổi bật của di sản văn hóa lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn; chỉ ra được những bài học và nguyên nhân chính của thực trạng lễ hội hiện nay.
Thứ hai, các tác giả đã đề xuất được những giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát huy giá trị di sản lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn và không gian thực hành lễ hội. Trong các giải pháp đưa ra, có một số giải pháp rất “trúng” và “đúng” với yêu cầu thực tiễn của địa phương hiện nay.
Thứ ba, các tác giả đã có những phân tích, đánh giá về nguồn tài nguyên nhân văn của tỉnh Hà Nam nói chung và thị xã Duy Tiên nói riêng, đề xuất những giải pháp về liên kết, kết nối không gian văn hoá vùng Đọi Sơn với các trung tâm văn hóa - du lịch, khu du lịch quốc gia của vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo động lực phát triển du lịch, xây dựng lễ hội Tịch điền - Đọi Sơn trở thành sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, thu hút mạnh mẽ khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nam.
Với tinh thần làm việc khoa học nghiêm túc, đầy trách nhiệm và cởi mở của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa tại địa phương, Hội thảo đã có được những giải pháp phát huy giá trị di sản văn hóa Lễ hội Tịch điền hiệu quả và phù hợp với những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.
Hội thảo là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy Hà Nam về đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ, trọng tâm là du lịch và logistics tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đỗ Hồng