Hoạt động của các thư viện công cộng vẫn gặp khó

Sách, báo có tác dụng rất lớn trong sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ. Xác định tầm quan trọng của việc đọc sách, nhất là công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi, 10 năm qua (từ 2011 – 2021) công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi trong hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh ta đã được quan tâm và đạt được một số kết quả.

Tuy nhiên, trước những ứng dụng thông tin tiện ích, việc đọc sách truyền thống hiện gặp không ít khó khăn, đòi hỏi có những giải pháp linh hoạt và thiết thực.

Hoạt động của các thư viện công cộng vẫn gặp khó
Hoạt động nghiệp vụ tại Thư viện thành phố Phủ Lý.

Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có nhiều quan tâm đến công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi. Việc đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí, cán bộ phục vụ ở các thư viện huyện, thị xã, thành phố đã có sự chú trọng hơn. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có Thư viện tỉnh, 6 thư viện huyện, thành phố, thị xã và 8 thư viện xã có phục vụ bạn đọc thiếu nhi. Nhiều hoạt động như: Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách, thi kể chuyện theo sách báo, làm clip giới thiệu sách, tổ chức Ngày hội sách và văn hóa đọc, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc… được tổ chức định kỳ cũng đã có tác động đến niềm đam mê đọc sách của các em. Các mô hình như: phục vụ bạn đọc, mượn sách tại phòng đọc thiếu nhi; phục vụ thư viện lưu động tại các trường học; luân chuyển sách báo của Thư viện tỉnh đến các thư viện xã, tủ sách cơ sở và trường học, thông tin tuyên truyền, giới thiệu sách trên các phương tiện thông tin truyền thông, trang website của Thư viện tỉnh; nói chuyện chuyên đề và giao lưu cùng diễn giả, xây dựng clip giới thiệu sách trên chuyên mục “Cùng bạn đọc sách” trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Zalo, youtube... đã góp phần bổ trợ rất nhiều cho công tác phục vụ bạn đọc, thu hút bạn đọc thiếu nhi đến với thư viện nhiều hơn. 

Khắc phục tình trạng địa điểm không phù hợp với công tác phục vụ bạn đọc lứa tuổi thiếu nhi, năm 2008, Thư viện tỉnh đã tham mưu với Sở VH,TT&DL phối hợp với Nhà Thiếu nhi tỉnh (hiện là Trung tâm Hoạt động thanh, thiếu nhi tỉnh Hà Nam) mở một phòng đọc sách thiếu nhi. Sự kết hợp này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bạn thiếu nhi tham gia các hoạt động học tập về âm nhạc, hội họa, thể thao kết hợp với đọc sách. Tổng số sách thiếu nhi của Thư viện tỉnh hiện nay là 30.000 bản, kho phục vụ lưu động là hơn 10.000 bản và tổng số đầu sách của toàn tỉnh là 40.498.000 bản.

Công tác hỗ trợ các trường xây dựng thư viện tiên tiến, thư viện xuất sắc trên địa bàn đã được Thư viện tỉnh triển khai từ năm 2018. Thư viện tỉnh đã hỗ trợ, giúp đỡ 20 thư viện của 20 trường trên địa bàn xếp mô hình sách trưng bày góc đọc sách dành cho thiếu nhi, sắp xếp trưng bày mô hình và luân chuyển phục vụ 16.000 bản sách tại các nhà trường. Từ cuối năm 2019, Sở VH,TT&DL đã ký chương trình phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức phục vụ lưu động trên địa bàn tỉnh, Thư viện tỉnh đã phục vụ được 24 trường học trên địa bàn, đưa sách, báo lại gần hơn với các bạn đọc thiếu nhi và khắc phục được tình trạng hạn chế sách phục vụ cho tiết đọc tại thư viện các trường học phong phú hơn và dần tạo cho các em thói quen đọc sách, nâng cao hơn kiến thức và kỹ năng. Đặc biệt, trong năm 2020, Thư viện tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với trường THPT, THCS Nguyễn Tất Thành phục vụ bạn đọc và luân chuyển sách năm học 2020 - 2021. Bước đầu đã làm thẻ cho hơn 400 em học sinh và luân chuyển 1.000 bản sách cho nhà trường. 

Với các hoạt động trên, trong 10 năm qua, số lượng bạn đọc thiếu nhi đăng ký sử dụng thư viện với 23.447 thẻ bạn đọc. Thư viện phục vụ 233.943 lượt bạn đọc thiếu nhi. Số lượt tài nguyên thông tin đưa ra phục vụ bạn đọc thiếu nhi  với 871.471 số lượt tài liệu.

Tuy đã đạt được một số kết quả, song nhìn chung cơ chế, chính sách đặc thù cho thiếu nhi còn chưa đầy đủ, như về trụ sở, trang thiết bị, bổ sung vốn tài liệu, đào tạo tập huấn và chính sách đãi ngộ cho người làm công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi… Đặc biệt, hiện nay các thư viện huyện, thành phố, thị xã không có cán bộ chuyên trách phục vụ thiếu nhi, cán bộ thư viện đều kiêm nhiệm hoặc chuyển từ các nhiệm vụ chuyên môn khác sang; 5/6 thư viện cấp huyện chỉ có 1 cán bộ và 4/6 thư viện cấp huyện, người làm công tác thư viện học chuyên ngành khác. Do vậy, phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai một số công việc chuyên môn.

Về nguồn tài chính, các thư viện huyện, thành phố, thị xã rất hạn chế, chủ yếu trông chờ nguồn ngân sách nhà nước cấp bổ sung cho sách, báo năm có, năm không, thậm chí có thư viện gần như không có. Điển hình như Thư viện thành phố Phủ Lý, do không có kinh phí, nhiều năm qua thư viện chỉ phục vụ bạn đọc nguồn sách được tài trợ của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam từ những năm trước. Toàn bộ Thư viện có 10.500 bản sách, trong đó có 25% tổng số sách dành cho thiếu nhi nhưng đều là sách cũ, Thư viện thành phố cũng không có phòng đọc sách, đây còn là nơi làm việc của các cán bộ phụ trách văn thư, du lịch và văn nghệ quần chúng. Cán bộ phụ trách thư viện Phạm Thị Bích Thảo cho biết, do thời gian trước đây Thư viện thành phố không có nơi ở cố định và do tác động của nhiều loại hình giải trí khác nên số bạn đọc đến với thư viện không nhiều. 

Khác với thư viện thành phố, Thư viện huyện Bình Lục khá khang trang có nguồn sách mới luân chuyển. Tuy nhiên, bạn đọc đến với thư viện cũng rất ít, chỉ thỉnh thoảng mới có người ghé qua. Vì thế nên kế toán của đơn vị được chỉ định kiêm thêm công tác thư viện. Còn riêng Thư viện tỉnh, mỗi năm kinh phí dành cho sách thiếu nhi được quan tâm hơn bằng 1/4 kinh phí bổ sung sách hằng năm, khoảng từ 40 - 100 triệu đồng/năm. Có 10 đầu báo, tạp chí phục vụ cho thiếu nhi. Năm 2020, Sở VH,TT&DL đã tổ chức tiếp nhận Dự án trao tặng sách thiếu nhi cho Thư viện tỉnh do Công ty Tài chính Shinhan Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí 150 triệu đồng, bao gồm trên 2.000 bản sách thiếu nhi, 05 tủ sách, tranh treo tường và thảm lót sàn. 

Để thu hút bạn đọc thiếu nhi đến với thư viện, để thư viện là địa chỉ văn hóa của thiếu nhi, điều cần nhất phải duy trì và từng bước củng cố, hiện đại hóa hệ thống thư viện, tủ sách dành cho thiếu nhi. Cần có sự đầu tư kinh phí, vốn tài liệu, trang thiết bị thư viện đến ưu tiên cơ sở vật chất và bố trí phòng đọc riêng biệt tiện lợi cho việc tổ chức phục vụ bạn đọc thiếu nhi. Phòng đọc sách thiếu nhi cần có trang thiết bị hiện đại phù hợp với đặc thù, tâm lý lứa tuổi, tạo ra không gian, môi trường văn hóa lành mạnh. Tăng cường công tác phục vụ bạn đọc thiếu nhi tại các thư viện huyện, thành phố, thị xã. Thực hiện tốt xã hội hóa để huy động nguồn lực duy trì và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 của Thư viện tỉnh là kho sách có 45.000 bản sách thiếu nhi; mỗi thư viện huyện, thành phố, thị xã có khoảng 3.000 bản sách thiếu nhi. Để phong phú sách, Thư viện tỉnh tiếp tục duy trì phát triển mạng lưới thư viện, luân chuyển sách thiếu nhi thường xuyên xuống thư viện, tủ sách cơ sở, các trường học trên địa bàn tỉnh. 

Đổi mới các phương thức phục vụ thiếu nhi trong các thư viện công cộng, trong đó tăng cường phục vụ nghe nhìn. Đồngthời, tăng cường phối hợp với các cơ quan, đoàn thể nhằm tổ chức tốt các hoạt động cho thiếu nhi. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho phòng đọc của Thư viện tỉnh, phục vụ tốt việc đọc sách cho thiếu nhi theo hướng hiện đại, thân thiện và trở thành nơi học tập, vui chơi cho thiếu nhi trong tỉnh.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy