Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2009 đến năm 2023, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai thực hiện Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới và nâng cao dân trí cho các tầng lớp nhân dân.
Trong hai năm 2009 và 2010, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện thí điểm đề án tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau khi sơ kết đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, từ năm 2011, Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trương triển khai đề án cho tất cả các cơ sở xã, phường, thị trấn của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hà Nam, thực hiện Kế hoạch số 09-KH/BTGTW ngày 28/2/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Đề án Trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn và Kết luận số 30 KL/TW ngày 08/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện đề án trong toàn tỉnh bằng hình thức lồng ghép nội dung đề án vào các chương trình học tập, quán triệt các văn bản của Trung ương, của Tỉnh ủy. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cơ sở quan tâm tăng cường đầu tư trang thiết bị, như: phòng đọc sách, tủ sách, cử cán bộ phụ trách tủ sách và tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận đọc sách. Gắn việc tiếp nhận sử dụng sách báo theo đề án của Trung ương với sách, báo, tạp chí tại tủ sách pháp luật của xã, phường, thị trấn; xây dựng và ban hành nội quy khai thác, sử dụng sách theo quy định của nhà nước về tài sản công.
Từ khi thực hiện đề án đến nay, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nhận được 115 đầu sách với tổng số 12.612 cuốn sách, ấn phẩm các loại. Đến tháng 9/2023, trên địa bàn tỉnh có 01 thư viện cấp tỉnh; 06 thư viện cấp huyện; 09 thư viện xã, thị trấn; 82 tủ sách xã, phường, thị trấn; 90 tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã; trên 800 tủ sách thôn và trên 30 tủ sách gia đình, dòng họ ở các địa phương; 100% các trường học có thư viện hoặc phòng đọc, tủ sách… Nội dung các ấn phẩm, sách và đĩa CD-ROM của đề án cơ bản đã bám sát nhu cầu thiết yếu của cơ sở, cập nhật nhiều thông tin, như: phổ biến giáo dục pháp luật, lịch sử, văn hóa, đạo đức, kiến thức phổ thông trong sản xuất và đời sống, cẩm nang hướng dẫn nghiệp vụ; chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị… đã tạo điều kiện cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có cơ hội tiếp cận, tra cứu, tìm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập, ứng dụng phục vụ công tác, học tập và đời sống, thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây cũng là công cụ, phương tiện hữu ích giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân tiếp cận, tìm hiểu nguồn thông tin chính thống; vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống.
Thực hiện hoạt động luân chuyển sách của đề án và một số đầu sách khác trong giai đoạn 2013 - 2015, Thư viện tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh thực hiện luân chuyển trên 10.000 bản sách về các điểm bưu điện văn hóa xã trên địa bàn tỉnh; giai đoạn 2016 - 2020 tiếp tục luân chuyển trên 56.000 tài liệu về các điểm bưu điện văn hóa xã thuộc các xã xây dựng nông thôn mới, Trại giam Nam Hà và thư viện các trường trên địa bàn tỉnh. Huyện Kim Bảng thực hiện luân chuyển 150 đầu sách, thị xã Duy Tiên 300 đầu sách, huyện Thanh Liêm 145 đầu sách, huyện Lý Nhân 156 đầu sách, thành phố Phủ Lý 290 đầu sách, huyện Bình Lục 135 đầu sách thuộc đề án đến tủ sách, thư viện thôn, xóm, tổ phố, trường học.
Ngoài ra, để phục vụ nhu cầu tìm hiểu đa dạng về các lĩnh vực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, hằng năm, tùy theo điều kiện thực tiễn, hầu hết các cơ sở đều tiến hành mua thêm các đầu sách làm phong phú thêm tủ sách cơ sở. Tại huyện Kim Bảng, hằng năm đơn vị tự bổ sung từ 2 - 4 triệu đồng cho việc cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành và được hỗ trợ thêm từ 20 - 30 đầu sách; thành phố Phủ Lý mua thêm các đầu sách về nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, văn kiện đảng các khóa, nghị quyết của Trung ương; huyện Lý Nhân mỗi năm đầu tư gần 10 triệu đồng mua sách, báo…
Để việc thực hiện đề án tiếp tục mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như giới thiệu cách làm hay, kinh nghiệm tốt trên tất cả các lĩnh vực cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân học tập, làm theo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Đó là, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh phải coi việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đề án là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần giáo dục lý luận chính trị, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn. Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong học tập, nghiên cứu sách báo, tài liệu của Đảng, Nhà nước thông qua việc đọc sách, nghiên cứu tài liệu tại thư viện, tủ sách cơ quan, đơn vị.
Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, những người có tâm huyết xây dựng tủ sách tư nhân; xây dựng mô hình tủ sách dòng họ và mô hình gắn tủ sách với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc, xem văn hóa đọc là yêu cầu cần thiết để tìm hiểu về lý luận chính trị, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ đời sống văn hóa cho chính mình và toàn xã hội. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ quản lý sách ở cơ sở xã, phường, thị trấn nhằm trang bị thêm kiến thức quản lý, khai thác sách bảo đảm khoa học thiết thực, hiệu quả.
Chu Bình