Giá trị lịch sử qua những “chứng tích chiến tranh” ở Hà Nam

Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, nhưng những dấu tích vẫn còn đó. Đó là những lô cốt cũ ở bên đường phố Phủ Lý, những chiếc máy bay trưng bày ở Bảo tàng tỉnh, những khẩu pháo ở Trận địa pháo phòng không Lam Hạ, Bia căm thù, Đài chiến thắng ở nhiều miền quê. Những chứng tích chiến tranh có một giá trị đặc biệt trong giáo dục về lịch sử, lòng yêu nước, để người dân sống trong cuộc sống thời bình hôm nay luôn ghi nhớ mảnh đất này đã có một thời chiến tranh máu lửa, đã có biết bao thế hệ không tiếc xương máu để bảo vệ quê hương.

Những ngày hè, khi dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh tạm lắng xuống, không ít gia đình ở Phủ Lý cho con ra chơi ở Khu di tích quốc gia Trận địa pháo phòng không Lam Hạ. Nơi đây không gian thoáng đãng lại ở ngay phía bên kia cầu Châu Giang, gần khu vực trung tâm thành phố. Chị Nguyễn Thu Hiền (Phường Hai Bà Trưng) dẫn cậu con trai đi thăm xung quanh khu di tích và dừng lại bên nơi trưng bày những khẩu pháo. Cậu con trai nhỏ tỏ ra vô cùng thích thú, đi tới đi lui ngắm nghía khẩu pháo, rồi liên tục hỏi mẹ về ngày xưa giặc Mỹ đã ném bom Phủ Lý như thế nào, các cô, chú bộ đội, dân quân đã bắn trả ra sao, các cô gái Lam Hạ lúc đó bao nhiêu tuổi mà dũng cảm đến thế… Người mẹ trả lời các câu hỏi của con, cũng là kể cho con nghe về câu chuyện lịch sử hào hùng một thời chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Tận mắt nhìn thấy khẩu pháo nơi các cô chú bộ đội, dân quân đã sử dụng để bắn máy bay Mỹ và nhiều người đã dũng cảm hy sinh, nghe “thuyết minh” của mẹ, vẻ mặt cậu bé có vẻ trầm lại suy tư. Những bài học lịch sử qua những chứng tích chiến tranh như thế này có lẽ mang lại ấn tượng rất xúc động đối với cậu bé, cũng như với bất cứ ai khi đến đây.

Giá trị lịch sử qua những “chứng tích chiến tranh”
Khẩu pháo được trưng bày tại Trận địa pháo phòng không Lam Hạ, thành phố Phủ Lý.

Cũng là về vũ khí sử dụng trong chiến tranh còn có hai chiếc máy bay Mig-21 và Su-22M trưng bày ngoài trời tại Bảo tàng Hà Nam do Quân chủng Phòng không - Không quân tặng để trưng bày. Được biết, máy bay Mig-21 và Su-22M là hai trong những máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân nhân dân Việt Nam. Những chiếc máy bay được trưng bày ở đây khá thu hút những người đến tham quan Bảo tàng tỉnh, đặc biệt là thanh thiếu nhi. Khi được hỏi, hầu hết các em đều cho biết cảm thấy rất thú vị khi được tận mắt nhìn thấy, chạm vào những chiếc máy bay huyền thoại. Các em được học lịch sử nhiều qua những trang sách, phim tài liệu, câu chuyện,... nhưng việc được nhìn thấy, chạm vào những hiện vật chiến tranh thực sự mang lại cảm xúc đặc biệt, làm cho các em như được "kết nối" với không khí những trận đánh oanh liệt năm xưa, cảm nhận được một cách rõ ràng hơn một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Người dân Phủ Lý từ lâu đã khá quen thuộc với những lô cốt cũ kỹ bên đường. Thời kháng chiến chống Pháp, cả một hệ thống lô cốt kiên cố được Pháp thiết lập khắp vùng Đồng bằng sông Hồng nhằm đối phó với quân dân ta. Lô cốt là công trình quân sự chủ yếu để phòng ngự, được xây dựng kiên cố với tường rất dày, có lỗ châu mai bắn ra nhiều phía. Sau chiến tranh, những lô cốt vẫn được giữ lại, như một chứng tích về tội ác của kẻ thù trên mảnh đất này. Trải qua thời gian, những lô cốt đã trở nên rêu phong, nhưng sự tồn tại của nó luôn nhắc nhở những thế hệ sau này về một thời xâm lược của thực dân Pháp, về sự chiến đấu anh dũng quả cảm của quân dân ta đánh đuổi kẻ thù để có cuộc sống hòa bình hôm nay...

Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều những "chứng tích chiến tranh". Đó là những tấm bia đặt tại địa điểm nơi kẻ thù xâm lược đã gây nên tội ác tày trời, ví dụ như tấm bia mang tên “Bia Căm thù” ở thôn Kim Thượng, xã Kim Bình (thành phố Phủ Lý). Đây là tấm bia do địa phương dựng lên cuối năm 1967 nhằm ghi lại tội ác tày trời của không quân Mỹ gây ra trong trận ném bom đêm 12/6/1967 (đúng ngày Tết Đoan Ngọ, năm Đinh Mùi), làm chết 30 người dân, 9 chiến sĩ bộ đội pháo phòng không, làm bị thương 67 người, phá hủy hoàn toàn 16 ngôi nhà. Hằng năm, vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch đã trở thành ngày giỗ chung của nhiều gia đình có người thân mất trong trận ném bom này. Tấm bia ghi sâu mối thù tội ác của đế quốc Mỹ, đồng thời nhắc nhở con cháu phải biết trân quý cuộc sống hòa bình mà cha ông đã đổ bao xương máu mới dành lại được.

Giá trị lịch sử qua những “chứng tích chiến tranh”
Đài Chiến thắng Bốt Quắn (Hưng Công, Bình Lục). Ảnh tư liệu

Còn có những bia, đài chiến thắng, ghi lại những chiến công của quân dân ta trong các trận chiến đấu với kẻ thù. Ví dụ như “Bia Chiến thắng trận tiêu diệt vị trí Ngô Khê” (ngày 11/12/1951). Hay Đài Chiến thắng Bốt Quắn (Hưng Công, Bình Lục) là nơi ghi dấu trận thắng giòn giã mà quân dân địa phương lập nên trong kháng chiến chống Pháp (29/5/1951), diệt gọn Bốt Quắn, mở thông tuyến hành quân của Đại đoàn 320 từ căn cứ rừng Bồng Lạng (Thanh Liêm) qua Lý Nhân sang Thái Bình trong Chiến dịch Đồng Bằng năm đó. Đài Chiến thắng Bốt Quắn dựng năm 1955, sau gần bảy chục năm trôi qua, vẫn sừng sững đứng đó có tác dụng rất lớn trong giáo dục truyền thống, lịch sử, lòng yêu nước cho những thế hệ sau này...

Trải qua các cuộc chiến tranh đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập, những dấu tích chiến tranh hiển hiện khắp nơi trên mảnh đất hình chữ S Việt Nam. Dù tiếng súng đã ngưng từ lâu, cuộc sống hòa bình ấm no hiển hiện khắp các ngõ phố, đường quê, nhưng nhiều dấu tích chiến tranh vẫn được giữ lại, lưu lại, là những chứng tích lịch sử để nhắc nhở các thế hệ về những giai đoạn hào hùng của dân tộc, những hy sinh của cha ông. Những chứng tích chiến tranh có giá trị đặc biệt trong giáo dục về lịch sử, truyền thống, lòng yêu nước cho các thế hệ bây giờ và mai sau.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy