Ghi nhận phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở

5 năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” có bước phát triển mạnh, đạt được một số kết quả tích cực. Nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, vai trò của việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa dân tộc đầy đủ, sâu sắc hơn. Môi trường văn hóa ngày càng trong sạch, lành mạnh; an ninh trật tự được giữ vững; tệ nạn xã hội được ngăn chặn kịp thời; các danh hiệu văn hóa ngày càng được chú trọng nâng cao cả về số lượng và chất lượng; hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao từng bước được hoàn thiện… góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế, văn hoá-xã hội của tỉnh.

Thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về triển khai phong trào, các nội dung chủ yếu của phong trào, như: Phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu chính đáng; xây dựng tư tưởng chính trị và môi trường văn hóa lành mạnh; xây dựng nếp sống văn minh, kỷ cương xã hội, sống và làm việc theo pháp luật; xây dựng thiết chế văn hóa – thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - thể thao cơ sở đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp kinh tế - xã hội của tỉnh cơ bản ổn định và phát triển bền vững. Hiện nay, công tác xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được các cấp, ngành, đoàn thể và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn khu dân cư đưa vào quy ước, hương ước.

Trong giai đoạn 2018 – 2023, do tình hình dịnh bệnh Covid - 19 có nhiều diễn biến phức tạp trong 2 năm 2021-2022, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang được nhân dân làm gọn nhẹ và tuân thủ các quy định của pháp luật; các hoạt động tổ chức lễ hội đã tạm dừng tổ chức cho đến khi dịch bệnh Covid - 19 cơ bản được kiểm soát và thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Thống kê hàng năm, có trên 85% đám cưới không dùng thuốc lá, 97% đám cưới tổ chức gọn nhẹ theo nếp sống văn minh; trên 95% đám hiếu thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc tang và gần 50% các đám tang thực hiện hỏa táng.

Ghi nhận phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
 Lãnh đạo UBND tỉnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các gia đình văn hóa tiêu biểu tại Hội nghị Tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2018-2023.

Tích cực xây dựng hoàn thiện thiết chế văn hoá, thể thao, hiện tại, cấp tỉnh có nhà văn hóa, bảo tàng, sân vận động, nhà thi đấu TDTT, nhà tập đa năng; khu trung tâm hoạt động thanh, thiếu niên và Cung Thiếu nhi; 03 Trung tâm văn hóa, thể thao công nhân lao động. Cấp huyện có 5 nhà văn hóa và 1 sân vận động của thành phố Phủ Lý. Cấp xã có 93/109 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa độc lập; 88/109 xã, phường, thị trấn có sân vận động tập trung bảo đảm điều kiện tổ chức hoạt động thể dục thể thao của địa phương. Ngoài ra, 686 thôn, tổ phố đều có nhà văn hóa và nơi sinh hoạt cộng đồng cơ bản đáp ứng được nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa của nhân dân.

Thực hiện Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, sau 5 năm triển khai thực hiện, kết quả xây dựng danh hiệu gia đình văn hóa (GĐVH), Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh cho biết: Năm 2018 có 89,6% hộ gia đình được công nhận danh hiệu GĐVH; đến năm 2022 con số này tăng lên 91,6%, vượt 2,16% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Để đạt được những kết quả đó, Phong trào xây dựng GĐVH đã được hội liên hiệp phụ nữ các cấp lồng ghép triển khai gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; hội nông dân với phong trào xây dựng "Gia đình nông dân văn hóa";  hội cựu chiến binh với phong trào "Gia đình cựu chiến binh văn hóa"… góp phần nâng cao chất lượng phong trào xây dựng GĐVH trên địa bàn tỉnh.

Ghi nhận phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
12 cá nhân tiêu biểu được nhận Bằng khen của UBND tỉnh tại Hội nghị Tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2018-2023.

Kết quả xây dựng danh hiệu khu dân cư văn hóa của các thôn, tổ phố trên địa bàn tỉnh đã minh chứng cho việc thực hiện Nghị định 122 đạt hiệu quả và chất lượng. Tiêu biểu như năm 2020, có 600/686 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 87,46%; năm 2022, có 609/686 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư văn hóa, đạt 88,8% so với tổng số khu dân cư trong tỉnh, tăng 6,77% so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra. Việc xây dựng hương ước, quy ước được các khu dân cư tích cực hưởng ứng và nghiêm túc thực hiện. 5 năm qua (từ năm 2018 đến giữa năm 2022), đã có 664/686 khu dân cư có hương ước, quy ước được phê duyệt; số hương ước còn lại hiện đang được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, đến nay toàn tỉnh có 11/26 phường, thị trấn đăng ký xây dựng đạt chuẩn đô thị văn minh, đạt 42,3%. Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được duy trì, xây dựng sau khi tỉnh Hà Nam đã hoàn thành về đích xây dựng nông thôn mới năm 2020. Kết quả, năm 2022 có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; năm 2023 có 17 xã đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Ghi nhận phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở
Lãnh đạo Công an tỉnh và Ban Dân vận Tỉnh ủy trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các Khu dân cư văn hóa tiêu biểu tại Hội nghị Tổng kết phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2018-2023.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được thực hiện gắn với các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tập luyện. Hiện nay, toàn tỉnh có 553 đội văn nghệ với trên 11.000 diễn viên, nhạc công không chuyên và 457 câu lạc bộ, tổ, đội văn hóa, thể thao, thu hút trên 10.000 hội viên tham gia; hằng năm có trên 30% số người dân tham gia các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên; 23% trở lên gia đình tập luyện thể dục, thể thao thường xuyên.

Dựa trên những kết quả đã đạt được, Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện phong trào trong những năm tiếp theo. Cụ thể là tiếp tục tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XX. Thường xuyên cập nhật, kiện toàn nhân sự tham gia thành viên ban chỉ đạo các cấp; thống nhất, ban hành quy chế, kế hoạch hoạt động thiết thực, hiệu quả, sát thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ nhiệm vụ các ngành thành viên; tăng cường ký kết, triển khai các hoạt động phối hợp cụ thể, phù hợp nhằm huy động sức mạnh của thành viên ban chỉ đạo các cấp, nhất là ở cơ sở.

Huy động và đa dạng hóa các nguồn lực, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tự nguyện tham gia đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi giải trí, hoặc tổ chức, ủng hộ các hoạt động liên quan đến phong trào ở địa phương theo quy định của pháp luật. Chỉ đạo xây dựng xã, phường điểm về văn hóa, tập trung ở các xã nông thôn mới nâng cao, các cụm dân cư, khu công nghiệp, khu đô thị. Ghi nhận, đánh giá, biểu dương chính xác, kịp thời những tập thể, cá nhân tích cực, tiêu biểu trong phong trào; quan tâm xây dựng, nhân rộng những điển hình tiên tiến, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt. Các cấp, ngành, triển khai thực hiện phong trào theo hướng toàn diện, bền vững, có chiều sâu, chất lượng, hiệu quả, thiết thực với địa phương, đơn vị.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy