Vè là một trong những thể loại văn học dân gian Việt Nam cùng với ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, phương ngôn, truyện cổ, truyện ngụ ngôn… Vè ở Hà Nam có một số lượng khá phong phú, bởi từ ngàn xưa đã lưu truyền tục lệ “Quả có mùa, vè đua vô chạp”. Nghĩa là thi hát, thi kể vè có thể diễn ra vào bất cứ thời gian, mùa vụ nào.
Vè Hà Nam có những bài nói về địa dư, địa lý, thổ ngơi và những bài nói về các món ăn, sản vật, các loài vật… Những bài vè kể chuyện làng, chuyện xóm, những chuyện được người dân quan tâm, chú ý với sự giễu nhại, đả kích, nhưng cũng không kém phần lạc quan, yêu đời. Nổi bật nhất là bài vè về địa dư tỉnh Hà Nam. Đây là một bài vè dài hàng trăm câu với nhiều cảnh đẹp, nhiều sự kiện lịch sử, nhiều sản vật địa phương được đề cập đến.
Những câu đầu tiên, bài vè tả khái quát về địa dư Hà Nam: “Hà Nam đích thực tỉnh nhà. Trước là phủ lỵ sau ra tỉnh đường. Phủ lỵ nay về Nam Xang. Đặt nơi cai trị ở làng Nga Khê. Huyện Duy Tiên mới đi về. Đóng ngay chợ Đệp đi về sông Châu”. Tiếp theo là các cảnh đẹp của Hà Nam đều được giới thiệu, ngợi ca. Viết về vùng đất Ba Sao (Kim Bảng), bài vè có câu: “Tam Tinh có đá lạ đời. Đêm thanh sáng quắc góc trời như sao”. Tam Tinh là chữ Hán, tên nôm là Ba Sao chỉ một ngọn núi cao ở phía Tây Bắc thị trấn Ba Sao, vách núi nơi đây có ba tảng đá tròn, mỗi tảng to bằng cái nia. Tương truyền xa xưa ba tảng đá này thường phát sáng, ánh sáng chiếu tỏa cả một vùng rộng lớn. Thấy điều lạ, tên phù thủy Cao Biền đến xem, biết nơi đây có huyệt đế vương nên đã tìm cách đốt phá ba ngọn thạch tinh, yểm trừ linh khí nước ta.
Cũng ở vùng đất Kim Bảng, bài vè tả Bát Cảnh Sơn: “Gần đây Bát Cảnh non cao. Mênh mông nước bạc ì ào sóng xô”. Bát Cảnh còn có tên là Bát Tiên, thuộc xã Tượng Lĩnh. Trên núi có chùa Vân Mộng, chùa Tiên Ông… cảnh thanh u đẹp đẽ. Chúa Trịnh Doanh cho rằng, núi sông nơi này giống với cảnh Tiêu Tương bên Trung Quốc nên đặt tên cho núi này là núi Tiêu Tương, cho dựng hành cung để làm nơi du lãm. Dãy Bát Cảnh Sơn, một thời gian dài là thắng cảnh của trấn Sơn Nam xưa. Địa danh Quyển Sơn thuộc xã Thi Sơn cũng thuộc huyện Kim Bảng, tương truyền xưa kia trên ngọn núi Quyển ở vùng này có loại cỏ thi được xem là linh thảo, chữa được bách bệnh. Vì Lý Thường Kiệt đã đóng quân nơi đây trong cuộc chinh phạt Chiêm Thành nên núi Quyển thời Lý có tên là núi Cấm. Bài vè tả cảnh núi Cấm: “Quyển Sơn non nước hữu tình. Có cỏ thi mọc hiển linh lạ thường”.
Sang thị xã Duy Tiên, bài vè giới thiệu cảnh đẹp núi Đọi: “Núi Đọi hình thế lạ thường. Đoàn rồng chiều bão huyện đường Duy Tiên. Tòa chùa sửa đổi bao phen. Bia thơ Hồng Đức còn truyền dấu xưa”. Tòa chùa ở đây chỉ chùa Đọi, thời Lý Nhân Tông nhà vua đã cho dựng bia Sùng Thiện Diên Linh, vua Lê Thánh Tôn (Hồng Đức) lên chơi núi đã có bài thơ vịnh núi này. Còn vè viết về Bình Lục có những câu: “Bình Lục là chốn trung châu. Nghìn thu khí vượng, nhiệm màu nước non. Giang khê bốn mặt vuông tròn. Nguyệt hằng (tức núi An Lão) đứng trước một hòn cao cao”…
Trong kho tàng vè Hà Nam còn có bài vè thổ ngơi lưu truyền ở vùng đất Thanh Liêm. Đây cũng là một bài vè địa dư nổi tiếng, thuộc loại vè dài. Bài vè nói về các làng, xã ở Thanh Liêm và vùng phụ cận, giới thiệu cho mọi người biết một số đặc điểm vùng đất này. Nói về đất làng Đùng, xã Liêm Sơn, bài vè có câu: “Ai ơi về đất làng Đùng. Nhìn kiếm mọc ngược, nhìn cung xếp vòng. Nhìn núi mặt nguyệt, lưng ong. Thế như xà hổ uốn vòng dâng vua”. Tiếp theo, ra đến sông Đáy có những cảnh đẹp hiếm thấy: “Chèo thuyền qua bến Lòng Bong. Ghé qua kẽm Trống vào trong hang Bàn. Trông lên núi đứng xếp hàng. Công ngồi rỉa cánh, ngựa toan lên trời. Hai hòn ngọc uyển hẳn hoi. Một đàn cá lặn rồng ngoi lên bờ. Sông trong nước chảy lững lờ. Qua vòng núi Kẽm trai tơ, gái ngần”. Lại nhìn sang phía Tây sông Đáy: “Kìa chùa Trinh Tiết mới là. Long chầu, hổ phục, hạc sa lại gần”.
Chỉ bằng những câu vè thổ ngơi sau mà bao địa danh vùng đất Thanh Liêm đã được hiện lên với tất cả những phong tục, tập quán của mình: “Đuổi cuốc mà bắt ấy người làng Lê. Hội thi chiêng trống làng Đề. Võ truyền Cổ Lộng, cá ăn thề Bồng Ngâu. Trai tài thời đến Quế Hà. Còn như gái sắc lại ra Châu Cầu”. Làng Lê là một làng cổ thuộc xã Thanh Hương, xưa có tục “trục quyên” (đuổi cuốc). Hằng năm, vào ngày mùng 5 tháng 5, cả làng ra đình lễ Thánh rồi đuổi bắt cuốc, ai đuổi bắt được cuốc vào lễ Thánh trước nhất thì coi là điều may mắn cho cả năm. Làng Đề thuộc xã Liêm Cần, làng này xưa thuộc đất tụ nghĩa của Lê Hoàn, âm vang của một thời oanh liệt còn được lưu lại trong tục thi chiêng trống. Chọn chiêng lớn, trống lớn, tiếng vang rền và người đánh chiêng trống giỏi vào thi. Chiêng trống nào lớn nhất, tiếng kêu vang rền nhất thì thắng cuộc, tương truyền xưa kia hội này còn nhằm chọn chiêng trống tiến vua. Làng Cổ Lộng thuộc xã Thanh Hải. Hằng năm, hội võ ở đây mở ba ngày vào dịp rằm tháng Giêng, võ sĩ, võ sư khắp nơi về dự thi đấu. Các võ sư được mời lên đài, vừa giám sát cuộc đấu, vừa giảng giải để truyền dạy cho mọi người võ nghệ, vì vậy gọi là hội võ truyền. Làng Bồng Ngâu thuộc xã Thanh Nghị, xưa kia hằng năm vào mùa tháng 8, nước sông lên to, làng tổ chức “hội cá đi ăn thề” tức là tổ chức làm cỗ bằng đủ các loại cá lễ thánh, rồi thi bơi chải. Quế Hà là tên cũ vùng Quế Quyển con trai tài giỏi, còn Châu Cầu thuộc thành phố Phủ Lý có nhiều con gái đẹp.
Trong số những bài vè địa dư còn có bài vè Bách Thần – Bách Nhân. Nội dung của bài vè chủ yếu kể về sự tích các vị thần, trăm thần, trăm sự tích và cả bài vè là một câu chuyên dài tóm tắt hàng trăm chuyện cổ, có giá trị đã ngàn đời nay được lưu truyền trên đất Hà Nam.
Thông qua những bài vè cho chúng ta biết về hàng trăm địa danh, địa chỉ nổi tiếng của Hà Nam xưa. Có thể nói, trong các thể loại văn học dân gian, vè chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Hà Nam. Ngày nay, vè Hà Nam vẫn có một giá trị to lớn, là tài sản tinh thần quý báu cần được bảo tồn và lưu giữ.
Bình Chu