Đơn vị thi công công trình xây dựng bờ kè, đoạn chảy qua cầu Tuần Quán, thuộc phường Yên Ninh, thành phố Yên Bái (tỉnh Yên Bái) đã phát hiện một chuông đồng ở độ sâu khoảng 10m so với mặt bằng bờ sông Hồng, cách bờ khoảng 25m.
Ngày 17/12/2021, cán bộ chuyên môn của Bảo tàng tỉnh Yên Bái đã đến tiếp cận, nghiên cứu, giám định giá trị lịch sử - văn hóa, niên đại của hiện vật.
Kết quả nghiên cứu, giám định cho thấy chuông được đúc bằng hợp kim, đúc làm hai phần, sau đó đem ghép lại thành chiếc chuông và được chia làm 4 mặt, có dạng hình trụ, vai chuông hình khum, cong nhẹ, phần trên cùng của quả chuông là đôi rồng đấu lưng nhau, tạo hình thành quai của quả chuông.
Thân chuông được trang trí đơn giản theo phong cách đặc trưng thời Nguyễn. Chuông có chiều cao 0,6m; đường kính đáy 31,5cm, cân nặng 29kg. Trên thân chuông có khắc 4 cụm chữ Hán: cụm 1 (4 chữ); cụm 2 (28 chữ); cụm 3 (48 chữ); cụm 4 (16 chữ).
Thông tin từ các cụm chữ khắc trên thân của quả chuông cho biết, chuông được đúc vào tháng 3/1856 - năm thứ 10 thời vua Tự Đức trị vì, do 12 đệ tử công đức, 7 ông cai Tổng và 2 ông quan võ cấp dưới cai Tổng đã đồng lòng cho phép đúc quả chuông (hợp kim) này để cung tiến, đưa vào treo ở khu cửa chính ra vào của 1 ngôi đền.
Hiện nay, quả chuông đã được bàn giao về Bảo tàng tỉnh Yên Bái lưu giữ, bảo quản và tiếp tục nghiên cứu./.
VOV