Xây dựng lễ hội chùa Đọi và nghề làm trống Đọi Tam là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Để làm tăng thêm giá trị điểm đến và nâng cao ý thức giữ gìn cũng như niềm tự hào của người dân địa phương, lễ hội chùa Đọi và nghề làm trống ở Đọi Tam, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH,TT&DL ghi danh là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm tới.

Văn hóa Đọi Sơn là tiểu vùng văn hóa độc đáo của văn hóa Hà Nam. Ở đây hội đủ cả văn hóa hữu thể và văn hóa phi vật thể. Văn hóa hữu thể có những di chỉ, di vật khảo cổ học về người Việt cổ, có chùa Đọi, bia Sùng Thiện Diên Linh. Những văn hóa phi vật thể có lễ hội Tịch điền – lễ hội nông nghiệp cổ nhất Việt Nam; lễ hội chùa Đọi – lễ hội Phật giáo lớn nhất vùng, các bài văn khắc trên bia đá Sùng Thiện Diên Linh, bia văn từ Duy Tiên trên núi Đọi; làng nghề trống Đọi Tam; các bài văn thơ về núi Đọi của các bậc quân vương và văn sĩ nhiều đời. 

Với những giá trị độc đáo và nổi bật đó, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam, nơi đây được xác định là “Điểm du lịch văn hóa – sinh thái Long Đọi Sơn”. Để làm tăng thêm giá trị điểm đến và nâng cao ý thức giữ gìn cũng như niềm tự hào của người dân nơi đây, lễ hội chùa Đọi và nghề làm trống ở Đọi Tam đang được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH,TT&DL ghi danh là văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm tới.

Đình làng Đọi Tam - nơi thờ ông tổ nghề trống.

Lễ hội chùa Đọi bắt đầu được tổ chức từ năm 1840 vào mùa Xuân tháng 3 âm lịch. Chính hội tổ chức vào ngày 21 nhưng từ sớm trước đó đã có rất đông phật tử và du khách về lễ Phật, tham quan vãng cảnh chùa, đặc biệt chiêm ngưỡng tấm bia Sùng Thiện Diên Linh – tấm bia cổ nghìn năm tuổi còn tồn tại đến ngày nay. Lễ hội chùa Đọi còn là dịp tưởng niệm vua Lý Nhân Tông – người có công mở mang xây dựng chùa và Thái hậu Phù Thánh linh (Vương phi Ỷ Lan – mẹ đẻ của vua Lý Nhân Tông). Từ sáng sớm đoàn rước kiệu, đoàn tế của các làng vùng Đọi Sơn từ chân núi lên chùa làm lễ. Sau phần lễ dâng hương, các đội tế nam quan, tế nữ quan thực hành các nghi lễ tạ ơn Trời Phật. 

Về phần hội, trước đây có rất nhiều trò chơi được tổ chức, đều là các trò chơi dân gian, mang đậm dấu ấn của cư dân nông nghiệp nông thôn, như thi nấu cơm, dệt vải, hát chèo, hát đối, hát giao duyên, hội chọi gà, tổ tôm điếm, đấu vật, đánh cờ người, múa tứ linh… rất tưng bừng, rộn rã. Ngày nay, ngoài phần lễ vẫn được duy trì và tổ chức đúng theo nghi thức cổ truyền thì phần hội chỉ còn hát chèo, thi đấu cờ người và các hoạt động thể thao quần chúng của người dân trong vùng được tổ chức nhân dịp lễ hội. 

Lễ hội chùa Đọi là lễ hội Phật giáo, ngoài thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh, lễ hội còn là nơi con người tìm về chính bản thân mình, sự an yên trong tâm hồn, thiện tâm trong cuộc sống và thông qua các nghi trình lễ hội cũng là các hoạt động cầu mùa đặc trưng của cư dân trồng lúa nước. Cùng với lễ Tịch điền, lễ hội chùa Đọi hiện là hai trong nhiều lễ hội vùng thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương của Hà Nam. Chùa Đọi đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Tới đây lễ hội chùa Đọi được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những nét văn hóa độc đáo của toàn bộ tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn được phát huy sẽ là điểm du lịch tâm linh, khảo cứu văn hóa thú vị trong bản đồ du lịch Hà Nam.

 Nói đến văn hóa phi vật thể tiểu vùng văn hóa Đọi Sơn cũng không thể không nói đến nghề làm trống làng Đọi Tam. Một làng nghề truyền thống dường như không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời gian, chiến tranh, vận động xã hội vẫn tồn tại bao đời nay. Làng nằm dưới chân núi Đọi, theo dân làng, ông tổ nghề làm trống Đọi Tam là hai anh em ông Nguyễn Đức Năng và Nguyễn Đức Bản. 

Chuyện kể rằng, năm 986, khi được tin vua Lê Đại Hành sẽ về làng làm lễ Tịch điền, hai anh em mới bàn nhau làm một cái trống to để đánh trống mừng đón vua. Hôm đón vua, hai anh em đem trống ra đánh, tiếng trống rền vang như sấm dội, khiến nhà vua và dân làng vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Dân làng tôn hai ông là tổ nghề trống, còn vua Lê Đại Hành tặng hiệu là Trạng Sấm. Nghề làm trống từ đó hình thành, cha truyền con nối. Con trai làng biết làm trống từ năm 12, 13 tuổi, đến tuổi trưởng thành, chúng đã theo cha anh rong ruổi trên mọi vùng quê để hành nghề. Tiếng trống Đọi Tam đã góp vui cho biết bao hội hè trên khắp mọi vùng quê trong cả nước, là tiếng trống trường rộn ràng, tiếng trống canh làng chống trộm, tiếng trống hợp tác xã… 

Dân làng Đọi Tam tài hoa có thể làm được nhiều loại trống, từ trống đại, trống đội, trống đình, trống cơm, trống trường, trống nhà thờ, trống chùa, trống hội, trống múa lân sư rồng, trống khẩu, trống đế, trống cho các ngành nghệ thuật đến các loại trống có mẫu mã hiện đại ngày nay. Nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội, làng Đọi Tam đã làm chiếc trống đại to nhất Việt Nam lúc bấy giờ dâng lên đại lễ. Trống có đường kính mặt 2,01m, cao 2,65m, thể tích 10m3, diện tích 19,5m2. Từ lâu làng Đọi Tam đã hình thành một đội trống gồm toàn các chị em phụ nữ. Phần biểu diễn trống hội của làng luôn luôn nằm trong phần khai mạc lễ Tịch điền hằng năm. Ngoài ra, đội trống của làng còn thường xuyên được mời đi phục vụ các lễ hội lớn, các sự kiện trong và ngoài tỉnh.

Ngày nay, dân làng Đọi Tam đã nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường nên ngoài các sản phẩm truyền thống, làng đã có thêm một số mặt hàng mới như thùng rượu, chậu ngâm chân, bồn tắm bằng gỗ. Với sự độc đáo của làng nghề, nên những năm gần đây nhiều du khách khi về thưởng ngoạn cảnh quan, dự lễ hội chùa Đọi còn thường xuống làng Đọi Tam tham quan cảnh làm trống, nghe những câu chuyện về nghề, việc giữ nghề, phát triển nghề của các nghệ nhân làng nghề, mua một số chiếc trống nhỏ làm quà kỷ niệm. Đây chính là sự thú vị của một vùng văn hóa, vùng du lịch của Hà Nam.

Chu Bình

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy