kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Về Ngũ Cõi, nhớ những điển lễ văn hóa khơi nguồn thời Tiền Lê

Về Ngũ Cõi, nhớ những điển lễ văn hóa khơi nguồn thời Tiền Lê

Năm 2016, sau Hội thảo khoa học quốc gia “Lê Hoàn - Quê hương và sự nghiệp”, Cụm di tích nhà Tiền Lê gắn với thân thế và sự nghiệp của Hoàng đế Lê Đại Hành (thôn Ngũ Cõi, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm) đã được UBND tỉnh Hà Nam quan tâm nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng nhằm phát huy giá trị phục vụ nhu cầu tâm linh và phát triển du lịch.

Trong các di tích, đền Hạ hay còn gọi là đền Lăng thờ tứ vị hoàng đế, tam vị danh thần và khu vực Mả Dấu là mộ cụ Lê Lộc, ông nội Lê Hoàn là còn hiện diện. Hiện nay, đền Lăng và Mả Dấu đã được tu sửa, phục dựng; các đền Trung (sinh từ của Lê Đại Hành), đền Thượng (sinh từ vua Đinh Tiên Hoàng) chuẩn bị được triển khai xây dựng trên nền móng cũ. Từ đền Lăng, chúng tôi leo lên lưng chừng núi Cõi. Nơi này có một vạt đất khá bằng phẳng chính là nơi lập sinh từ, là từ đường nhà Tiền Lê (hay còn gọi là đền Trung) xưa kia. Chính từ nơi đây, Lê Hoàn đã ngồi dạy học rồi lập căn cứ, hoạt động quân sự, đem quân bản bộ theo nhà Đinh dẹp loạn sứ quân, được giữ chức Thập đạo tướng quân, Điện tiền đô chỉ huy sứ và là vị minh chủ khai sáng triều Tiền Lê, đưa quốc gia Đại Cồ Việt sang một trang mới.

Về Ngũ Cõi nhớ những điển lễ văn hóa khơi nguồn thời Tiền Lê
Mả Dấu - theo truyền thuyết là nơi hổ táng ông nội Lê Hoàn.

Sau khi dẹp nội loạn, bình định Chiêm Thành, ông chính là người thứ hai sau Ngô Quyền chiến thắng giặc phương Bắc trên trận địa sông Bạch Đằng. Đây được coi là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mở đầu kỷ nguyên Đại Việt chiến thắng quân xâm lược phương Bắc, giữ vững nền độc lập, hùng cứ một phương, sánh ngang các triều đại phong kiến Trung Quốc. Đất nước độc lập, Lê Hoàn chú trọng phát triển nông nghiệp. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Lê Đại Hành chính là người đã đưa giống lúa Chiêm (một loại lúa đặc hữu của Chiêm Thành) vào nước ta làm nên một năm hai vụ lúa chiêm – mùa.

Một trong những việc làm để phát triển nông nghiệp nữa của vua Lê Đại Hành là việc tổ chức Lễ cày ruộng (Tịch điền) cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Đích thân nhà vua xuống đồng quất trâu cày luống cày đầu tiên để mở đầu một năm sản xuất nông nghiệp mới và cũng là mở đầu một điển lễ văn hóa độc đáo. Ông đã chọn miền đất ruộng dưới chân núi Đọi – Hà Nam quê cha làm nơi tiến hành nghi lễ Tịch điền. Từ kinh đô Hoa Lư, vua Lê Đại Hành ngự thuyền rồng, theo dòng Hoàng Giang, ra ngã ba Gián Khẩu, vào sông Đáy, ngược lên Châu Cầu, rồi theo dòng Châu Giang ngược lên núi Đọi để làm lễ mở xá cày đầu tiên cho dân vào vụ đầu năm. Lễ Tịch điền đã trở thành điển lễ của Đại Cồ Việt, được các triều đại kế thừa, xây nên truyền thống trọng nông của nước ta.

Năm 2009, phong tục tốt đẹp này được UBND tỉnh Hà Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phục dựng lại. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn từ đó hằng năm được tổ chức tại chính miền đất ruộng dưới chân núi Đọi - nơi mà vào mùa Xuân năm 987 vua Lê Đại Hành đã lần đầu tiên tiến hành nghi lễ Tịch điền. Năm 2017, lễ hội này đã được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Một đóng góp nữa cho văn hóa Việt Nam của vua Lê Đại Hành đó chính là việc tổ chức đua thuyền – một trò hội từng rất phổ biến trong rất nhiều những lễ hội ở các làng quê, mang đặc trưng văn hóa của xã hội nông nghiệp trồng lúa nước. Hội này mở đầu vào mùa thu tháng bảy, ngày rằm năm 985, nhằm vào lễ sinh nhật Lê Hoàn. Sách Đại Việt sử ký toàn thư có viết: “Vua sai người làm thuyền ở giữa sông, lấy tre làm núi giả đặt trên thuyền, gọi là Nam Sơn, rồi bày trò vui đua thuyền, về sau thành lệ thường”. Ở Hà Nam đã từng có nhiều lễ hội có trò đua thuyền như: Lễ hội đền bà Lê Chân (thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng) có hội đua thuyền trên sông Ngân; Lễ hội chùa Bà Đanh (thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng) có hội đua thuyền trên sông Đáy; Lễ hội đình đá An Mông (thôn An Mông, xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) có hội đua thuyền trên sông Châu; trên dòng sông Đáy xuôi về phía Nam có hội đua thuyền trong Lễ hội đình chùa Châu (tiểu khu Châu Giang, thị trấn Kiện Khê) và Lễ hội Vũ Cố Đại Vương ở các thôn xã Thanh Thủy, huyện Thanh Liêm…

Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh San, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Lê Đại Hành còn là người đầu tiên đưa văn hóa Chăm Pa về Đại Việt nói chung và Hà Nam nói riêng. Một trong những yếu tố văn hóa Chăm Pa đó là nghề làm trống da trâu mà hiện nay còn hiện diện đó là làng nghề truyền thống trống Đọi Tam – một thôn nằm dưới chân núi Đọi. Tiếng trống Đọi Tam xưa kia đã từng được gióng lên trong lễ mừng đón vua Lê Đại Hành khải hoàn khi Đại Cồ Việt sạch bóng giặc; tiếng trống Đọi Tam mừng vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư lên Thăng Long năm 1010 và nay lại vang vọng trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn hằng năm trên quê hương Hà Nam của vua Lê Đại Hành.

Theo Quyết định mới đây nhất của tỉnh, đền Lăng được công nhận là Điểm du lịch cấp tỉnh. Sự công nhận này giúp đền Lăng kết nối với các khu, điểm du lịch khác trong tỉnh tạo nên các tour du lịch của Hà Nam. Tuy nhiên, để đền Lăng, Mả Dấu và tới đây là các cụm đền Trung, đền Thượng– nơi suy tôn, thờ phụng Hoàng đế Lê Đại Hành trên quê hương Liêm Cần của ông, rất cần công tác tuyên truyền, quảng bá tới nhân dân và du khách thập phương, nhất là cấp ủy, chính quyền và những người dân nơi có di tích.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy