Không được đào tạo bài bản về du lịch, văn hóa hay văn học, nhưng ông Trần Văn Vịnh, người trông coi Khu tưởng niệm nhà văn - liệt sỹ Nam Cao (xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân) lại rất có duyên khi giới thiệu với du khách về nhà văn, quê hương ông.
“Chẳng mấy ai nói được về nhà văn Nam Cao cũng như tác phẩm của ông chân thực như ông ấy. Nó không phải là những bài giảng văn học, hay lịch sử mà nó là những câu chuyện thực hấp dẫn người nghe mỗi lần đến thăm quê hương Nam Cao” – Ông Nguyễn Tiến Dụng, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh nhận xét.
Nhìn dáng vẻ ông Vịnh chân quê, lam lũ, không hề gợi cảm giác liên tưởng đến một con người sành văn chương, chữ nghĩa. Thế nhưng, ông Vịnh có năng khiếu diễn đạt tốt, bởi thế khi ông nói về các tác phẩm Nam Cao, du khách như bị hút vào những câu chuyện.
Ông nói “Sao lại gọi hắn là Phèo? Bởi vì, ngày trước ở quê tôi có những quán hàng ngoài chợ, buổi vắng những người không nhà không cửa như Chí tìm đến nằm lúc say. Mỗi lần anh Chí có tiền là uống rượu, khật khưỡng đi về phía chợ Bến tìm quán đó nằm. Ai hỏi anh, đi đâu đấy, anh chỉ nói đúng một từ “đi Phèo!”, có nghĩa là nằm phèo…”
Chuyện cứ như thật, cứ như cái làng Đại Hoàng này đã sinh ra Chí, có một anh Chí, một lão Hạc, một thị Nở, một thầy giáo Thứ … Họ ở góc này, góc nọ, gần gũi, thân quen với mọi người dân quê ông… Du khách nghe ông nói về các nhân vật đó mà cảm thấy sự thật còn in dấu không phải trong tác phẩm văn học của Nam Cao, mà trong tâm thức người dân. Vì điều ấy, họ muốn đi tìm nhân vật, muốn đến những nơi các nhân vật văn chương ấy đã sống, đã nổi bật tính cách điển hình trong tác phẩm của Nam Cao, làm nên tên tuổi Nam Cao…
Nhìn điệu bộ ông Vịnh nói, diễn giải về đất và người quê hương Nam Cao, du khách càng như được khơi gợi sự tò mò, khám phá. Nhiều người đi chuyến đầu, dự định trở lại chuyến thứ hai mang theo nồi niêu, xoong chảo, bát đũa... để có thể ngồi ở vườn chuối nấu cháo ăn, tìm cảm giác văn chương và đời thực xem thú vị đến mức nào. Có người còn xin ngủ lại qua đêm ở nhà Bá Kiến…
Mấy lão nông quê hương ông nói: “Lão Vịnh tài thật! Móm mém, hốc hác, dáng vẻ gầy gộc, khô cằn thế, chẳng khác gì lão Hạc mà lại có duyên đáo để! Ông ta nói mà du khách cứ lặng im nghe và tin tưởng. Có ai biết, bình thường lão nguyên tắc vô cùng. Lão bảo lão cho dân đây bán hàng phía trước khu tưởng niệm cho khách, nhưng chỉ bán những đặc sản quê lão, phải đúng giá, bán đắt cho khách lão đuổi đi chỗ khác. Vườn tược lúc nào cũng sạch, chẳng một lá cây.”
Một lần nói chuyện với ông Nguyễn Trọng Long, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lý Nhân về cán bộ văn hóa cơ sở, ông nói nếu Lý Nhân phát triển du lịch cộng đồng, phát huy được các giá trị của di tích và danh thắng phải cần đến những người như ông Vịnh. Mặc dù những năm qua, phòng cũng có tổ chức tập huấn nghiệp vụ du lịch cho những người làm công việc như ông Vịnh, nhưng không phải ai cũng có thể đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Nghe nói, ông Vịnh nhận việc trông coi khu tưởng niệm này theo đề nghị của chính quyền địa phương năm 2004 khi khu tưởng niệm này chính thức mở cửa. Bấy giờ, tỉnh giao cho huyện Lý Nhân quản lý và bảo vệ khu tưởng niệm này, tiến tới thực hiện quy hoạch lớn phát triển du lịch ở đây. Nhưng từ huyện về Hòa Hậu xa hơn 20 km, việc bố trí cán bộ gặp khó khăn nên giao cho địa phương quản lý, khai thác du lịch. Chính quyền địa phương cũng loay hoay không biết tìm ai đảm đương việc đó nên phải nhờ ông Vịnh trông coi tạm thời.
16 năm trôi qua, địa phương vẫn chưa tìm được ai thay thế ông Vịnh. Có lần, ông Vịnh chia sẻ: “Bao nhiêu người hỏi tôi làm việc ấy có nhiều tiền không? Tôi chỉ cười lặng lẽ. Nói thật với chị, từ 2005 đến nay, mỗi tháng phòng Văn hóa – Thông tin huyện trả tôi 80.000 đồng theo chế độ người trông coi phòng thư viện. Còn phía xã giao cho tôi một phần diện tích mặt nước phía trước khu tưởng niệm để khai thác được gì thì khai thác thôi. Nhưng cái chính là trong ngần ấy thời gian, từ một lão nông, tôi đã tiếp cận, nghiên cứu tài liệu, đọc tất cả các tác phẩm của Nam Cao và không từ bỏ bất cứ một hoạt động nào của các cơ quan văn hóa, truyền thông liên quan đến nhà văn. Giờ tất cả ở trong đầu, tôi đã sắp xếp nó thành mạch chuyện, mạch sự kiện… để nói cho du khách nghe mỗi lần đến đây. Có thể không chuyên nghiệp, không có giọng điệu của một hướng dẫn viên được đào tạo bài bản, nhưng tôi nói bằng một tấm lòng yêu quý, trân trọng và ngưỡng mộ nhà văn. ”
Mùa xuân này, ông Vịnh tròn 70 tuổi. Những nét khắc khổ trên gương mặt ông có thể cho người ta cảm nhận ông già hơn tuổi. Với khách, ông là hướng dẫn viên đặc biệt nhất ở Hà Nam, vừa nông dân, vừa rất hồn hậu. Với cán bộ và nhân dân địa phương, ông Vịnh không còn là hướng dẫn viên bất đắc dĩ nữa, ông cũng đặc biệt và quan trọng, bởi cho đến giờ chưa có ai thay thế ông “gánh” được những việc ở Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao.
Giang Nam
Chu Uyên