Có mặt trên đất Hà Tĩnh vào những ngày chuẩn bị lập thu, chúng tôi đã đến thăm một số địa điểm nổi tiếng như hồ Kẻ Gỗ, Khu lưu niệm Nguyễn Du, Ngã ba Đồng Lộc và Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Người dẫn chúng tôi đến đây là hai cán bộ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh Trương Vĩnh Từ và Võ Thị Hồng Thắm. Anh Từ nhiệt tình, cẩn thận và chu đáo mang lên xe hai phần lễ được sắp xếp đẹp mắt. Anh nói thân mật: “Các anh chị đến hôm nay đúng ngày giỗ cụ đấy! Năm nay, giỗ ngày âm 6/7 đúng vào ngày 3/8. Buổi sáng, các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã cùng với huyện Cẩm Xuyên làm lễ dâng hương tưởng nhớ cụ tại khu mộ.” Mọi người cảm thấy may mắn và có cảm xúc khá đặc biệt. Trời Hà Tĩnh trong xanh vời vợi, nắng vàng dải đều trên các triền núi xanh biếc.
Con đường đến khu miếu Đồng Lem, nơi đặt mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập đẹp bình dị. Một người đàn ông lớn tuổi tên là Hà Huy Chân có mặt chờ đoàn, chuẩn bị sẵn hương, nến. Ông giới thiệu mình là cháu gọi cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập là bác họ. Một thanh niên tên là Hà Huy Hoàng, cán bộ Ban Quản lý Khu di tích cũng có mặt chuẩn bị làm lễ.
Ông Chân điềm tĩnh, chất phác chia sẻ: “Tôi làm công việc trông coi khu mộ của cụ gần chục năm nay. Năm nào vào ngày này mọi người cũng về đây thắp hương cụ, ngắm cảnh núi đồi. Chỉ có hai năm vừa rồi, dịch bệnh Covid-19, khách đến thưa hơn…”
Quần thể di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gồm hai phần là Khu lưu niệm và khu mộ đều nằm tại thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Khu mộ có diện tích khoảng 8.000m2, được xây dựng năm 2014 và hoàn thành vào năm 2016 đúng dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cụ.
Địa thế của khu mộ khá đẹp, theo anh Hà Huy Hoàng, cán bộ Ban quản lý di tích: đầu mộ đặt trên Đống Choác, đây là nơi xưa kia tướng Nguyễn Biên hợp quân với Lê Lợi đánh quân Minh. Phía trước mộ là hồ thủy lợi Thượng Tuy xây năm 1960, có trữ lượng nước trên 230.000m3.
Nằm cạnh khu mộ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập là mộ của thân phụ và thân mẫu ông. Ông Hà Huy Chân kể: “Năm 2009 sau khi tìm thấy hài cốt của cụ ở Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh, rồi được Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và con cháu trong họ đưa cụ về đây, khu lăng mộ đã trở thành điểm đến của rất nhiều tầng lớp nhân dân, du khách quốc tế. Là con cháu trong họ, chúng tôi cảm thấy tự hào vô cùng, luôn nhắc nhở nhau sống và làm việc một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, phụng sự Tổ quốc, xây dựng quê hương.”
Nằm cách khu lăng mộ cố Tổng Bí thư 2km là khu nhà lưu niệm Người, có diện tích trên 15.000m2, được thiết kế xây dựng nhiều hạng mục như nhà thờ, nhà trưng bày, vườn, tượng và trên 50 cây xanh.
Bước chân qua cổng, du khách sẽ được nhìn thấy không gian xanh đặt 3 cụm tượng làm bằng đá xanh nằm giữa các khoảng không trên lối đi đến nhà thờ, nhà trưng bày, nhà tranh nơi cố Tổng Bí thư cất tiếng khóc chào đời…
Anh Hà Huy Hoàng giới thiệu về các bức tượng mô tả quá trình hình thành nhân cách, tư tưởng của cụ đến con đường giác ngộ cách mạng và sự cống hiến hy sinh vì dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Khu nhà tranh 5 gian có lịch sử hơn 100 năm, vốn trước đây không phải nằm ở vị trí này mà nó được tọa lạc ở vùng đất khác cách khu lưu niệm 3km về phía Đông, làng Kim Nặc. Năm 1977, công trình này được đưa về đây để bảo tồn và được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2004.
Còn Nhà trưng bày có diện tích 150m2 lưu chứa nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử có liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư hiện cũng giống như khu nhà tranh đang được tu sửa, du khách chỉ có thể đứng ngoài nhìn vào, nghe thuyết minh.
Hoàng nói: “Trong hàng trăm tư liệu được trưng bày tại đây, có bức thư cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập gửi em rể Nguyễn Đình Cương đề ngày 2/5/1941 là tư liệu có giá trị lịch vô cùng quý giá với lời nhắn nhủ: “Nếu tôi phải bị chết thì… gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người chết mà phải buồn; trái lại nên xem tôi như là người còn sống, nhưng đi vắng một thời gian vô hạn… mà thôi”. Những hiện vật tại đây trở thành kho tư liệu vô cùng quý giá với lịch sử dân tộc. Nó sẽ giúp cho du khách hiểu hơn về tinh thần chiến đấu quên mình vì sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, người có hơn 16 năm hoạt động cách mạng, gần 2 năm làm Tổng Bí thư của Đảng (từ tháng 7/1936-3/1938)."
Cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Vốn là giáo viên trường tiểu học Vinh, vì tham gia truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh nên bị buộc không được dạy học nữa. Từ năm 1926, đồng chí tham gia nhóm Phục Việt, sau đổi tên là Tân Việt. Mặc dù giữ cương vị Tổng Bí thư trong quãng thời gian không dài nhưng những đóng góp của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập được đánh giá là vô cùng to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Đồng chí có công lao lớn trong xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của Đảng ta thời kỳ Mặt trận Dân chủ. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực tư duy lý luận sắc sảo và rất quan tâm đến tổng kết các kinh nghiệm lịch sử, thành công và chưa thành công ở những thời kỳ đã qua của Đảng để soi sáng việc chỉ đạo cho các vấn đề hiện tại.
Đối mặt với sự tàn bạo của kẻ thù, đồng chí Hà Huy Tập cùng với các bậc tiền liệt cách mạng khác đã không hề khuất phục, dương cao ý chí bất khuất, khí tiết của người Cộng sản. Trước tòa, bác lại lời cầu xin của trạng sư bào chữa, cố Tổng Bí thư khẳng khái tuyên bố: “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi vẫn sẽ tiếp tục hoạt động”.
Giang Nam