Sáng 20/9, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác kiểm kê di tích giai đoạn 2019 - 2022 và công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt danh mục kiểm kê di tích trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.
Thực hiện kế hoạch kiểm kê, từ tháng 3/2019 – 4/2022, Bảo tàng tỉnh đã phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố, thị xã tổ chức kiểm kê di tích tại 111 xã, phường, thị trấn. Đoàn kiểm kê đã lập 1.658 phiếu tương ứng với 1.658 di tích kiểm kê. Như vậy, tính đến ngày 30/12/2022, tỉnh Hà Nam có tổng số 1.888 di tích, tăng 104 di tích so với đợt kiểm kê giai đoạn 2002 – 2004.
Trong tổng số di tích kiểm kê giai đoạn 2019 – 2022 (trừ các di tích đã được Nhà nước xếp hạng các cấp) thì số di tích hội tụ đủ các tiêu chí và điều kiện cần thiết để đưa vào kế hoạch xếp hạng trong những năm tới chiếm tỷ lệ khoảng 07- 09% trên tổng số 1.658 di tích đã được kiểm kê. Đặc biệt trong số hàng nghìn các đồ thờ, hiện vật tại các di tích có 06 hiện vật tiêu biểu có thể xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu, đề xuất với tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia trong những năm tới.
Thông qua đợt tổng kiểm kê di tích giai đoạn 2019 – 2022 của Sở VH,TT&DL đã góp phần tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và các văn bản pháp quy về di tích tới các ban khánh tiết và nhân dân để có nhận thức đầy đủ hơn về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích. Giúp các địa phương và ngành chức năng nhận diện sơ bộ các giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của di tích; phát hiện di vật, cổ vật có giá trị để có kế hoạch nghiên cứu phát huy. Kiểm kê di tích còn giúp chính quyền địa phương nắm bắt sâu hơn một số vấn đề về giá trị, thực trạng di tích, tình hình tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, sự thay đổi địa danh hành chính các thôn, xã vừa được sáp nhập. Kết quả kiểm kê là cơ sở ban đầu để phân loại giá trị di tích, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc hoạch định chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Anh Chức, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Cấp ủy, chính quyền, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa, Luật Tôn giáo tín ngưỡng và quy định UBND tỉnh phân cấp quản lý di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở số liệu, danh mục được bàn giao, các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tiếp tục thống kê, bàn giao cho các đơn vị cấp dưới lưu giữ hồ sơ phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di tích. Các địa phương phải làm tốt công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích, tránh tình trạng trông chờ ỷ lại cấp trên để di tích xuống cấp nghiêm trọng.
Căn cứ danh mục kiểm kê, rà soát những di tích hội đủ điều kiện, tiêu chí xếp hạng, phối hợp với các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá, đưa vào kế hoạch xếp hạng hàng năm. Công tác tu bổ tôn tạo di tích cần quan tâm việc phát huy giá trị của các di tích phục vụ cộng đồng và gắn phát triển du lịch.
Tại hội nghị, Sở VH,TT&DL đã tiến hành công bố Quyết định và trao hồ sơ danh mục kiểm kê di tích cho các địa phương; tặng Giấy khen cho 06 tập thể và 10 cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Chu Bình