Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Lễ hội Tịch điền – lễ hội mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò sản xuất nông nghiệp của các bậc quân vương xưa do vua Lê Đại Hành là người khởi xướng.

Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Vị bô lão xã Tiên Sơn nhập linh khí quân vương cày những sá đầu tiên tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2020.

Đó là vào mùa Xuân năm Đinh Hợi 987, vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan làm lễ tế Thần Nông và đích thân xuống đồng cày ruộng khuyến khích người dân chăm chỉ gieo trồng. Mảnh ruộng được vua Lê chọn cày Tịch điền nằm dưới chân núi Đọi. Kể từ mùa Xuân năm Đinh Hợi đó nối tiếp các triều đại sau, từ Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều tổ chức lễ hội Tịch điền một cách thành kính, trang trọng cầu mùa màng bội thu, khuyến khích sản xuất nông tang. Trải qua hàng nghìn năm, lễ hội Tịch điền đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc. Sau một thời gian gián đoạn, năm 2009 Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã được tỉnh Hà Nam phục hồi tổ chức cho đến  nay.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức từ ngày mùng 5 – 7 tháng Giêng hằng năm ngay tại khu ruộng dưới chân núi Đọi, nơi xưa kia vua Lê Đại Hành đã cày những sá ruộng khuyến nông đầu tiên. Đây là một lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra từ trung tâm chùa Đọi và lan tỏa xuống đến các thôn xóm của xã Đọi Sơn (nay là xã Tiên Sơn). Năm Tân Sửu 2021, Lễ hội Tịch điền không được tổ chức do dịch bệnh Covid-19. 

Có thể nói, qua 12 năm (từ năm 2009 – 2020) công tác tổ chức Lễ hội Tịch điền đã nền nếp và khá nhuần nhuyễn theo kịch bản tổng thể do Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xây dựng. Các nghi lễ trong lễ hội do các tăng, ni, phật tử, các bô lão, ban khánh tiết của các di tích trong xã Tiên Sơn và nhân dân toàn xã tiến hành. Phần hội có các trò chơi dân gian, các giải thể thao truyền thống, trong đó độc đáo có hội thi vẽ trâu cày Tịch điền.

Tuy nhiên, dù được nhận định là lễ hội liên hoàn các nghi lễ, diễn xướng và các hoạt động văn hóa, thể thao nhưng dường như các hoạt động lại thiếu sự gắn kết. Ngày đầu tiên lễ hội, ngày mùng 5 chủ yếu diễn ra các nghi lễ tâm linh tại đình Đọi Tam và chùa Đọi gồm các lễ cáo yết, rước nước lên đàn tế, sái tịnh và lễ cầu an. Những nghi lễ này chủ yếu do ban khánh tiết và các tăng, ni, phật tử thực hiện. Ngày mùng 6, tại sân Trường THCS Tiên Sơn là các giải thể thao phong trào của xã và thị xã tổ chức. Cùng thời gian với các giải thể thao là hội thi vẽ, trang trí trâu và các trò chơi dân gian tại khu vực sân lễ hội, dưới các thôn làng có hội thi làm bánh giầy, thi kéo co… làm cho các trò hội phân tán, không tập trung, không tạo được không khí trong 2 ngày đầu tiên lễ hội.

Qua nhiều năm theo dõi lễ hội chỉ đến tối ngày mùng 6 khi có các chương trình biểu diễn nghệ thuật của Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh về biểu diễn sau đó là các màn đốt pháo bông, pháo thăng thiên mới thu hút được đông đảo dân chúng và du khách. Và sáng ngày mùng 7 chính hội, tăng, ni, phật tử, dân làng cử hành các nghi thức rước cờ, kiệu về khu vực đàn tế thì lễ hội mới tấp nập và sôi động. Các nghi lễ tâm linh, nghi lễ hành chính cũng như diễn xướng cày Tịch điền diễn ra trong khoảng 1 giờ 30 phút thì cũng đồng nghĩa với lễ hội kết thúc. Các gian hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp sạch… tại lễ hội Tịch điền khá sơ sài, ít chú trọng đến giá trị thương mại nên cũng không thu hút được khách hàng và cũng không để lại được dấu ấn với du khách. Đây là thực tế diễn ra tại Lễ hội Tịch điền những năm qua khi yếu tố mới của lễ hội không còn nhiều. 

Về vấn đề này, ông Trần Kim Công, Chủ tịch UBND xã Tiên Sơn có ý kiến, thị xã Duy Tiên tham mưu với UBND tỉnh xây đền tế Thần Nông tại khu vực tổ chức lễ hội. Ngoài việc quy hoạch để người dân chủ động trong sản xuất, thiết nghĩ việc xây dựng đền Thần Nông tại xã Tiên Sơn sẽ giúp lễ hội quy tụ hơn, việc tổ chức các hoạt động cũng được tập trung hơn. Từ đó cũng giúp cho công tác tổ chức không còn quá nhiều công đoạn và hơn nữa là giúp cho việc dần dần chuyển giao công tác tổ chức lễ hội cho chính quyền và nhân dân xã Tiên Sơn thuận lợi hơn.

Việc quy hoạch và xây dựng khu vực tổ chức Lễ hội Tịch điền cần nhiều yếu tố nhưng để lễ hội đến gần với người dân hơn nữa, ông Lê Minh Sơn, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho rằng, sau khi nghi lễ Tịch điền của linh vị vua Lê Đại Hành và các đại biểu kết thúc thì nên tổ chức thi cày cho nhân dân và du khách. Ai cày nhanh, cày đẹp sẽ được trao giải thưởng như thế sẽ vui hơn, giữ chân được du khách và làm cho lễ hội lan tỏa sâu đậm hơn, ý nghĩa hơn của một lễ hội nông nghiệp độc đáo của Hà Nam…

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.