Phát hiện di tích người tiền sử ở Động Puông, Bắc Kạn

Gần 100 di vật khảo cổ minh chứng cư trú của người tiền sử, niên đại cách ngày nay khoảng 8.000 - 9.000 năm.

Nhóm nghiên cứu đào khảo sát tại hang Động Puông. Ảnh: Văn Hạnh.

Viện Khảo cổ học và Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn vừa phát hiện được nhiều địa điểm có dấu tích văn hóa của người tiền sử trong hang động thuộc vùng núi đá vôi huyện Ba Bể, trong đó nổi bật là di tích Động Puông, thuộc Bản Vài, xã Khang Ninh. Động Puông là một thắng cảnh thuộc Vườn quốc gia Ba Bể. Tại đây nhóm nghiên cứu đào thám sát một hố nhỏ 5m2.

Kết quả bước đầu cho thấy, dấu tích của người nguyên thuỷ tìm thấy hầu như khắp khu vực hang với gần 100 di vật khảo cổ, chủ yếu là đồ đá và đồ xương. Trong hố đào đã phát hiện được dấu tích của 2 bếp cổ trong tầng văn hóa. Chưa phát hiện được dấu tích mộ táng.

Tất cả công cụ đá đều được chế tác từ những viên cuội sông suối, mang đặc trưng công cụ văn hoá Hòa Bình như công cụ hình bầu dục, rìu ngắn, công cụ chặt thô, nạo thô, công cụ gần hình đĩa. Các chày nghiền và nhiều công cụ mảnh tước bằng đá được tạo tác bằng kỹ thuật ghè đẽo còn thô sơ. Riêng loại công cụ hình bầu dục và rìu ngắn được tu chỉnh phần rìa lưỡi khá cẩn thận. Chưa tìm thấy công cụ có dấu mài và bàn mài.

Xương răng động vật tại Động Puông. Ảnh: Văn Hạnh.

Các dấu tích xương động vật gồm lợn, khỉ, don, dúi, nhím, hươu, nai và vỏ nhuyễn thể như ốc sông, vỏ trai, hến, trùng trục cùng một số hạt quả như quả lai, trám... được tìm thấy, là tàn tích thức ăn của người tiền sử bỏ lại. Người xưa đã chẻ dọc một số xương chi động vật như lợn, hươu, nai, sau vót nhọn có hơ qua lửa tạo thành các mũi nhọn sử dụng làm công cụ.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm thấy một tảng đá nhỏ hình khối chữ nhật, trên bề mặt có dấu vết của 3 lỗ vũm tròn nhỏ, cách đều nhau khoảng 4cm. Đây là di vật thường tìm thấy trong các di chỉ văn hóa Hòa Bình - Bắc Sơn ở vùng núi phía Bắc. Đến nay, chức năng và ý nghĩa thực của loại di vật này vẫn còn là điều bí ẩn đối với khảo cổ học.

Việc tìm thấy nhiều bàn nghiền, chày nghiền và những dấu tích còn lại cho thấy săn bắt, hái lượm chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người tiền sử nơi đây. Sự có mặt của nhiều đá cuội nguyên liệu, đá có vết ghè và mảnh tước ở đây chứng tỏ quá trình gia công công cụ được tiến hành tại chỗ.

Khi so sánh di chỉ Động Puông với di chỉ Hang Tiên - một di tích văn hóa Hòa Bình nằm trong vùng lõi vườn Quốc gia Ba Bể (cách Động Puông khoảng 4km theo đường chim bay), các nhà nghiên cứu nhận thấy chúng có nhiều đặc trưng giống nhau về phương thức cư trú, về đặc trưng di tích, di vật. Điều này chứng tỏ, cư dân Động Puông và Hang Tiên có mối quan hệ chặt chẽ với nhau.

PGS Trình Năng Chung, Trưởng đoàn khảo sát cho biết, dựa vào nghiên cứu tổng thể các di vật, kết cấu trầm tích địa tầng văn hoá, bước đầu các nhà nghiên cứu xác định hang trên ở Động Puông là một di tích cư trú của người tiền sử, có tuổi thời đại Đá mới, thuộc cư dân văn hoá Hòa Bình, niên đại khoảng 8.000 - 9.000 năm cách ngày nay.

Việc phát hiện và nghiên cứu di chỉ Động Puông ở Ba Bể, Bắc Kạn đã làm phong phú thêm nhận thức về văn hóa tiền sử Bắc Kạn nói riêng và Việt Nam nói chung. Hiện các nhà khảo cổ đang tiếp tục nghiên cứu địa điểm Động Puông và có kế hoạch khai quật địa điểm hang trên Động Puông trong thời gian tới.

Theo VnExpress

Hải Phong

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.