Nhớ những trò chơi dân gian vui hội

Trò chơi dân gian của Việt Nam nhiều vô kể. Ở Hà Nam, các trò chơi dân gian thường diễn ra trong các lễ hội làng truyền thống. Ngoài phần lễ, phần hội với chủ đạo là các trò chơi dân gian mới là điều thu hút nhiều du khách nhất.

Các trò chơi dân gian của Hà Nam phong phú và đa dạng: Trò đánh đu trong lễ hội làng An Thái (Bình Lục); trò bắt vịt trong ao ở lễ hội đền Lảnh Giang (thị xã Duy Tiên); trò bơi chải lễ hội chùa bà Đanh (Kim Bảng), lễ hội Vũ Cố Đại Vương (Thanh Thủy, Thanh Liêm), lễ hội đền Nữ tướng Lê Chân (Thanh Sơn, Kim Bảng); trò chơi cướp cầu các làng Gừa (Liêm Thuận, Thanh Liêm), An Mông (Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) và một số thôn làng xã Liêm Tiết (thành phố Phủ Lý); trò đấu vật trong lễ hội thôn Vũ (Vũ Bản, Bình Lục), vùng Liễu Đôi (Liêm Thuận, Thanh Liêm), Phúc Châu (Hợp Lý, Lý Nhân); trò chạy ngựa làng Yên Trạch (Bắc Lý, Lý Nhân); hội thả diều vùng Đại Hoàng (Lý Nhân); trò săn cuốc ở lễ hội đình Vị Hạ (Trung Lương, Bình Lục); trò chơi tổ tôm điếm, chọi gà trong lễ hội đình chùa Châu (Kiện Khê, Thanh Liêm); trò chơi cờ người trong lễ hội chùa Đọi Sơn (Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên)…

Trong các trò chơi trên, độc đáo nhất là trò bơi chải trong lễ hội đền Nữ tướng Lê Chân. Theo các cụ cao niên ở thôn Lạt Sơn cho biết, hội bơi chải ở đây có hai hình thức đó là bơi chải bằng thuyền thúng câu và bơi chải bằng người trực tiếp bơi trên sông Ngân cạnh đền. Hình thức bơi chải bằng người được thi đấu theo thể thức loại trực tiếp qua ba vòng bơi. Vòng một loại người bơi về chậm nhất, vòng hai loại người bơi về chậm tiếp theo, vòng ba xác định người đạt giải. Điểm đầu và điểm cuối đều có cắm cọc tre sơn vạch trắng đỏ làm mốc. Ban giám khảo thường có 5 vị, một vị là quan viên do tiến cử làm trưởng ban, các vị còn lại là đại diện của các giáp. Khi có hiệu lệnh, các tay bơi chải và thuyền bơi lao về phía trước như tên bắn, ai nấy đều sải tay nhanh, mạnh, dứt khoát như lao trên mặt nước. Đội bơi chải bằng thuyền thúng câu thường có 4 thuyền đại diện cho 4 giáp. Mỗi giáp mặc một trang phục khác nhau và thường thay đổi theo từng năm. Khi các đội đã sẵn sàng, cờ đuôi nheo trong tay trưởng ban phất lên cuộc đua lập tức diễn ra. Các tay bơi đều là người dân đồng chiêm trũng, giỏi nghề sông nước nên tay chèo rất thành thục thuyền lao nhanh mà không chao đảo vẫn thẳng băng xé nước lao lên. Hết ba vòng chải, ban giám khảo định được giải nhất, nhì, ba để trao phần thưởng. Phần thưởng cho các tay bơi tuy không nhiều nhưng lại có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần với người dân nơi đây.

Nhớ những trò chơi dân gian vui hội
Đua thuyền rồng tại Lễ hội Vũ Cố Đại Vương năm 2015, xã Thanh Thủy, Thanh Liêm. Ảnh tư liệu

Các trò chơi dân gian trong các lễ hội thường gắn liền với nhân vật thờ. Đó có thể là mô phỏng lại cách đánh trận của các bậc tiền nhân, thực hành các trò hội được truyền dạy, các sự tích liên quan. Có trò chơi xuất phát trong quá trình lao động sản xuất được giữ gìn và tồn tại lâu đời trong đời sống người dân vùng đất đó… Các trò chơi, trò hội gắn với các lễ hội thường là riêng có, mang nét độc đáo về các phương diện để khi người ta nhắc đến các lễ hội đó, vùng đất đó là nghĩ ngay đến các trò chơi gắn liền. Các trò chơi dân gian bên cạnh niềm tin tín ngưỡng, kính nhớ tiền nhân còn đề cao việc rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo và nhất là tinh thần tập thể, tính cộng đồng trong các trò hội. Các trò chơi còn khích lệ tinh thần, tạo sự phấn chấn, vui vẻ, là cách để khẳng định bản thân và là những kỷ niệm khó quên đối với nhiều người.

Có nhiều trò chơi dân gian trong các lễ hội vẫn còn được duy trì, nhưng có nhiều trò chơi cũng đang dần mai một, mất đi và có những trò chơi dân gian hòa vào cuộc sống hiện đại, vẫn được duy trì, trong đó đặc biệt là trò chơi kéo co. Trò chơi này được chơi trong các ngày hội làng; hội thao cơ quan, đơn vị, trường học; là môn thi đấu trong các hội thi, đại hội thể dục thể thao, các buổi dã ngoại, các hoạt động trại hè… Từ một trò chơi, kéo co đã trở thành môn thể thao thông dụng, trọng sức khỏe và tính đồng đội.

Cùng với Việt Nam, trò chơi kéo co truyền thống còn có ở nhiều nước khác như Cam-pu-chia, Phi-líp-pin, Hàn Quốc và đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đa quốc gia đại diện của nhân loại. Cách chơi kéo co mỗi nơi một khác, ở Việt Nam cách chơi phổ biến là chia người chơi làm 2 đội sao cho tương đương về hình thể và cân nặng. Một sợi dây thừng dài chắc, mỗi đội cầm một đầu, ở chính giữa dây buộc một dải khăn đỏ và có đường vạch ngang làm đích, đội nào kéo được dải khăn qua vạch đích của mình trước là thắng. Nhưng muốn thắng cũng phải có bài bản hẳn hoi như người đứng đầu tiên phải là người có sức khỏe tốt, bàn tay to để có thể bám chắc dây, sức tì chân cao và có kinh nghiệm để có thể điều khiển được sợi dây trong quá trình thi đấu; người đứng cuối cùng cũng cực kỳ quan trọng, phải là người có vóc dáng cao to và có sức khỏe. Đây là người điều hướng dây thừng sao cho đi thẳng để tập trung lực cả đội được tốt nhất. Trò chơi này vui với người chơi, vui với người xem và đặc biệt sôi động với những người cổ vũ. Những người chơi phải đồng lòng, tay giữ chặt dây, kéo bằng chân chứ không kéo bằng tay nên cần phải có nhịp điệu kéo co đồng đều. Vì thế, bên cạnh hai đội bao giờ cũng có một người thường là đội trưởng hoặc người phụ trách đội hô lệnh để cả đội tập trung sức kéo. Trò chơi này thường bao giờ cũng kết thúc bằng những cú ngã lăn chiêng của đội thắng, những trận cười bò của cả người chơi và người xem, khiến đội thắng, đội thua đều cảm thấy vui vẻ.

Theo kế hoạch, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội TDTT các cấp tỉnh Hà Nam lần thứ VI (2021 – 2022), trong các môn thi đấu từ cấp xã, huyện đến tỉnh đều có các môn xuất phát từ các trò hội làng là vật và kéo co; môn bơi chải những kỳ hội trước được đưa vào thi đấu, nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan trò chơi này không còn là môn thi đấu trong đại hội lần này. Năm nay, dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát, nhiều lễ hội dừng tổ chức, hoặc chỉ tổ chức phần lễ, dừng phần hội nên không khí vui hội, chơi hội không thực hiện được càng tăng thêm nỗi nhớ và sự hoài niệm về các trò chơi dân gian trong các lễ hội làng quê.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy