Nhạc sĩ Sỹ Thắng mỗi lần gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp là nhận được lời khen “người không tuổi”. Bao nhiêu năm, anh trông vẫn vậy, vẫn dáng vẻ bụi bặm đầy chất nghệ, vẫn tuôn chảy những thanh âm dạt dào cảm xúc về tình yêu và vẫn không ngừng sáng tác. Trong bất kể tác phẩm nào của anh, người ta cũng cảm thấy nhịp Xuân ở đó…
Nhạc sỹ Sỹ Thắng (thứ 2 từ phải sang) nhận khen thưởng tại hội nghị tổng kết công tác VHNT năm 2024.
Ở đâu có tình yêu, ở đó có mùa xuân…
Sỹ Thắng là một trong những nhạc sĩ ở Hà Nam gây sự chú ý đối với tôi trong suốt nhiều năm qua. Anh là người sống chân thành, mộc mạc và bản năng. Sỹ Thắng viết nhiều, viết chăm chỉ. Anh bảo, viết nhạc là “nghiệp” của anh, viết theo nhịp sống của con tim, là tâm tư, là nỗi buồn vui trong anh. Trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, vợ mất, con mất, một người đàn ông dẫu có bản lĩnh, cứng rắn bao nhiêu cũng không thể nào thăng bằng với cuộc sống vào những thời điểm như thế. Sỹ Thắng từng tâm sự: Nhiều lúc, tôi thấy mình lạc vào hư vô, lạc vào mộng mị…, khó khăn lắm mới phân định được sống và chết, hư và thực! Nước mắt chảy vào trong, nỗi đau lắng tận đáy lòng, chỉ cồn cào cô đơn mỗi khi đêm về, mỗi chiều nắng tắt. Chỉ vì quá đa cảm, đa sầu mà cuộc sống luôn xoáy vào tôi dày đặc những tâm tư, nỗi niềm như thế… Quả thực, đã có lúc anh như bị mất phương hướng, chao đảo trước thực tế, rồi phải mất một thời gian dài sau đó mới bình yên trở lại. Và, âm nhạc là suối nguồn tưới mát tâm hồn anh, khơi gợi những cảm xúc trong anh, kéo anh trở lại cuộc sống bình thường. Sỹ Thắng tiếp tục sáng tác với đa dạng đề tài nhưng xuyên suốt vẫn là những tình khúc, ca khúc về tình yêu. Quan điểm của Sỹ Thắng rõ ràng “ở đâu có tình yêu, ở đó có mùa Xuân”. Cuộc đời anh đã đi qua gần bảy mươi mùa xuân và dường như, chỉ trong khung trời Xuân ấy mới có thể khiến con người ta nảy nở tình yêu, chan chứa hạnh phúc.
“Mùa xuân gọi tình yêu” của Sỹ Thắng là một trong những bản tình ca làm rạo rực trái tim. “Em đi giữa mùa xuân, nghe chim ca rung động lá cành. Sắc hoa muôn màu, nồng nàn hương bay, lòng em mê say, mơ về bên anh. Cho em hát tình ca, vui bên anh đón mùa xuân về. Tiếng xuân vơi đầy, bồi hồi trong tim…”. Rất nhiều ca sĩ đã thể hiện ca khúc này thành công. Điểm chung chính là bài hát đã làm tươi mới tâm hồn ca sĩ nên ai cũng có thể hòa nhập vào giai điệu và đắm say trong khung trời mùa Xuân đang căng tràn khát khao tình yêu và sự sống. Đi qua bốn mùa, đi qua những vùng miền khác nhau trên dải đất hình chữ S, ở đâu, lúc nào anh cũng nhìn cuộc sống bằng một cái nhìn đầy yêu thương. Có người nói với tôi, nếu chỉ nghe âm nhạc của Sỹ Thắng người ta sẽ hình dung ra anh là một con người thong dong và hào hoa lắm. Thế nhưng không! Sỹ Thắng luôn mang trên mình một hình hài lận đận. Chỉ có tâm hồn anh lúc nào cũng bay bổng, bay bổng như thi sĩ của xứ Đoài mây trắng: “Đến quê em để nghe tiếng sáo lưng trâu bờ đê. Tiếng trống hội Xuân bên đình, tiếng hát bâng khuâng tìm ai… Xuân đến rồi xuân ơi, tình phơi phới/ Cho em hong lụa bờ ao/ Cho anh bắc cầu thương nhớ người ơi…” (Ngày xuân ánh mắt tìm ai). Dù đến cao nguyên xanh thắm hay trở về đồng bằng chiêm trũng khê nồng hơi đất và nước quyện hòa, Sỹ Thắng vẫn không bao giờ hết đắm say những giai điệu dân gian truyền thống. Anh bảo, anh rất yêu dân ca đồng bằng Bắc Bộ bởi nó là một phần đời sống tinh thần của người dân lao động, nó mang âm hưởng của những làn điệu trữ tình. Anh đã về công tác ở Hà Nam một thời gian khá dài, gắn bó với vùng đất này và tìm thấy ở đó những giai điệu trữ tình của dân ca ngã ba sông Móng, hát Dậm Quyển Sơn… Và, anh đã viết rất nhiều ca khúc về Hà Nam mang đẫm chất dân ca như: “Bình Lục mùa xuân”, “Hà Nam mãi mãi tình yêu trong tôi”, “Duyên quê”…
Trái tim không ngủ yên…
Sỹ Thắng đã cho người ta thấy một chân lý sống “Con người càng đau khổ, người ta càng nỗ lực”. Anh đã hòa vào cuộc sống, đến với bạn bè bốn phương, về với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc. Những ca khúc ra đời trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng nó đều cho thấy hơi thở cuộc sống anh thổi vào đó nồng nàn, cháy bỏng. Trái tim không ngủ yên…
Anh gửi cho tôi nhiều tác phẩm mới, như: “Mắt chiều hồ Tây”, “Hạ Long gọi mặt trời”, “Ru em”, “Lửa tình hoang sơ”… Nghe “Mắt chiều Hồ Tây” phiêu diêu, mơ mộng như lạc vào cõi chiều buồn đầy nỗi nhớ bao nhiêu thì “Lửa tình hoang sơ” lại làm cho tôi thấy thú vị hơn như đứng trước một bức tranh âm nhạc đa sắc với chiều sâu văn hóa vùng miền. Anh viết “Lửa tình hoang sơ” bằng những hiểu biết của mình về đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc Khơ Mú, Mường, Nhắng, Thái… Nhạc sĩ Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhận xét: Sỹ Thắng đã rất biết cách ứng dụng chất liệu dân gian một cách đậm đặc vào tác phẩm. Đặc biệt, những chất liệu dân gian ấy được Sỹ Thắng sử dụng không theo cấu trúc thông thường của ca khúc mà được anh tạo nên những cái mới ở trong những cái cũ. Tôi cho rằng “Lửa tình hoang sơ” là một ca khúc thành công của Sỹ Thắng, giúp anh hấp dẫn và chinh phục người nghe… Với Sỹ Thắng, khi ca khúc này đoạt giải A Giải thưởng Âm nhạc Việt Nam năm 2023, anh chân thành tâm sự: “Lửa tình hoang sơ" là một câu chuyện tình mang âm hưởng chung của Tây Bắc. Ở đó có phần dân ca Nhắng, Khơ Mú; điệu hát ru của người Mường; nhịp chiêng của người Thái… Từ tư duy "âm nhạc không phải một màu", tôi đã khai thác chất liệu dân gian truyền thống và coi đó là một trong những hình thức bảo tồn văn hóa dân tộc đối với nhạc sĩ...
Sỹ Thắng là một trong những nhạc sĩ ở Hà Nam gây sự chú ý đối với tôi trong suốt nhiều năm qua. Anh là người sống chân thành, mộc mạc và bản năng. Sỹ Thắng viết nhiều, viết chăm chỉ. Anh bảo, viết nhạc là “nghiệp” của anh, viết theo nhịp sống của con tim, là tâm tư, là nỗi buồn vui trong anh.
Đi vào lời ca, “Lửa tình hoang sơ” không chỉ kể lại câu chuyện tình yêu, mà nó còn là khát vọng, là lửa cháy trong tim mỗi con người trước cuộc sống, tình yêu và thiên nhiên bao la, rộng lớn. Con người là hữu hạn, tình yêu là vô hạn: “Thương em, thương em từ thuở nào. Nợ em nợ em từ độ nào… mà lòng ta bồn chồn ơ… mà lòng ta lửa đốt. Mưa nắng người ơi, nỗi nhớ người ơi, nỗi khát tình ơi. Bớ mình yêu nhau đất hát đồi hoang núi nghiêng cỏ dại mây vờn thung sâu. Cây khô trào nhựa trào nhựa, giăng giăng ngàn hoa, ngàn hoa đỉnh núi. Giăng giăng ngàn hoa ngàn hoa lưng trời. Nhớ ngày con nước ngập bờ mây. Chim trời khô cánh. Nỗi nhớ tìm nhau… Ta ôm ngọn lửa gói tình cho nhau, tim ta ngọn lửa lửa tình hoang sơ…”. Bức tranh âm nhạc về tình yêu của Sỹ Thắng trong tác phẩm này không chỉ đa sắc màu, mà còn rạo rực tình xuân trong từng giai âm.
Sỹ Thắng là như vậy, anh luôn tạo nên những bất ngờ với chúng tôi. Cứ nhìn vào âm nhạc của anh, dù sáng tác ở mùa nào, tiết nào, trên rừng hay dưới biển, Sỹ Thắng như một người đang yêu cuồng si, đang đắm say với đất trời và cái đẹp được anh luôn nuôi dưỡng trong lòng. Đó là âm nhạc!
Giang Nam