Nghề dệt lụa Nha Xá - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Căn cứ sử sách, các thần tích, sắc phong được lưu giữ tại đình làng Nha Xá (xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên), các di tích, dấu tích khảo cổ và truyền thuyết tại địa phương, thời gian hình thành làng nghề dệt lụa Nha Xá được xác định vào cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14. Nhân dân nơi đây thờ danh tướng Trần Khánh Dư là ông tổ truyền nghề. 

Theo truyền thuyết, sau cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông xâm lược thắng lợi, danh tướng Trần Khánh Dư đã đưa dân từ Vân Đồn (Quảng Ninh) về khai hoang lập ấp tại thôn Dưỡng Hòa, xã Duy Hải, huyện Duy Tiên (nay là phường Duy Hải, thị xã Duy Tiên), sau đó ông về thôn Nha Xá cho dựng chùa và tu ở đấy. Ngoài việc tu hành, Trần Khánh Dư còn dạy dân địa phương nghề ươm cá bột và ươm tơ dệt lụa. Khi đó, hằng năm vào mùa mưa, nước sông Hồng dâng lên, trứng cá, cá con từ trên nguồn theo dòng nước tràn vào các lạch, Trần Khánh Dư đã hướng dẫn mọi người vớt trứng, cá con đem về ươm ở các ao nhỏ trong làng. Để lấy được trứng, cá con từ sông Hồng lên phải có vợt để xúc. Do vậy cùng với nghề ươm cá bột, nghề ươm tơ, dệt lụa ra đời phục vụ nhu cầu lúc đó là dệt săm - nguyên liệu để may vợt xúc cá. Sau đó dần phát triển lên nghề dệt lụa. 

Nghề dệt lụa Nha Xá  Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Vẻ đẹp ở làng nghề dệt lụa Nha Xá, xã Mộc Nam, thị xã Duy Tiên. Ảnh tư liệu

Phương ngôn có câu: “Lụa Nha Xá, cá sông Lảnh”. Câu ca này được lưu truyền khắp nơi, bởi sản phẩm lụa ở đây đẹp mịn màng và bền nổi tiếng. Còn sông Lảnh - đoạn sông Hồng chảy qua địa phương, xưa kia vốn rất nhiều cá béo và ngon. Quy trình kỹ thuật của nghề dệt lụa Nha Xá trước đây trải qua các bước từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Tuy vậy, trải qua quá trình thăng trầm, nghề dệt lụa Nha Xá đã cải tiến một số các công đoạn kỹ thuật nên công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đã không còn. Nghề dệt lụa ở Nha Xá ngày nay nhập nguyên liệu từ nơi khác, chuyên tâm dệt lụa. Làng lụa vì thế có nhiều mặt hàng mới ra đời như: lụa, đũi, tơ xe, lụa hoa, lanh… với chất lượng, mẫu mã sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng. Điều đặc biệt của lụa Nha Xá là nơi đầu tiên dùng những chất liệu từ thiên nhiên như củ nâu, cánh kiến, lá bàng, lá trầu không... để nhuộm lụa tơ tằm. Chính vì vậy, sản phẩm lụa của Nha Xá có những nét đặc trưng riêng với sự mộc mạc, trang nhã về màu sắc và bền đẹp với thời gian.

Quy trình dệt lụa ở Nha Xá đã được cải tiến bằng các máy móc thay thế sức người, nhưng người thợ ở đây vẫn duy trì kĩ thuật dệt lụa trơn và dệt lụa hoa theo các bước cơ bản của truyền thống thông qua các công đoạn như: quay tơ, mắc cửi, nối cửi, dệt, tẩy chuội, nhuộm, hấp, làm nguội, phơi lụa… Gần đây, làng nghề dệt lụa Nha Xá cũng đã chú ý đến may các sản phẩm từ lụa để phục vụ khách du lịch, như: Áo dài, khăn quàng cổ, cà vạt, khăn lụa đũi dâu, chăn và gối lụa tơ tằm thêu hoa, chăn và gối lụa tơ tằm thêu bóng, túi, ví, ba lô làm từ lụa… phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng. 

Trải qua gần 700 năm tồn tại và phát triển, nghề thủ công truyền thống dệt lụa Nha Xá đã gắn bó với người dân và mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Nghề dệt lụa và sản phẩm vải lụa Nha Xá luôn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Bởi, sản phẩm lụa của làng nghề Nha Xá là một sản phẩm đặc biệt với nhiều công năng sử dụng khác nhau, lụa được coi là một sản phẩm có thứ hạng cao cấp trong những nguyên liệu may mặc của người Việt từ xưa đến nay. Lụa là kết tinh của các nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, đó là sự hội tụ tinh hoa của chất xám, sức lao động và truyền thống làm nông nghiệp của người Việt. Các nghệ nhân làng nghề vẫn giữ gìn, trao truyền những kỹ thuật dệt độc đáo để làm ra những tấm lụa thượng hạng trong ngành tơ lụa của Việt Nam. 

Với lịch sử tồn tại và được lưu giữ qua nhiều thế hệ, làng nghề dệt lụa Nha Xá chẳng những làm cho bộ mặt kinh tế - xã hội phồn vinh, phát triển, thu hút mọi lứa tuổi lao động nghề nghiệp mà còn có sự gắn kết từng gia đình với dòng họ, với xóm giềng. Làng nghề dệt lụa Nha Xá có vị tổ nghề Trần Khánh Dư, người có công truyền nghề cho dân được dân tôn vinh lập đền thờ thành hoàng, công tích được lưu giữ trên văn bia, văn chỉ, được ghi chép trong gia phả của dòng họ, hoặc những dòng trang trọng trong bản hương ước của làng. Đây đều là những nét đẹp văn hóa truyền thống thiêng liêng, bền vững với thời gian.

Lụa và nghề dệt lụa ở Nha Xá còn gắn liền với quá trình hình thành làng xã của người Việt vùng châu thổ sông Hồng. Vì vậy, nghề dệt lụa ở Nha Xá còn có giá trị khoa học nhất định về sự hình thành cộng đồng làng xã Việt Nam. Làng lụa Nha Xá hiện giờ là một vùng quê vừa mang nét phồn vinh cũ với những ngôi biệt thự cổ, lại vừa mang nét sang trọng hiện tại với nhiều ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Đời sống nhân dân nơi đây được nâng cao, văn hóa - xã hội phát triển mạnh, nhiều công trình phúc lợi được xây dựng mới, di tích lịch sử, văn hóa được tôn tạo.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố ảnh hưởng, làng nghề dệt lụa Nha Xá đang dần mai một. Việc bảo tồn và phát triển làng nghề dệt lụa là yêu cầu khách quan, cấp bách và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ông Trần Hồng Hiệu – Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) người có quá trình tìm hiểu sâu về nghề dệt lụa truyền thống ở Nha Xá, cho rằng: Bên cạnh việc quan tâm phát triển các loại hình du lịch làng nghề, đổi mới cơ chế, chính sách huy động nguồn lực vào việc quảng bá nghề dệt lụa truyên thống, còn rất cần việc quan tâm và tôn vinh tài năng các nghệ nhân làng nghề. Hiện nay, làng nghề truyền thống dệt lụa Nha Xá có 45 người nằm trong danh sách những người thực hành và truyền dạy nghề dệt lụa. Họ chính là những người có sứ mệnh lĩnh hội, cải biến, bổ sung và truyền nghề. Họ cũng là cầu nối giữa tổ nghiệp với các thế hệ mai sau và có nhiều năm gắn bó với nghề, là nguồn lực để hình thành nên thế hệ nghệ nhân mới của làng nghề. 

Vừa qua, nghề dệt lụa Nha Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây là động lực để nghề dệt truyền thống Nha Xá tiếp tục phát huy những giá trị của mình và hứa hẹn là điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.