Lý Nhân tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa

Lý Nhân là vùng đất cổ, nơi có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng với nhiều giá trị tiêu biểu. Trong số 1.784 di tích của toàn tỉnh, riêng huyện Lý Nhân chiếm trên 500 di tích gồm nhiều loại hình: đình, đền, chùa, miếu, phủ. Đây chính là một trong những động lực để cán bộ và nhân dân huyện Lý Nhân tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, quảng bá hình ảnh con người và mảnh đất Lý Nhân văn hiến và cách mạng.

Lý Nhân tăng cường công tác bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa
Đình Cao Đà, xã Nhân Mỹ là di tích mang nhiều dấu ấn về kiến trúc, nghệ thuật tiêu biểu của huyện Lý Nhân.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, huyện Lý Nhân còn căn cứ vào giá trị di sản chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng các quy hoạch, đề án, dự án để trùng tu, tôn tạo và phát huy các giá trị tiêu biểu của địa phương. Đến hết năm 2019, toàn huyện đã có khoảng 40/53 di tích được nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu, tôn tạo. Nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt giá trị, như: Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, lễ hội đền Trần Thương (xã Trần Hưng Đạo); di tích lịch sử văn hóa đền Bà Vũ (xã Chân Lý); đình Văn Xá (xã Đức Lý); Khu tưởng niệm 32 cụ già và thanh thiếu niên thôn Đức Bản (xã Nhân Nghĩa); Khu tưởng niệm nhà văn, Liệt sỹ Nam Cao… Cùng với đó, huyện cũng luôn quan tâm phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, như: hát múa Lải Lèn (xã Bắc Lý); hát múa song đăng, hát múa chèo đò, múa dải, múa kiếm (xã Chân Lý); hát chèo, múa đào, múa cánh nhạn (xã Đức Lý)…

Thực hiện chương trình phối hợp với các sở, ngành, hằng năm, huyện chủ động xây dựng kế hoạch trong việc nghiên cứu, kiểm kê, bảo quản các di sản văn hóa; xây dựng kịch bản tổng thể, chi tiết để khôi phục các lễ hội truyền thống tiêu biểu, như: Lễ hội phát lương đền Trần Thương, lễ hội đền Bà Vũ… Việc khôi phục và duy trì các lễ hội trên đã phát huy hiệu quả và có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống, góp phần quảng bá sâu rộng về hình ảnh mảnh đất, con người Lý Nhân với bạn bè trong nước và quốc tế.

Cùng với sự quan tâm và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, huyện Lý Nhân đã tập trung tuyên truyền, huy động các nguồn xã hội hóa tham gia bảo tồn và phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa. Từ năm 2010 đến nay, bình quân mỗi năm các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đóng góp gần 2 tỷ đồng cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích và tổ chức các lễ hội, hội thi, hội diễn dân gian. Bên cạnh công tác bảo tồn di sản văn hóa, huyện Lý Nhân còn đẩy mạnh khai thác các giá trị di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển loại hình du lịch tâm linh, tín ngưỡng, lễ hội, làng nghề thủ công truyền thống.

Thời gian tới, để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, huyện Lý Nhân tiếp tục phối hợp với các ngành trong việc tập trung các nguồn lực để đầu tư cho các dự án hạ tầng du lịch, các dự án về bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của địa phương đã được phê duyệt. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đang triển khai tại các khu, điểm du lịch đã được quy hoạch, như: Khu du lịch đền Trần Thương, đền Bà Vũ… tạo ra sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, hấp dẫn, thu hút và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.