Lần đầu tiên phát hiện tiền xu cổ Nhật Bản trên đất Hà Nam

Bảo tàng Hà Nam vừa tiếp nhận 2,4kg tiền xu cổ do gia đình ông Phạm Văn Chắp (trú tại thôn Đô Quan, Mộc Nam, thị xã Duy Tiên) hiến tặng. Ông Phạm Văn Chắp cho biết: Số tiền trên được phát hiện trong quá trình đào móng nhà ở độ sâu khoảng 1,3 - 1,5m so với mặt đất. Toàn bộ số tiền xu này được đựng trong lọ sành màu nâu trơn, không có trang trí hoa văn. Trong quá trình thi công, máy xúc đã đào trúng và làm vỡ lọ thành nhiều mảnh.

Qua nghiên cứu, phân loại, bước đầu cho thấy số tiền được phát hiện tại gia đình ông Phạm Văn Chắp được làm bằng chất liệu kẽm màu xám xanh, đã bị ô xy hóa, có dạng hình tròn, ở giữa có lỗ vuông, đường kính 23mm - 25mm, lỗ vuông 6mm - 7mm, tiền xu có 2 mặt, mặt trước khắc 4 chữ Hán nổi, nhiều đồng hoa văn và tên niên hiệu bị mờ không rõ chữ. Bảo tàng tỉnh Hà Nam đã tiến hành phân loại, qua đó xác định được tiền cổ có niên hiệu Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, đó là: Vĩnh Thọ Thông Bảo, Cảnh Hưng Thông Bảo, Quang Trung Thông Bảo, Cảnh Thịnh Thông Bảo, Gia Long Thông Bảo… (Việt Nam); Khai Nguyên Thông Bảo, Gia Khánh Thông Bảo, Chí Đạo Nguyên Bảo, Càn Long Thông Bảo, Khang Hy Thông Bảo, Ung Chính Thông Bảo… (Trung Quốc). Đặc biệt, trong số 2,4 kg tiền xu cổ đã phát hiện 2 đồng tiền xu cổ của Nhật Bản có niên hiệu Nguyên Phong Thông Bảo và Khoan Vĩnh Thông Bảo, niên đại thế kỷ XVII. Đây là lần đầu tiên Hà Nam phát hiện đồng tiền xu cổ Nhật Bản. Mỗi đồng xu có đường kính 25mm, nặng 3gam. Ở giữa có lỗ vuông, mỗi cạnh 5,5mm. Tiền có màu vàng sẫm được đúc thủ công. Mặt trước khắc 4 chữ Hán cổ: Nguyên Phong Thông Bảo (Nagasaki) và Khoan Vĩnh Thông Bảo (Tokugawa).

Lần đầu tiên phát hiện tiền xu cổ Nhật Bản trên đất Hà Nam
Đồng tiền xu cổ Nhật Bản do gia đình ông Phạm Văn Chắp hiến tặng.

Theo các nhà nghiên cứu tiền cổ, đồng tiền có niên hiệu Nguyên Phong Thông Bảo và Khoan Vĩnh Thông Bảo được đúc ở Nhật Bản dưới triều đại Kanei - Thiên Hoàng (1611-1722) thế kỷ XVII. Sau đó, được các thương nhân người Hoa và người Nhật mang vào Việt Nam giao dịch thương mại qua hệ thống các thương cảng cổ ở cả Đàng Trong và Đàng Ngoài thời Đại Việt thế kỷ XVII là thương  cảng Thăng Long và Phố Hiến.

Thế kỷ XVII,  thương nhân ngoại quốc đã nhập khẩu một lượng lớn tiền đồng Nhật Bản vào Bắc Việt; tuy nhiên, khảo cổ học ngày nay vẫn chưa tìm thấy một đồng tiền Nhật nào ở Thăng Long cũng như Phố Hiến, cho dù gốm thương mại Nhật Bản thế kỷ XVII (gồm Hizen, đảo Kyushu) ở cả trên mặt đất và dưới lòng đất đã được phát hiện (Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, Nguyễn Văn Hùng 2000; Tống Trung Tín và các cộng sự 2000; Bùi Minh Trí, Nguyễn Văn Hùng 2004; Tống Trung Tín, Hà Văn Cẩn, Trần Anh Dũng, Nguyễn Thị Dơn 2006; Hoàng Văn Khoán 2008; Hán Văn Khẩn  2002; Trịnh Cao Tưởng 1996; Tống Trung Tín 2000; Kikuchi Seiichi 2004; Nguyễn Xuân Mạnh 2011). 

Chính vì vậy việc phát hiện 2 đồng tiền xu cổ của Nhật Bản trên đất Mộc Nam, Duy Tiên, Hà Nam - Đối ngạn bên kia sông Hồng là Phố Hiến xưa là nguồn tư liệu quý, góp phần minh chứng cho mối quan hệ giao thương buôn bán của các triều đại phong kiến Việt Nam với các nước trong khu vực, trong đó có Nhật Bản. Việc phát hiện 2 đồng tiền xu cổ Nhật Bản trên đất Hà Nam càng thêm ý nghĩa khi hai nước đang tổ chức nhiều hoạt động giao lưu sôi nổi nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
 

 Đỗ Văn Hiến

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy