Mục đích chính khi UNESCO ghi danh một di sản là kêu gọi cộng đồng và nhà nước cùng bảo vệ, chứ không phải một sự xếp hạng hay tạo thương hiệu để thu lợi.
Ghi danh chứ không vinh danh
Trên thế giới có 1.121 di sản đã được ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO). Những di sản này phân bố trên 167 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 869 di sản văn hóa, 213 di sản thiên nhiên và 39 di sản hỗn hợp. Ngoài ra, có 584 di sản văn hóa phi vật thể tại 131 quốc gia đã được ghi danh.
Đến nay, Việt Nam đã được ghi danh 8 di sản thế giới (2 di sản thiên nhiên, 5 di sản văn hóa 1 di sản hỗn hợp) và 13 di sản văn hóa phi vật thể (bao gồm di sản đa quốc gia là "Nghi lễ và trò chơi kéo co" tại Campuchia, Philippines, Hàn Quốc và Việt Nam).
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hiền (Đại học Quốc gia Hà Nội), UNESCO chỉ "ghi danh" các di sản, tức là "đưa vào danh sách", với mục đích chính là bảo vệ di sản, chứ không "vinh danh" hay "xếp hạng" di sản đó ở đẳng cấp quốc tế: "UNESCO muốn cộng đồng quốc tế nhận diện và bảo vệ giá trị của di sản; đối với di sản văn hóa phi vật thể là nâng cao tính phổ biến và nhận thức về tầm quan trọng, khuyến khích đối thoại trên cơ sở tôn trọng đa dạng văn hóa. Ghi danh di sản không nhằm mục đích tạo ra nhãn hiệu, thương hiệu, không nhằm đem lại lợi ích vật chất".
Tại hội thảo trực tuyến "Ghi danh di sản: từ mục đích, ý tưởng đến thực tiễn" do Khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức, PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, đã từng có hồ sơ của một quốc gia châu Âu bị UNESCO bác bỏ, vì đề nghị ghi danh di sản để tạo thương hiệu, thu hút du lịch: "Cách hiểu ghi danh di sản là danh hiệu hấp dẫn có thể dẫn đến những hành động trái ngược với tinh thần của công ước. Việc ghi danh không khiến cho một di sản 'cao quý' hơn những di sản chưa được ghi danh. Phải hiểu đúng, để không tạo ra sự thất vọng với cộng đồng không được ghi danh; cũng không có sự hiểu sai, tự hào thái quá tại nơi được ghi danh".
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cũng lưu ý rằng, đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc ghi danh của UNESCO không vì những giá trị nổi bật toàn cầu, mà vì di sản có chức năng, ý nghĩa với cộng đồng chủ nhân. Như vậy, sự ghi danh mang ý nghĩa, giá trị văn hóa chứ không phải xếp hạng, tức là không nên hiểu được UNESCO ghi danh thì có vị thế cao hơn những di sản cấp quốc gia, cấp địa phương…
Bảo tồn trước khi khai thác
Trong bối cảnh rất nhiều yếu tố tác động, thậm chí hủy hoại khiến nhiều di sản không thể khôi phục được, việc UNESCO duy trì danh mục và ghi danh nhằm nỗ lực bảo vệ các di sản trên toàn thế giới. Trên thực tế, đã có 2 di sản thế giới bị xóa khỏi danh sách của UNESCO, đó là Thung lũng Elbe ở Dresden (Đức) và Khu bảo tồn linh dương Ả Rập (Oman) vì mất đi tính toàn vẹn.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, việc ghi danh sẽ giúp di sản được bảo vệ tốt hơn, cụ thể với di sản thế giới là bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực; đồng thời yêu cầu phải có hệ thống bảo vệ và quản lý để đảm bảo gìn giữ những giá trị này. Với di sản văn hóa phi vật thể, thay vì ưu tiên khai thác di sản, điều cần quan tâm là hỗ trợ cộng đồng để bảo vệ di sản, phát huy chức năng của di sản đối với cộng đồng. Phải bảo vệ tầm nhìn, giá trị, bản sắc cũng như đảm bảo sự kế thừa, truyền dạy, hỗ trợ nghệ nhân về dụng cụ thực hành di sản.
"Dù ghi danh là quốc tế hay quốc gia thì di sản vẫn mãi thuộc về cộng đồng tại địa phương, vùng miền đó. Ví dụ Hát xoan không phải di sản của thế giới, mà thuộc về các cộng đồng người dân tại Phú Thọ" - PGS.TS Nguyễn Thị Hiền nhận định. "Hàng trăm năm qua, UNESCO chưa ghi danh thì cộng đồng đã sáng tạo, gìn giữ các di sản; vì vậy phải cho cộng đồng thấy được họ vẫn giữ vai trò chính, chứ không phó mặc cho nhà nước, quốc tế. Ví dụ như khi tổ chức lễ hội, phải phát huy vai trò của người đại diện cộng đồng, giao cho cộng đồng thực hành phần nội dung. Cơ quan nhà nước chỉ giữ vai trò tổ chức, chuẩn bị hạ tầng, đảm bảo vệ sinh và an ninh trật tự".
Tuy nhiên, song song với công tác bảo tồn, việc phát triển kinh tế, du lịch vẫn là cần thiết theo nguyên tắc phát triển bền vững. Theo PGS. TS Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội), có thể áp dụng phương pháp "bảo tồn động" cho các di sản, tức là cho di sản "sống" cùng đời sống xã hội, đặc biệt là gắn di sản với hoạt động của kinh tế du lịch.
"Ví dụ Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế (Thừa Thiên – Huế) đã và đang tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa phục vụ tham quan du lịch trong không gian của khu di sản thế giới. Đồng thời, các loại hình di sản như Ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế cũng được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch trong những không gian và thời gian thích hợp trên địa bàn. Những hoạt động đó là những động thái cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị của di sản văn hóa Huế qua con đường du lịch" - PGS. TS Dương Văn Sáu phân tích.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho biết, hiện nay trên thế giới, cách tiếp cận giữa bảo tồn di sản và khai thác du lịch tương đối khác nhau. Tại Hàn Quốc, Trung Quốc, di sản đã ghi danh thì được tận dụng để thu hút du lịch, quảng bá văn hóa quốc gia; trong khi đó, Nhật Bản lại không lấy việc ghi danh di sản để quảng bá du lịch. PGS.TS Nguyễn Thị Hiền cho rằng, nếu muốn khai thác du lịch thì phải theo hướng phát triển bền vững. Việc khai thác du lịch không phục vụ cho riêng một cá nhân, tổ chức nào mà cộng đồng phải được hỗ trợ và hưởng lợi từ di sản, theo hướng dẫn của UNESCO./.
VOV