Gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử đình làng

Thân thuộc và gắn bó mật thiết với người dân, từ xưa đến nay, đình làng không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mà còn là nơi hội họp, bàn bạc, thống nhất, quyết định nhiều việc quan trọng của làng, xóm. Đặc biệt, trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, nhiều đình làng đã trở thành cơ sở cách mạng quan trọng, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang chống ngoại xâm của dân tộc, của quê hương. 

Đình Ngò, xã Đức Lý, huyện Lý Nhân thờ ba vị danh tướng nhà Trần là: Đô Thiên Chu Tri Đại Vương Trần Thị Liên Hoa, sinh năm Canh Thìn (1220); Thiên Cương Thạch Lãnh Nhân Đức Đại Vương Lý Lâm Thạch, sinh năm Kỷ Mão (1219); Đương Diệc Anh Dũng Đại Vương Trương Tự Cường, sinh năm Quý Mùi (1223). Ba vị đều là những người tài cao, chính trực, văn võ song toàn, có công phò giúp vua Trần chống quân Nguyên Mông, lập nhiều chiến công hiển hách. Không chỉ là nơi thờ Thành Hoàng làng– những người có công giúp dân, giúp nước, đình làng Ngò còn là cơ sở cách mạng quan trọng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy gian khổ nhưng hào hùng của cả dân tộc.

Gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử đình làng
Di tích quốc gia đình Triều Hội, xã Bồ Đề (Bình Lục).

Theo những tư liệu lịch sử còn lưu giữ tại đình làng: Trong những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử năm1945, hòa chung khí thế giành chính quyền trong cả nước, các tổ chức quần chúng yêu nước và nhân dân trong xã đã tập trung tại sân đình Ngò rồi cùng kéo lên huyện tham gia cướp chính quyền. Cuối năm 1945 hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xóa nạn mù chữ, đình làng Ngò là nơi tổ chức các lớp “Bình dân học vụ” do thầy giáo ở huyện về giảng dạy. Đặc biệt, trong không khí tưng bừng, phấn khởi cùng nhân dân cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 6/1/1946 tại đình Ngò nhân dân nô nức đến bỏ phiếu lựa chọn, bầu ra những đại biểu Quốc hội ưu tú để lãnh đạo đất nước. 

Từ tháng 8/1946 đến hết năm 1948, đình Ngò trở thành nơi đào tạo cán bộ, đội viên du kích của xã do huyện chỉ đạo (mỗi năm mở hai lớp gọi là các lớp huấn luyện tiểu quân chính). Từ tháng 1/1951 đình làng Ngò được dùng làm kho tập kết lương thực của huyện chuyển vào Chi Nê, Xích Thổ phục vụ chiến dịch Hòa Bình - Điện Biên Phủ. Cũng trong năm 1951, địch về đóng ở bốt Cầu Không, biết đây là nơi tập kết lương thực của ta, chúng đã huy động quân vào đốt đình nhưng gặp phải sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân thôn Ngò, chúng buộc phải rút lui. Năm 1953 đình Ngò là căn cứ liên lạc của Liên khu III, đồng thời cũng là trạm trung chuyển và điều dưỡng thương binh từ Hải Phòng, Thái Bình chuyển về. Giai đoạn 1964-1972, đình Ngò trở thành nơi nuôi dưỡng con em cán bộ ở Vĩnh Giang, Vĩnh Linh, Quảng Trị ra sơ tán… 

Cũng như đình Ngò, không chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, hội họp, sinh hoạt cộng đồng, giai đoạn từ năm 1930-1945 đình Cống, thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục là địa điểm hội họp, nơi làm việc bí mật của cán bộ chủ chốt địa phương. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đình Cống là nơi mở các lớp “Bình dân học vụ”, xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Đình làng cũng là nơi đặt hũ gạo cứu đói, là nơi phát động “Tuần lễ vàng”, xây dựng “Quỹ độc lập”… Năm 1946, 1947 đình Cống là trụ sở của UBND kháng chiến xã Mỹ Thọ. Đầu năm 1948, Mỹ Thọ trở thành vùng tạm chiếm, đình Cống trở thành điểm gác quan sát hoạt động của giặc ở bốt Phố Phủ. Từ năm 1950-1953, phong trào du kích ở Thượng Thọ phát triển, đình Cống là nơi cảnh giới của lực lượng du kích. Đồng thời, du kích địa phương đã lấy nơi đây là địa điểm để theo dõi và khống chế pháo 105 ly của địch ở bốt Phố Phủ… Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đình Cống là nơi tiễn đưa nhiều con em địa phương lên đường chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...   

Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, của thời gian, đình làng vẫn luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt cộng đồng, gắn với đời sống tâm linh của người dân ở mỗi vùng quê. Hiện nay, bên cạnh việc cùng chung tay, chung sức bảo vệ, tôn tạo, tu sửa đình làng, người dân các địa phương còn chú trọng tới việc giữ gìn và phát huy nét đẹp nghệ thuật kiến trúc, nét đẹp hội làng truyền thống, nét đẹp kết nối và gắn bó cộng đồng của đình làng… Đặc biệt, những giá trị lịch sử vẻ vang gắn với đình làng trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, cho quê hương được lưu giữ cẩn thận; cùng với đó, được tuyên truyền, giáo dục rộng rãi, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và lòng tự hào của mỗi người dân trong việc kế thừa, phát huy những giá trị lịch sử và văn hóa truyền thống tốt đẹp của đình làng trong cuộc sống hôm nay. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy