kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đền Trần Thương - Bình đồ kiến trúc liên tưởng đến phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Đền Trần Thương - Bình đồ kiến trúc liên tưởng đến phủ đệ của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn

Đền Trần Thương (xã Nhân Đạo cũ, huyện Lý Nhân) thờ Quốc công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến và các Bộ tướng. Tương truyền, ngôi đền được xây dựng trên nền kho lương chính (trong 6 kho) mà Trần Hưng Đạo cho lập trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ 2 (1285).

Ngôi đền là một di tích quốc gia đặc biệt, hội tụ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, tâm linh vượt trội, lâu nay đã được giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trong bài viết này, chúng tôi muốn lý giải một số vấn đề xung quanh bình đồ kiến trúc, cảnh quan của đền Trần Thương, ngõ hầu cung cấp thêm thông tin mới để tham khảo.

Trước hết, cần phải nói ngay rằng các hiện tượng văn hóa dân gian vốn mang tính đa nghĩa. Bình đồ kiến trúc – cảnh quan của ngôi đền có mối liên quan mật thiết đến Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương và dòng họ Trần.

Di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương. Ảnh: Chu Bình

Về phương vị địa lý, chính diện ngôi đền quy hướng Nam, trước mặt là dòng sông cổ, dân gian gọi là sông Trần Thương, nay đã bị bồi lấp gần hết. Dòng sông này ngày xưa là một nhánh sông Hồng, cửa sông ở địa phận thôn Chương Xá, xã Chân Lý hiện nay. Sông chảy theo hướng Đông Tây rồi hợp lưu với một sông nhánh khác của sông Hồng bắt nguồn ở xã Nhân Thịnh cùng huyện, cuối cùng mới đổ vào sông Châu. Đoạn sông Trần Thương còn lại dài gần 1km giới hạn bởi máng T2 (đông) và đình Trác (thôn Trác Nội cùng xã) ở phía Tây. Cùng về hướng Nam, cách đền khoảng 2km là dòng sông Hồng (sông mẹ). Như vậy, ngôi đền nằm trên thế đất gắn với sông nước, mà như chúng ta đã biết tổ tiên của dòng họ Trần vốn làm nghề chài lưới. Du khách đến thăm đền hẳn sẽ thú vị bởi ý nghĩa này.

Không chỉ có thế, phương vị đền Trần Thương còn thể hiện triết lý dân gian cổ truyền, cụ thể là thuyết phong thủy, hội tụ âm – dương có tiền án, hậu chẩm, tả “Thanh Long”, hữu “Bạch Hổ”… Tiền án là sông Hồng trước mặt phương Nam (dương) thu nhận linh khí của chòm sao Chu Tước (con chim đang bay màu đỏ) từ không trung. Đây cũng là phương tượng trưng của trời hay Thiên tử (con trời)… Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo lúc sinh thời có vị thế rất cao trong triều đình mà tâm thức dân gian có khi đặt ngang hàng với vua (Thiên tử). Hậu chẩm của đền là gò đất cao sau hậu cung tạo thế tựa vững vàng, đón sinh lực của Huyền Vũ (con rùa đen) tích tụ khí âm. Phía đông (dương) của đền là “Tả Thanh Long”, phía Tây (âm) là “Hữu Bạch Hổ” thu nhận tinh lực của 2 chòm sao hình con rồng xanh đang bay, hình con hổ trắng đang nhảy.

Dân gian vẫn truyền tụng đền Trần Thương được xây dựng trên thế đất “hình nhân bái tướng” tức là hình người lạy (bái). Khi tìm hiểu, các cụ cao niên trong thôn cho biết: Hình nhân là người phụ nữ nằm nghiêng về bên trái; đầu là gồ đất cao sau hậu cung, hai tai là hai cái giếng đăng đối ngang hậu cung, giếng bên trái hơi dẹt (vì nằm nghiêng bên trái), miệng là cái giếng tròn nằm giữa Tiền đường và Trung đường, nhân dân địa phương quen gọi là “hồ khẩu”, hai nhũ (vú) là hai giếng trong đăng đối ngoài nghi môn nội. Hai tay và hai chân của hình nhân nằm ở đất bên kia hai ao và duỗi về phía trước (cổng đền). Chúng tôi đã hỏi các cụ cao niên vì sao đền lại xây dựng trên thế đất như vậy, tính chất thiêng liêng là gì, ý nghĩa chữ “bái” ở đâu thì các cụ nói chỉ được nghe truyền lại như vậy, chứ tiền nhân cũng không cắt nghĩa chi tiết.

Theo chúng tôi, trải qua thời gian ý nghĩa khởi nguyên đã có sự tiếp biến bởi quan niệm dân gian, đời trước không truyền lại đầy đủ, đời sau giải thích theo cách của mình. Nhưng quan niệm về thế đất “hình nhân bái tướng” của đền Trần Thương lưu truyền đã lâu, ăn sâu vào tâm thức dân gian, rất cần được nghiên cứu, lý giải và đó chính là ý tưởng của chúng tôi.

Cùng với thế đất “hình nhân bái tướng” có người còn đề cập đến thế đất “Ngũ mã, Thất tinh” của đền Trần Thương. Khảo sát tại thực địa, hỏi chuyện các cụ già cao tuổi thì mới vỡ lẽ “Ngũ mã, Thất tinh” là nói về thế đất thiêng, đẹp của cả thôn Trần Thương, chứ không trực tiếp chỉ thế đất của khu vực đền Trần Thương. “Ngũ mã” là thế đất hình 5 con ngựa nằm ở xóm 1. Thất tinh tượng trưng cho 7 chòm sao (với 1 sao chủ) là những gò đất, nhân dân địa phương gọi là “nấm” nằm rải rác trên cánh đồng. Đó là “Đống Bạt”, “Đống Yếng”, “Con Nhạn”, “Đống Xẻ” “Đống Cao”, “Lá cờ”, “Đống Dõng”.

Bây giờ xin được trở lại bình đồ kiến trúc – cảnh quan đền Trần Thương. Nhưng trước khi nêu ra một giả thuyết mới về ý nghĩa lịch sử của bình đồ này, chúng tôi thử lý giải hàm ý của hình nhân phụ nữ nằm nghiêng. Hình người nằm nghiêng về bên trái mặt quay hướng Đông nơi cách đó không xa là sông Hồng phải chăng gợi mở về khía cạnh “nhân tình” của dòng họ Trần nói chung và Đức Thánh Trần Hưng Đạo nói riêng, mà không hàm ý “thiêng” của thế đất được chọn để xây dựng ngôi đền.

Nghiên cứu, khảo sát sơ đồ mặt bằng, thiết kế kiến trúc, kiến tạo cảnh quan đền Trần Thương, đồng thời so sánh với các di tích nói chung, di tích thờ Trần Hưng Đạo nói riêng trong tỉnh Hà Nam và 2 di tích nổi tiếng, là đền Kiếp Bạc (xã Hưng Đạo, Chí Linh, Hải Dương) và đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, Mỹ Lộc, Nam Định) chúng tôi thấy sự độc đáo, gần như không trùng hợp với các di tích khác của đền Trần Thương. Tham khảo sử sách và các kết quả nghiên cứu về thái ấp của vương hầu, quí tộc nhà Trần, xin được nêu giả thuyết: phải chăng cùng với mục đích tôn vinh, tưởng niệm, với sự hiểu biết nhất định về thái ấp thời Trần, về các ngôi thành thời Nguyễn tiền nhân khi xây dựng đền đã kết hợp để tổ chức mặt bằng, thiết kế kiến trúc, tôn tạo cảnh quan nhằm gợi lên những nét khái quát bóng dáng phủ đệ của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Đền Trần Thương xây dựng ở địa điểm gắn bó với sông nước (sông Hồng, sông Trần Thương). Đây cũng là đặc điểm của thái ấp thời Trần. Chỉ xin dẫn vài thí dụ: Thái ấp của Trần Hưng Đạo được triều đình phân phong ở hương Vạn Kiếp, lộ Lạng Giang thời Trần (nay thuộc xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, Hải Dương), trung tâm là thung lũng Kiếp Bạc có sông Vang ở phía Tây đổ nước vào sông Sách ở phía Nam. Phủ đệ của Trần Hưng Đạo được xây dựng trong thung lũng Kiếp Bạc với các công trình để ở, doanh trại và công trình phục vụ. Ngoài tính chất cư trú, Thái ấp còn là cứ điểm quân sự, vì vậy từ sông Sách một hào nước đã được đào bao trọn lấy phủ đệ. Thái ấp Quắc Hương của Trần Thủ Độ (nay thuộc làng Vọc, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục) phía Đông là sông Ninh Giang, phía Bắc là sông Cụt, để bảo vệ phủ đệ, người xưa đã đào một con sông nối với sông Ninh Giang, lượn vòng bao quanh phủ đệ. Theo sử sách, Thái ấp của Trần Thủ Độ đồng thời là căn cứ bảo vệ hành cung Thiên Trường của nhà Trần.

Vậy bóng dáng phủ đệ mà đền Trần Thương gợi lên là ở đâu?

Như đã nêu ở trên, sông Hồng có mối liên quan với vị trí ngôi đền như là con hào thiên nhiên bảo vệ từ xa. Sông Trần Thương nối với sông Hồng ngay trước cổng đền là con hào thiên nhiên nước thứ hai bảo vệ trực tiếp. Ao nước bao quanh 3 mặt (Đông, Bắc, Tây) ngôi đền có thể hình dung như một hào nước nhân tạo. Từ đường thôn vào đền có 2 cổng (nghi môn ngoại, nghi môn nội) gợi lên một sự kiểm soát nghiêm ngặt khi vào phủ đệ. Hai giếng nước ngoài nghi môn nội gợi ý hai giếng nước ăn của binh lính bảo vệ trực tiếp khu trung tâm phủ đệ. Hai giếng nước phía sau dùng cho gia nhân và binh lính bảo vệ mặt Bắc. Công trình chính đền Trần Thương phân theo lớp kiến trúc như sau:

1. Cổ các 1

2. Tiền đường

3. Tả, hữu vu (giữa là hồ khẩu)

4. Cổ các 2

5. Trung đường

6. Hậu cung

Với lối thiết kế như vậy, chúng tôi thử lý giải ý nghĩa bước đầu: Cổ các thứ nhất với thiết kế kiểu chồng diêm 2 tầng mái, nhô cao vượt mái tòa tiền đường đặt ở gian giữa lấn hết chiều rộng của hiên tựa như một chòi quan sát động tĩnh ở mặt Nam và kiểm soát việc canh phòng của binh lính. Tòa tiền đường, trung đường, hậu cung gợi ý niệm là nơi sinh hoạt của gia đình Trần Hưng Đạo; tả hữu vu là nơi ở của gia nhân thân tín. Cổ các thứ hai thiết kế tương tự với cổ các thứ nhất (các nghĩa là gác) là chòi quan sát mặt Bắc và kiểm soát các hoạt động trong nội phủ, vị trí đặt ở gian giữa tòa trung đường và lối ra, hai tầng mái cao vượt mái tòa trung đường và hậu cung. Giếng nước tròn giới hạn 4 bên bởi tòa tiền đường, trung đường và tả, hữu vu là giếng nước dùng cho sinh hoạt của nội phủ. Thật sự tiền nhân khi xây dựng đền Trần Thương có ý định mô phỏng cấu trúc của một phủ đệ hay không thì dân gian hay nhà nghiên cứu chưa nhắc tới. Chúng tôi mạnh dạn gợi mở để mọi người tham khảo.

Ngôi đền thiêng Trần Thương đã đang và sẽ thu hút các nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu rộng hơn, sâu hơn.

Mai Khánh (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh)

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy