Nằm khuất sau Trung tâm thương mại Vincom Plaza Phủ Lý có một ngôi đền nhỏ. Ngôi đền thuộc làng Tân Khai, xã Châu Cầu xưa (nay là Phường Minh Khai, TP Phủ Lý).
Theo sách Thần tích, thần sắc Hà Nam, đình làng Tân Khai thờ 13 vị thần. Vị thần đầu tiên được dân làng thờ phụng là Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Dân làng Tân Khai thờ ngài bằng ngai gỗ chạm sơn son. Vị thần thứ hai là An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ Trần Hưng Đạo, được vua Trần truy phong là Khâm Minh Đại Vương thượng đẳng thần. Vị thần thứ ba là thân mẫu của Trần Hưng Đạo là Thiện Đạo quốc mẫu. Tiếp theo vợ của Trần Hưng Đạo là Thiên Thành trưởng công chúa, được vua Trần truy phong là Nguyên Từ quốc mẫu.
Cùng thờ ở đền còn có các con của Trần Hưng Đạo, gồm tứ vị hoàng tử: Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiếu, Hưng Hiến vương Trần Quốc Uy, Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, Hưng Trí vương Trần Quốc Nghiễn; nhị vị công chúa: Quyên Thanh công chúa (vợ vua Trần Nhân Tông), Thủy Tiên công chúa và con rể ông là tướng quân Phạm Ngũ Lão (lấy công chúa Thủy Tiên).
Phối thờ ở đình còn có cháu gái nội Trần Hưng Đạo lấy vua Trần Anh Tông, được phong Thuận thánh, sau là Bảo từ Hoàng thái hậu. Một cháu ngoại khác cũng lấy vua Trần Anh Tông làm thứ phi, húy là Tĩnh Huệ công chúa. Như thế có thể thấy, đền Trần Tân Khai thờ toàn bộ gia quyến của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Theo một số cụ cao niên ở Phường Minh Khai, đình Tân Khai xưa tọa lạc trên một mảnh đất hẹp về chiều ngang, nhỏ bé, đơn sơ, phía trước đình có hồ nước. Ngôi đình ngày nay được người dân gọi là đền Trần Tân Khai hay đền Trần Minh Khai theo tên phường. Đền nằm trong một con ngõ nhỏ trên Đường Trường Chinh. Ngõ vào đền có biển đề tên nhưng khuất lấp giữa nhiều biển hiệu trên con phố này nên những ai không biết và không chú ý rất khó để tìm đường vào đền.
Từ sau khi Trung tâm thương mại Vincom Plaza được xây dựng, có một con ngõ nhỏ phía sau trên đường Châu Cầu cũng có thể vào đền. Đền Trần Tân Khai sau nhiều lần trùng tu được mở rộng hơn. Đền được xây dựng khang trang, có tòa tiền đường 5 gian, hậu cung 3 gian. Điều đặc biệt là hàng cột hiên tòa tiền đường hoàn toàn được làm bằng đá, chạm nổi những câu đối bằng chữ Hán. Các bài vị, ngai thờ, khám thờ, cửa võng, đại tự, câu đối… đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy.
Có thể sau nhiều lần trùng tu nên việc sắp đặt các vị trí thờ thần và các nhân vật thờ ở đền Trần Tân Khai hiện nay có khác lệch so với thần tích của ngôi đền. Trong hậu cung có ba khám thờ, ở giữa có bài vị, ngai thờ và tượng được đề biển thờ vương phụ, vương mẫu, vương phi.
Theo từ điển Hán Nôm, vương phụ, vương mẫu là từ dùng để gọi ông, bà và vương cũng là tước lớn nhất trong xã hội phong kiến xưa. Còn vương phi là vợ của những người được phong tước vương. Theo bà Nguyễn Thị Kim Lan, Trưởng ban Quản lý di tích Đền Trần Tân Khai, đây là nơi thờ cha, mẹ Trần Quốc Tuấn và thứ phi của An Sinh vương Trần Liễu. Ở hai bên phải trái trong hậu cung là cung thờ của Vương cô đệ nhất và Vương cô đệ nhị. Ngoài tòa tiền đường gian giữa là bức tượng Trần Hưng Đạo oai linh, to lớn.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Lan đây là bức tượng do Trung tâm thương mại Vincom Plaza cung tiến khi đền được trùng tu lần mới đây nhất. Các gian còn lại trong tòa tiền đường có cung thờ tứ vị vương tử, cung thờ các danh tướng của Trần Hưng Đạo và cung thờ quan bản tỉnh.
Trong khuôn viên đền Trần Tân Khai còn có ngôi phủ thờ Tam tòa thánh Mẫu và hai bà Chúa Kho là Thiên tiên phu nhân và Trần Triều phu nhân. Đồ thờ tự, tượng ba vị thánh mẫu, hai bà Chúa Kho, ngũ vị Tôn quan cũng được quang phấn sắc nét. Phủ mẫu hình thành do dân làng Quy Lưu xin chân hương tại Phủ Dầy (Nam Định) về thờ. Hiện đền thờ Quy Lưu không còn nên các sắc phong và đồ thờ tự cũng như các bức tượng được đưa về tiếp tục thờ ở phủ Mẫu trong đền Trần Tân Khai.
Với người dân Phường Minh Khai và người dân quanh vùng, nhất là khu vực nội thành, đền Đức Thánh Trần là một ngôi đền thiêng. Người dân mỗi lần có công việc gì đều đến đền cầu khấn mong may mắn, thuận lợi và nhất là để tâm an. Đền nhỏ, ngõ nhỏ nhưng bao năm qua, đền Trần Tân Khai là địa chỉ tâm linh quan trọng của dân cư thành phố.
Đền tuy nhỏ nhưng sân đền được bài trí đẹp mắt với nhiều bồn hoa, cây cảnh. Dấu vết duy nhất của ngôi đền cổ là cây nhãn cổ thụ phía trước đền. Tại đền có nhiều ngày lễ nhưng ngày lễ trọng nhất là ngày 20 tháng 8 và ngày 10 tháng Chạp là ngày hóa và ngày sinh Đức Thánh Trần.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, hiện tại nhà đền đang vận động công đức để xây lầu chuông và mở rộng tam quan để cảnh sắc đền thêm vẻ uy nghiêm nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân được tốt hơn.
Chu Bình