Để hát Trống quân mãi vang xa

Trong suốt hàng nghìn năm tồn tại, loại hình âm nhạc dân gian hát Trống quân ở xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm, có nguy cơ bị mai một. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là những người con quê hương luôn dành cho Trống quân niềm đam mê, tâm huyết, câu hát Trống quân mượt mà, đằm thắm cùng tiếng trống “thì - thình” độc đáo lại được hồi sinh, ngân vang trong những ngày hội làng, hay mỗi dịp Tết đến, Xuân về.

Đặc sắc hát Trống quân Liêm Thuận

Hát Trống quân ở Liêm Thuận là loại hình diễn xướng dân gian có từ rất sớm, ra đời từ lao động sản xuất, những câu hát tự biên, tự diễn của những con người dân quê chân lấm, tay bùn, hai sương, một nắng, biểu lộ cảm xúc vừa vui vẻ, vừa chứa chan cảm động, nói lên nét đẹp sinh hoạt ở nông thôn, những cảnh đẹp của quê hương, đất nước, tình nghĩa bạn bè, tình yêu đôi lứa.

Để hát Trống quân mãi vang xa
Cô giáo Phạm Thị Huệ dạy hát Trống quân cho các cháu Trường Mầm non Liêm Thuận. Ảnh: Trần Thảo

Theo các cụ cao niên, làng Chảy, Liêm Thuận (Thanh Liêm) xưa kia là vùng đồng chiêm trũng, nước ngập mênh mông đến tận chân tre, sáu tháng đi chân, sáu tháng đi tay, chiêm khê mùa thối. Người dân bước chân đi là bước chân xuống thuyền mà chèo mà chở, đi từ làng này sang làng khác, đi làm ăn buôn bán, đi giao lưu hội hè, tất cả đều đi bằng thuyền. Nhà nào cũng có một hai cái thuyền nan để đi lại, thuyền tám thước, mười thước để chuyên chở, nhiều loại thuyền to bé khác nhau, xuống thuyền đi là họ cất lên câu hát Trống quân cho vơi đi nỗi mệt nhọc, cho đỡ lẻ loi, buồn tẻ, đơn chiếc giữa đồng không mông quạnh bao la.

Theo nhịp đều đều tay đẩy sào, câu hát Trống quân gần gũi thân quen đã ăn sâu vào đời sống, vào nếp sinh hoạt thường ngày của người dân nơi đây. Tháng tám mùa nước nổi, mùa trăng, ngày rằm Trung thu hằng năm xưa kia là ngày hát hội Trống quân của Liêm Thuận. Và đã thành lệ, những ngày tháng bảy và những ngày đầu tháng tám, như tự nó sinh ra từ làng, ngay ở từng thôn, từng xóm nhỏ, những người sành trống, giòn câu hát, những người lợi khẩu, vừa ứng tác, sưu tầm chắp nhặt câu cũ, câu mới, họ đã tụ lại với nhau, cùng nhau vui chơi hò hát, trống phách đầy đồng với thuyền, nước, với ánh trăng vô cùng rộn ràng, náo nức…

Có lẽ cũng bởi vậy mà hát Trống quân ở Liêm Thuận mang nét đặc sắc, độc đáo không nơi nào có được. Cái hay, cái lạ của hát Trống quân Liêm Thuận là những lời ca, câu hát, tiếng trống thì - thình được cất lên ở mọi lúc, mọi nơi, khi ở trên cạn, lúc ở dưới thuyền trên mênh mông sông nước. Lạ là bởi chiếc trống rất đặc biệt, được làm từ những vật dụng đơn giản, nhà nào cũng có: một cái vò hay cái vại bằng sành; một tấm ván mỏng đậy kín được miệng vò, vại sành; một sợi dây thừng; một thanh tre và một chiếc thuyền nan. Tất cả tạo nên làn điệu Trống quân Liêm Thuận không lẫn với bất cứ vùng miền nào. Đó là tiếng hát Trống quân mang tính đặc trưng của vùng chiêm trũng, nó trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Liêm Thuận xưa.

Hồi sinh làn điệu Trống quân

Hát Trống quân của Liêm Thuận trong suốt khoảng một nghìn năm tồn tại cho tới nay đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đã dần bị mai một. Do đặc thù của loại hình văn hóa này là tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền chủ yếu bằng con đường truyền khẩu và đặc biệt là bị tác động mạnh bởi quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với sự giao lưu văn hóa - xã hội - kinh tế hội nhập toàn diện. Vì thế, suốt một thời gian dài, làn điệu Trống quân ở xã Liêm Thuận chỉ còn đọng lại trong ký ức của những bậc cao niên cùng sự tiếc nuối. Vấn đề khôi phục, bảo tồn và phát huy loại hình diễn xướng dân gian này đã được đặt ra, dẫu muộn.

Một trong những người có công lớn trong việc khôi phục làn điệu Trống quân Liêm Thuận là Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Đình Lâu (thôn Lau), nguyên là cán bộ văn hóa thông tin của xã Liêm Thuận. Với tâm huyết, trách nhiệm và cả sự say mê nghệ thuật truyền thống, đã hàng chục năm nay, ông miệt mài sưu tầm các câu hát cổ, biên tập và viết thành sách với mong muốn giữ lại cho muôn đời sau một loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, niềm tự hào của quê hương Liêm Thuận. Ông còn có nhiều bài viết giới thiệu về điệu hát Trống quân của quê hương. 

Để hát Trống quân mãi vang xa
Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Đình Lâu truyền dạy nét lạ Trống quân cho các cháu học sinh Trường THCS Liêm Thuận. Ảnh: Thu Thảo

Cùng với nỗ lực của ông, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc. Từ năm 2000, Đảng bộ xã Liêm Thuận đã chỉ đạo xây dựng Câu lạc bộ (CLB) hát Trống quân của xã, chủ trương đưa hát Trống quân vào các trường học của xã làm trung tâm, đưa câu hát Trống quân vào trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của hội phụ nữ, đoàn thanh niên làm cơ sở, rồi từ đó lan tỏa về từng thôn, từng xóm làm phong trào, góp phần từng bước củng cố xây dựng CLB hát Trống quân ngày một vững mạnh. 

Theo đó, ở thôn Chảy đã khôi phục hội hát Trống quân Liêm Thuận, bà Phạm Thị Huệ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Trống quân vừa là cô giáo Trường Mầm non Liêm Thuận và Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Đình Lâu là những người có công đưa hát Trống quân vào trường mầm non và trường tiểu học dạy cho các cháu.

Sau nhiều năm được nghiên cứu phục dựng, năm 2006, hát Trống quân ở xã Liêm Thuận được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Người dân Liêm Thuận, đặc biệt là những người nặng lòng với câu hát Trống quân phấn khởi đón mừng. Và những câu hát cổ lại được lưu truyền, những câu hát mới lại nối dài mở ra:

“Nào thuyền đã mở tám thang,
Anh xuống thuyền ấy anh sang thuyền này.
Trống quân đã mắc lên dây,
Ngày mai ta lại lấy ngày làm đêm”
Thì - thình! Tiếng trống ấy, câu hát ấy lại ngân vang. Thì - thình! Trong sự khởi sắc của Liêm Thuận hôm nay. Song, không gian diễn xướng không phải trên thuyền, sông nước như xưa mà ở trên cạn hoặc ở hồ làng Chảy (ở trước đình Chảy).

Tuy nhiên, để câu hát, tiếng trống được nhiều người tiếp nhận và lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân, ai cũng có thể biết đến cái trống và có thể hát được làn điệu Trống quân vẫn luôn là niềm mong muốn, trăn trở của những nghệ nhân, người có tâm huyết với loại hình nghệ thuật này và chính quyền nơi đây. Nhất là trong bối cảnh địa phương hiện nay: nguồn kinh phí, ngân sách, con người cần đầu tư bố trí cho hoạt động sinh hoạt này còn khó khăn, số người tâm huyết để khôi phục lại còn ít; việc tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân tham gia giữ gìn loại hình văn hóa hát Trống quân Liêm Thuận chưa được tiến hành thường xuyên và sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân; dù đã được đề nghị công nhận Di sản văn hóa phi vật thể nhưng hình thức sinh hoạt tại thôn xóm chưa liên tục, rộng rãi, chỉ những dịp hội làng, Tết đến Xuân về thôn mới tổ chức hát Trống quân. Và nhất là trong khi phần lớn giới trẻ hiện nay đang bị cuốn theo bởi những trò giải trí, tiêu khiển và loại hình nhạc trẻ hiện đại…

Nghệ nhân Dân gian Nguyễn Đình Lâu tâm huyết: Đưa hát Trống quân vào các hội, đoàn thể, biểu diễn ở các thôn, xóm và đặc biệt là đưa vào các trường học, mầm non, tiểu học, trung học cơ sở là cách bảo tồn, phát huy hiệu quả loại hình nghệ thuật độc đáo này. Vì trường học là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ của xã, các cháu nhận thức nhanh, học cũng nhanh, truyền bá cũng nhanh. Như vậy không phải mình tôi, mà lúc đó sẽ có nhiều cháu học sinh các lứa tuổi biết đến hát Trống quân, thế rồi lớp nọ tiếp lớp kia, sức bảo tồn không bao giờ mai một.

Chủ tịch UBND xã Liêm Thuận Nguyễn Sĩ Quảng cho biết: “Thông qua các nhà trường, chúng tôi muốn các nhà trường đưa hát Trống quân vào giảng dạy rộng rãi hơn, coi đây là một trong các môn ngoại khóa để giới thiệu cho các cháu biết thêm về di sản văn hóa của quê hương và giáo dục cho các cháu có ý thức trách nhiệm bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của quê hương”.

Vấn đề bảo tồn, phát huy nét đặc sắc của hát Trống quân Liêm Thuận là hết sức cần thiết, đòi hỏi sự chung tay góp sức của các ngành chức năng, chính quyền địa phương, nhà trường, cộng đồng dân cư và mỗi người dân ở địa phương. Để hát Trống quân, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc không chỉ là niềm tự hào của người dân Liêm Thuận mà còn là nét đặc trưng của dân ca Hà Nam sẽ mãi được ngân lên và vang xa theo mạch nguồn văn hóa dân tộc./.

Thu Thảo

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy