kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
900 năm chùa Long Đọi Sơn (1121 - 2021): Ngời văn bia triều Lý

900 năm chùa Long Đọi Sơn (1121 - 2021): Ngời văn bia triều Lý

Thái tử Lý Càn Đức - Lý Nhân Tông, vua thứ tư triều Lý, các sử gia hết lời ca tụng. Việt Sử lược, tác giả khuyết danh thời Trần, được Giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng dịch từ bản khắc đời Thanh, chép từ xa xưa tới buổi sơ Trần, độ tin cậy cao. Nhắc nhiều sự kiện đương thời liên quan đến quốc gia Đại Việt, các vùng đất triều đình gia ân như Siêu Loại (Bắc Ninh), các hành cung Ứng Phong (Nam Định), Lý Nhân (Hà Nam)… 

900 năm chùa Long Đọi Sơn 1121  2021 Ngời văn bia triều Lý
Toàn cảnh chùa Long Đọi Sơn nhìn từ trên cao. Ảnh: Trương Dũng

Nối ngôi vua cha Lý Thánh Tông khi mới 6 tuổi (1072), được thân mẫu Nguyên phi Ỷ Lan, Quân sư Lý Đạo Thành, Thái úy Lý Thường Kiệt phò giúp. Vua trẻ, sử truyền: “Người có vầng trán rộng, mặt rồng, tay dài quá gối, giỏi âm luật, những khúc nhạc mà ca công triều đình đồng tấu đều do vua chế tác”. Tôn phong thân mẫu, giữ trọn đạo hiếu để Thượng Dương Thái hậu (mẹ cả), cùng bàn chính sự. Võ lược phá Tống bình Chiêm, giữ yên bờ cõi, ngày đêm chăm lo vận nước, khởi sự đắp đê Cơ Xá, mở mạch văn khoa, năm trước thi hội, mùa sau lập Quốc Tử Giám (1076), định quan chế (1089)… Các danh lam cổ tự nổi tiếng được hưng công thời này. Chùa Diên Hựu - Một Cột, đóa sen vàng đất kinh kỳ năm Tân Tỵ (1101). Tôn nghiêm mái chùa là những Bạch manh tháp (Tháp cột trắng), Thạch manh tháp (Tháp cột đá), nhà Phật sừng sững từ Kinh Bắc đến Sơn Nam…

Nếu Long đô có chùa Diên Hựu, tháp Báo Thiên, trấn Sơn Nam thượng, hạ có tháp Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam), tháp Chương Sơn (Nam Định). Sử sách còn chép, vua Lý Thánh Tông từng xuất kho lẫm 12.000 cân đồng, đúc chuông Đại Thắng Tư Thiên, xây tháp cao 30 tầng, là cảm hứng để Lý Nhân Tông dựng tháp chùa Long Đọi. Trong Phật giáo, bảo tháp là kiến trúc căn bản được coi như sự hiện diện của Đức Phật, là biểu tượng của sự vun bồi.

900 năm chùa Long Đọi Sơn 1121  2021 Ngời văn bia triều Lý
Bia Sùng Thiện Diên Linh.

Mùa gặt, niên hiệu Hội Tường Đại Khánh thứ 9 (1118), vua đến tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, nhớ di ngôn của Hoàng hậu Ỷ Lan, ngày bà cùng chồng về xem gặt lúa ở hành cung Lý Nhân, bên hữu sông Đại Hoàng (đất Phú Phúc bây giờ), ngắm núi xa nói muốn dựng ngôi chùa trên non Đọi. Người đã mua sẵn 72 mẫu ruộng xứ Đông, là đất huyện Cẩm Giàng(*) (nay là xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng) cúng dường. Trong lòng đức vua thoáng nghĩ, hết tang mẹ, chùa tháp dựng xong, đưa xá lỵ tiên vương, thân mẫu báo hiếu.

Nhị hà ngày nắng đẹp, triều lui mây tạnh, xe phượng phi tiên, thuyền rồng diệu bảo ghé bến Long Lĩnh, vua truyền các quan hộ giá, mà rằng: 

- Trẫm muốn dựng ngôi chùa ở núi này có được chăng?

 Tả hữu tâu:

- Chúng thần nghe các cụ trong làng kể, cứ đến đầu xuân thì thường mưa để nhuần thấm cho muôn dân, vậy bệ hạ nên dựng chùa cho chóng thành thiện quả và xin bệ hạ đặt tên núi này là Long Đội.

Kỳ thực, đỉnh non đã tọa ngôi chùa cổ. Nay mang tên Rồng Đội bởi các thầy phong thủy đã nhìn ra thế rồng cuốn, hổ chầu. Đầu gối núi Đọi/ Chân rọi “mười hai cửa bể cũng nể Tuần Vường”…

Viên coi thuật số chiêm tinh tâu mốc giới tứ cận, theo đó phương chùa nhìn ra dòng Kinh (sông Châu), hậu cung tựa lưng núi Điệp (Kim Ngưu), tả hữu thanh long, bạch hổ trấn Nam, chặn Bắc…

Gỗ bè rừng thượng nguồn xuôi hạ, qua phố Hiến, rẽ sông Thiên Mạc đoạn Lãnh Trì vào Châu Giang, buồm giăng san sát cập bến dâu xưa. Nào gạch, nào vôi, nào mật từ các trấn cấp tập cung về. Những phiến đá mân (ngọc thạch), đá vũ (vân thạch), gỗ tứ thiết, được các hiệp thợ giỏi thi thố đua tài. Gạch nem quyện mật mía, giấy bản, vôi nồng, có cả những viên gạch khắc chữ Lê Xá... Nhiều công đoạn được làm dưới chân núi, hò dô kéo ngược, nhờ các dóng tiêu giữ thế, chuyển dần lên sao cho vạn sự vuông tròn.
Gạo ngon từ ruộng gần nơi vua cày Tịch điền, ruộng xa mãi xứ Đông kĩu kịt gánh gồng ùn ùn đưa về non Đọi nuôi thợ, nuôi dân.

Ngôi bảo tháp mười ba tầng chọc trời, giương bốn mươi cửa nghinh phong, vách chạm rồng ổ, xà treo chuông đồng, đầu người mình chim, tầng thượng đặt hộp vàng xá lỵ, đỉnh tháp tạc tiên khách bưng mâm hứng móc ngọc; tầng dưới chia tám tướng khôi ngô, hộ vệ có thần nhân cầm kiếm, độ trì đức Tam Bảo Như Lai. Thần kỳ thay, lung linh giữa trời đất là trí lực một thời. 

900 năm chùa Long Đọi Sơn 1121  2021 Ngời văn bia triều Lý
Lễ hội chùa Long Đọi Sơn. Ảnh: Thế Trang

Lúc rảnh mới xây, được mùa mới lập, trải ba vụ cày, bốn mùa lúa chín hoàn thành. Ngày đại phước, vua thân về chùa vui cùng trẻ già muôn nước, người dâng hương cúng Phật, cầu quốc thái dân an. Thiền sư Đàm Cửu Chỉ lên chuông, đọc bài kệ Tâm và Pháp. Vị pháp chủ hội tăng già tuyên kinh thỉnh Phật, khai sơn tổ đình Long Đọi. Thượng thư Nguyễn Công Bật tuyên văn bia Sùng Thiện Diên Linh. Tể tướng Dương Đạo Gia dẫn đầu văn quan, võ tướng đứng chầu. Già làng Đọi Tam dâng trống sấm. Trầm hương ngào ngạt, kiệu rước nước giăng dưới kỳ phướn dọc đôi hàng cây bách thanh…

Vòng ba tầng núi, nơi xới vật, kéo co, chỗ bầy trò múa rối. Trăm hồng nghìn tía đua chen. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường, phát tiền quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn… (văn bia).
Gần chín thế kỷ, bao nhiêu là mây bay, từ Thăng Long qua Long Đọi, từ Long Đọi về Thăng Long... Còn đây bóng tháp lồng trong mây, chữ phi bạch nét rồng vua thảo, cuồn cuộn ổ rồng đá như cũng cất mình bay…
430 năm trước (1591 - 2021), Quốc công Mạc Ngọc Liễn, công chúa Phúc Thành, cúng gỗ tứ thiết, lệnh chỉ vào năm Tân Mão (1591), niên hiệu Hưng Trị, các quan bá tước nhà Mạc, trị nhậm huyện Duy Tân sửa sang chùa Đọi. Cai huyện Vân Bảng bá, đồng quan Phú Triều bá, cai quan Lam Cầu bá… cùng dân Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Tam, xã Đội Sơn và các xã Đội Trung, Đội Lĩnh, Trung Tín dựng lại bia, bắc lại xà nhà, tô tượng, gióng cửa, xây tường… (Lạc khoản khắc sau bia quý là văn tự khai sinh các làng Đọi), khiến cho sau hơn năm trăm năm, một nơi thắng cảnh chốn tùng lâm lại được mới mẻ! Để dân gian truyền Lý tác - Mạc tô, cho ta nay dựng tiếp cơ đồ…/.                  

____________________________________

(*) Bia chùa Đọi, khắc ngày 6 tháng 7 năm Tân Sửu, Thiên Phù Duệ Vũ thứ 2 (28/8/1121) cho biết, đó là khu Mạn Để, 2 xã Cẩm Trụ, xã Thu Lãng, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Theo nhà nghiên cứu Tăng Bá Hoành, ruộng bà Chúa ở nhiều nơi đất Cẩm Giàng. Hiện khu đền Đươi, xã Thống Nhất, Gia Lộc có đền thờ Bà.

Thái Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy