Như bao ngôi chùa làng Việt, chùa Lưu Ly (thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân) dù trải qua nhiều biến cố thời gian, vẫn là nơi “Thế gian trụ trì Phật pháp”. Thực hiện tôn chỉ của Giáo hội, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở chùa đều hướng trọng tâm vào việc giáo dục thiện tâm, tính nhân bản cho con người theo phương châm “Phật giáo đồng hành cùng dân tộc”.
Điểm sinh hoạt văn hóa làng
Chùa Lưu Ly trước đây là một ngôi chùa nhỏ mang dáng nét thuần Việt, được xây dựng trên thế đất cao ráo, tụ linh, tụ phúc, gần gũi và gắn bó với đời sống của dân chúng trong vùng.
Không ai trong số những người dân ở làng Mạc Hạ biết chắc chắn ngôi chùa được xây dựng từ bao giờ, trong tâm thức họ chỉ rõ ràng về sự tồn tại của ngôi chùa nhỏ, ẩn mình dưới cây xanh bên con đường chính của làng, của xã.
Năm 2009, sau khi vị sư trụ trì ở chùa qua đời một thời gian, Đại đức Thích Giác Nguyên cùng với Đại đức Thích Thanh Huy về chùa, gánh vác phật sự, tu sửa, xây dựng ngôi chùa, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương.
Do ngôi chùa cũ bị xuống cấp, nhiều hạng mục bị hư hỏng, dân làng và nhà chùa đã họp bàn, thống nhất xây mới trên nền chùa cổ.
Năm 2015, ngôi chùa chính thức khánh thành và Đại đức Thích Giác Nguyên được Ban Thường trực Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quyết định bổ nhiệm trụ trì ngôi chùa.
Với uy tín và trách nhiệm cao, Đại đức Thích Giác Nguyên đã hướng dẫn các tín đồ Phật tử, nhân dân địa phương tổ chức tốt các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Đại đức Thích Giác Nguyên chia sẻ: “Với triết lý thế gian trụ trì Phật pháp và truyền thống hộ quốc an dân, nhà chùa cùng với phật tử và nhân dân đã chung sức chung lòng, xây dựng ngôi chùa trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng. Thông qua các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, từ thiện an sinh xã hội do nhà chùa tổ chức đã thu hút sự tham gia đông đảo của phật tử, nhân dân, góp phần làm phong phú, sâu sắc thêm các giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống dân tộc. Quan điểm chủ đạo của nhà chùa vẫn hướng tới mục tiêu đạo pháp đồng hành cùng dân tộc”.
Chùa Lưu Ly sau nhiều năm xây dựng bằng công sức và tâm nguyện của phật tử, nhân dân xa gần đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, đoàn kết tôn giáo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam.
Hoạt động của nhà chùa đã có những tác động tích cực tới đời sống xã hội, bồi đắp thêm truyền thống văn hóa, đạo đức cho các tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, chùa Lưu Ly luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Đảng bộ, chính quyền địa phương trong việc phát huy quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, tạo điều kiện cho nhân dân và trụ trì nhà chùa thực hiện nếp sống tu hành chân chính, sinh hoạt tôn giáo trong khuôn khổ pháp luật, làm tròn Phật sự.
Lan tỏa các giá trị tốt đẹp của Phật giáo từ công tác từ thiện...
Kể từ năm 2015 đến nay, chùa Lưu Ly đã thực sự trở thành điểm đến sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân, phật tử xa gần. Dưới sự hướng dẫn của nhà chùa, các phật tử đã thực hiện Phật sự theo đúng tôn chỉ, mục đích của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trong đó có công tác từ thiện xã hội.
Đại đức Thích Giác Nguyên, trụ trì chùa Lưu Ly chia sẻ: “Sau khi khánh thành chùa mới được một thời gian, đại dịch Covid-19 bùng phát. Thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật và đạo lý tương thân, tương ái của dân tộc, nhà chùa đã vận động phật tử, nhân dân chung tay, góp sức cùng với chính quyền và các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị ở địa phương chống dịch. Các phật tử đã tích cực đóng góp nông sản, thực phẩm cung ứng cho các khu cách ly tập trung, các chốt kiểm soát dịch, đồng bào miền Nam... trên tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái”
Còn nhớ, trong thời gian bùng phát dịch Covid-19, xã Công Lý từng được coi là “điểm nóng” của huyện Lý Nhân. Cổng chùa Lưu Ly được xây dựng một chốt kiểm soát dịch, tồn tại trong suốt một thời gian. Để góp phần thuận lợi cho chốt hoạt động hiệu quả, nhà chùa đã tổ chức phục vụ các lực lượng giữ chốt, tuyên truyền phật tử ý thức phòng chống dịch nghiêm túc, có trách nhiệm với cộng đồng. Nhiều phật tử của chùa kể: Thời gian chống dịch Covid-19, trong khuôn viên chùa trồng rất nhiều cây trái, xả. Một buổi tối năm 2021, họ nhận được điện thoại của thầy trụ trì đề nghị nhân dân, phật tử trong thôn đến chùa thu hoạch 7 mẫu xả để mang vào miền Nam cho bà con chống dịch.
Ngày hôm sau, trên 200 người có mặt ở chùa tham gia thu hoạch xả, đồng thời tiếp nhận nông sản, thực phẩm do bà con phật tử, nhân dân trong thôn, trong xã mang đến ủng hộ, xếp lên các xe tải, mỗi xe hàng chục tấn hàng chuẩn bị lên đường.
Dự tính chặng đường từ đây vào miền Nam phải đi qua nhiều chốt kiểm dịch, nhiều trạm kiểm soát vé, những chuyến xe nối đuôi nhau chở nông sản, thực phẩm gửi tặng đồng bào miền Nam có thể sẽ gặp khó khăn nên nhà chùa đã đề nghị chính quyền địa phương giúp đỡ thủ tục thông hành.
Nhà chùa nói, nhiều y, bác sỹ, bà con phật tử quen biết thầy ở trong đó gọi điện ra mong được hỗ trợ những thứ này để chia phát cho nhân dân phòng, chống dịch, vì thế cần phải đi ngay, hàng đến với đồng bào vùng dịch càng sớm càng tốt, việc không thể chậm trễ.
Đó là những chuyến đi xa, còn ở trong tỉnh, nhà chùa đã phát tâm, phát nguyện kêu gọi phật tử trong điều kiện hoàn cảnh có thể cùng với nhà chùa tiếp tục quyên góp thực phẩm, nông sản mang đến ủng hộ các khu cách ly tập trung và các chốt kiểm soát dịch.
Đại đức Thích Giác Nguyên nói: “Công Lý lúc đó được coi là điểm nóng về dịch, các phật tử của chùa từng sống trong vùng cách ly nên thấu hiểu những khó khăn thiếu thốn của nhân dân các vùng dịch khác, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Có ngày, họ mang đến chùa hàng tấn lương thực, thực phẩm, rau, củ quả để tập hợp, mang đến những nơi đồng bào vùng dịch, vùng bị cách ly cần. Tôi rất cảm động tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân, phật tử nơi đây!”.
Cũng trong thời gian đó, nhà chùa tổ chức nhiều chuyến từ thiện lên miền ngược, vùng sâu vùng xa các tỉnh Hà Giang, Điện Biên. Trong hành trình này có sự tham gia của đông đảo các đoàn viên, thanh niên. Mỗi chuyến đi đều tạo sự lan tỏa rộng rãi tinh thần nhân ái vì cộng đồng, mang yêu thương và sự sẻ chia đến những hoàn cảnh khó khăn. Có nhiều người trong số này là thành viên của các khóa tu mùa hè được tổ chức tại chùa.
Để tiếp tục đồng hành với sự phát triển, bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn và cốt cách con người nhà chùa và nhân dân thôn Mạc Hạ hàng năm tổ chức lễ hội chùa vào ngày 10/3 âm lịch. Lễ hội mang đến cho bà con nhân dân và phật tử xa gần tinh thần tĩnh tại, niềm tin tôn giáo và mong ước một cuộc sống đủ đầy, trọn vẹn, hạnh phúc, thiện lành. Lễ hội cũng là dịp giáo dục lòng yêu quê hương, ý thức uống nước nhớ nguồn, hướng thiện tâm cho con người.
Những hình ảnh khác về ngôi chùa:
Trong không gian rộng lớn của chùa, một hệ thống tượng phật được làm bằng đá trắng được đặt dưới những tán cây xanh tạo cảm giác an lành, tĩnh tại, gần gũi với thiên nhiên.
Giang Nam