Sâu lắng những khúc ca dâng Bác

Nếu có dịp về Thủ đô, đứng bên Quảng trường Ba Đình lộng gió, dạo bước thăm nhà sàn, vườn cây, ao cá, hay hòa cùng dòng người vào lăng viếng Bác… chúng ta đều vẳng nghe trong khoảng không gian thoáng mở, trang nghiêm âm hưởng lắng đọng từ những khúc hát ân tình, ngợi ca, tri ân, biết ơn thành kính, như tiếng vọng ru tha thiết, nguyện mong cho giấc ngủ vị Cha già dân tộc ngàn năm yên trọn…

Sâu lắng những khúc ca dâng Bác
Hằng ngày, thực hiện nghi lễ chào cờ trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và rất vinh quang của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 275 (Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh). Ảnh: qdnd.vn

“Bên Lăng Bác Hồ” (nhạc sĩ Dân Huyền) là ca khúc đầu tiên viết về nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác. 45 năm qua kể từ ngày được chọn là bài hát trong nghi thức khánh thành nơi yên nghỉ của Bác (28/7/1975), “Bên Lăng Bác Hồ” của nhạc sĩ Dân Huyền luôn được coi là bài hát chính thức, được sử dụng thường xuyên tại quần thể Di tích đặc biệt Phủ Chủ tịch. Và mỗi lần đến đây là một lần đồng bào, chiến sĩ khắp mọi miền đất nước cùng du khách quốc tế đều luôn bắt gặp đâu đây trong không gian thoáng mở, trang nghiêm của Quảng trường Ba Đình lịch sử một âm hưởng lắng đọng, diết da như bản nguyện ca, như khúc tri ân, như lời hát ru Bác ngủ từ ca khúc của người nhạc sĩ quê gốc xứ Nghệ (*) - Dân Huyền: “Niềm ao ước bấy lâu nay đã thỏa nỗi chờ mong/Trời Ba Đình xanh trong tỏa hương sắc sen hồng/Về thăm Bác hôm nay bao mến thương xao xuyến trong lòng/Xin kính dâng Người nghĩa tình sâu nặng của núi sông”.

Mang đậm phong cách dân ca, “Bên Lăng Bác Hồ” dặt dìu, du dương như khúc hát ru, như câu hò Ví Giặm quê Bác, như lời ngợi ca, tri ân công lao trời biển, đức hy sinh và tình thương yêu dạt dào mà Bác thiết tha gửi lại cho toàn Đảng, toàn Dân: “Ơ.. ớ… ơ... ngọn đuốc Bác thắp đêm đông/Để có non sông tươi sắc hồng ngày xuân trong tình thương của Bác/Tiếng Người giờ đây vẫn ngân vang và mai sau vẫn truyền/Thiêng liêng tiếng dịu hiền/Ngân trong nắng Ba Đình, tràn niềm tin…”.

Và với sự thành kính biết ơn  cùng nỗi niềm nhớ thương da diết ấy, lồng trong mỗi giai điệu, ca từ nhẹ nhàng, trau chuốt, “Bên Lăng Bác Hồ” cũng chính là lời hứa, là ý chí quyết tâm của muôn dân đất Việt với Bác: “Lòng nhân ái mênh mông Bác đã dành cho Đảng, cho dân/Từng tấm lòng đinh ninh lời của Bác ân cần/Bài thơ Bác năm xưa, nay chúng con đã chắp thêm vần/Xây nước non nhà tươi đẹp bốn mùa vĩnh viễn mùa xuân”; “Ơ… ớ… ơ… Tổ quốc thống nhất vinh quang/Lòng Bác vui khi con cháu về càng đông trong tình thương của Bác/Tiếng Người giờ đây vẫn ngân vang và mai sau vẫn truyền/Với ngàn đài hoa ngát hương sen toàn dân yêu kính Người/Hôm nay đứng bên Người/Con xin khắc sâu lời thề trọn đời thủy chung”.

Cùng mang giai điệu trang nghiêm, thành kính, da diết lay gọi lòng người, ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” (nhạc sĩ Nguyễn Đăng Nước) cũng là một trong những khúc hát tri ân, “khúc hát ru” tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng chúng ta mỗi khi đến thăm Lăng Bác. Giữa khoảng trời, sắc nắng Ba Đình, mỗi lần hòa nhịp theo âm hưởng thiết tha, sâu lắng ngân lên trong mỗi giai điệu, lời ca từ khúc hát “Chúng con bên giấc ngủ của Người” là mỗi lần chúng ta nhân thêm lên niềm tin, lòng tự hào và sự xúc động khôn nguôi: “Vinh quang con đứng bên Người/Canh cho Bác ngủ ngon giấc/Trên môi như Bác vẫn cười/Bác vui vì khắp non sông cháu con cùng về sum vầy”; “Nghiêm trang trong nắng Ba Đình/Hoa thơm ngát trời Thủ đô/Chúng con nguyện hứa với Người/Sắt son vì Tổ quốc hy sinh bảo vệ nước non ngàn đời sáng tươi”.

Giữa không gian thoáng rộng, trang nghiêm nơi an nghỉ vĩnh hằng của Bác ấy, lời vọng ru thành kính thiết tha từ ca khúc “Chúng con bên giấc ngủ của Người” như nhắc nhủ, như thúc giục, vẫy gọi mỗi chúng ta: “Ơ… ơ… ơ, sáng tháng Năm trời trong xanh quá/Bốn phương tụ về Ba Đình/Hãy nhè nhẹ bàn chân Bác chưa tròn giấc mơ”; “Ơ… ơ… ơ… những bước chân bồi hồi xao xuyến/Cháu con trở về bên Người/Hãy đừng để lệ rơi Bác đang ngủ kia mà/Người vừa mới đặt mình”. Và đây, phải chăng là một lời hứa, một ý chí sắt son, sâu nặng ân tình mà cháu con luôn trọn vẹn hướng gửi về Bác: “Nay chúng con cùng canh giấc Bác/Tiếng ca đọng niềm nhớ thương/Cháu con đời đời bên Bác/Bác ơi!Bác ngủ ngon lành…”.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn có một ước nguyện thiết tha, cháy bỏng, ước nguyện được vào thăm đồng bào miền Nam khi nước nhà thống nhất, khi non sông thu về một mối. Câu nói đằm nặng những trăn trở, thao thức, những ước ao mong đợi từ thẳm sâu lòng Bác mà mỗi lần nghe lại ta không khỏi rưng rưng xúc động: “Miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi”. Năm 1975, ước nguyện non sông thu về một mối trở thành hiện thực nhưng Bác đã mãi mãi đi xa, chưa kịp thực hiện ước nguyện vào thăm đồng bào miền Nam. Năm 1976, nhà thơ Viễn Phương, một người con của mảnh đất “Thành đồng Tổ quốc” (**) khi ra thăm miền Bắc đã xúc động viết bài thơ “Viếng Lăng Bác”  như gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ của hàng triệu đồng bào miền Nam thành kính gửi về Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác/Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát/Ôi hàng tre, xanh xanh Việt Nam/Bão tố mưa sa đứng thẳng hàng/Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng/Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ/Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ/Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”…

Bài thơ “Viếng Lăng Bác” của nhà thơ Viễn Phương sau đó được nhạc sĩ Hoàng Hiệp chắp thêm đôi cánh âm nhạc, trở thành ca khúc cùng tên nổi tiếng mà nhiều thập kỷ qua âm hưởng từ ca khúc đi cùng năm tháng này luôn ngân vút lên giữa khoảng trời Ba Đình lịch sử, cùng với mỗi làn gió, vầng trăng, hàng tre, với mỗi bông hoa, tiếng chim… ngày ngày nguyện ru Bác ngủ ngon giấc: “Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên/Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền/Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi/Dẫu rằng biển xanh biết là mãi mãi mà sao nghe nhói ở trong tim/Mai về miền Nam thương trào nước mắt/Mai về miền Nam nhớ Bác không nguôi/Muốn làm con chim ca hót quanh lăng/Muốn làm bông hoa hương ngát đâu đây/Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này…”. 

Cùng chung khúc hát ngợi ca, tri ân, khúc hát “Giấc ngủ của Bác” nhưng “Vầng trăng Ba Đình” (nhạc: Thuận Yến; thơ: Phạm Ngọc Cảnh) lại như có sự thăng hoa xuất thần một bức họa, bức họa bằng thanh âm về hình ảnh một “Tiên Ông” thư thái, nhẹ nhàng thả mình trong giấc tiên sau bao bộn bề công việc: “Trong Lăng Bác vừa chợp nghỉ/Như sau mỗi việc làm/Trăng ơi trăng biết thế/Nên trăng bước nhẹ nhàng”; “Như đầy thuyền trăng ngân/Rằm xưa sông Đáy hát/Dưới trăng rừng Việt Bắc/Bác luận bàn việc quân/Gió hàng tre dào dạt/Quanh Lăng như đẩy thuyền”… 

Mỗi khúc ca, mỗi sắc thái nghệ thuật gắn với mỗi hoàn cảnh ra đời và mỗi câu chuyện đằm sâu ý nghĩa, nhưng điểm chung nhất trong âm hưởng từ những khúc hát ân tình, lắng đọng tha thiết vang lên trong khoảng không gian cao rộng, trang nghiêm nơi Quảng trường Ba Đình lộng gió ấy đều là sự thành kính biết ơn, là tấm lòng tri ân, là niềm thương nỗi nhớ hướng gửi về Bác Hồ- Vị Cha già dân tộc muôn vàn kính yêu. 

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.