Nhạc sĩ Trần Chung và những ca khúc “đi cùng năm tháng” 

Trong số những nhạc sĩ quê hương Hà Nam thành danh trên lĩnh vực sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Trần Chung (*) được đông đảo công chúng yêu âm nhạc biết đến nhiều hơn bởi tên tuổi ông gắn liền với hàng loạt ca khúc đi cùng năm tháng, như: "Đêm Trường Sơn nhớ Bác", "Bài ca Trường Sơn", "Chiều dài biên giới","Chiều biên giới”, “Mùa xuân đến rồi đó", “Về thăm mẹ”, “Nhớ về Cúc Phương”, “Mùa xuân trên thành phố dệt”...

Mặc dù đã đi xa, nhưng tên tuổi và những tác phẩm âm nhạc để đời của người nhạc sĩ quê hương Hà Nam vẫn vẹn nguyên trong ký ức giới sáng tác chuyên nghiệp cũng như công chúng yêu âm nhạc cả nước.

Nhạc sĩ Trần Chung và những ca khúc “đi cùng năm tháng” 
 Nhạc sĩ Trần Chung (phải) với nhạc sĩ Văn Dung. Ảnh: baokhanhhoa.vn

Một trong những ca khúc nổi bật của nhạc sĩ Trần Chung thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được đông đảo khán, thính giả biết đến và đặc biệt yêu thích là ca khúc “Bài ca Trường Sơn”. Với giai điệu hào sảng, vừa đậm chất hùng tráng, vừa sâu lắng chất trữ tình “Bài ca Trường Sơn” đã trở thành ca khúc thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc Việt Nam: “Trường Sơn ơi, trên đường ta qua không một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác/Dừng ở lưng đèo mà nghe suối hát/Ngắt một đóa hoa rừng gài lên mũ ta đi/Trường Sơn ơi, Trường Sơn ơi/Đèo vút cao vượt qua mây gió/Đạp đá tai bèo bằng sức pháo ngàn cân/Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/Còn gì vui hơn đường ra trận mùa xuân”…

Sau thành công của ca khúc "Bài ca Trường Sơn", nhạc sĩ Trần Chung tiếp tục tạo ấn tượng mạnh trong đời sống âm nhạc thời kỳ kháng chiến chống Mỹ với ca khúc “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, khắc họa chân dung Bác Hồ kính yêu cùng những tình cảm thiêng liêng sâu nặng của dân tộc đối với Bác. Tình cờ bắt gặp bài thơ "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" (của nhà thơ Nguyễn Trung Thu đăng trên Báo Nhân Dân năm 1972), cảm xúc mãnh liệt dâng trào đã giúp nhạc sĩ Trần Chung hoàn thành rất nhanh phần việc lồng giai điệu để chắp cánh cho những lời thơ, tứ thơ thăng hoa thành tác phẩm nghệ thuật âm nhạc. Nhờ sự kết hợp hài hòa, khéo léo đầy ngẫu hứng giữa chất hành khúc với chất trữ tình cách mạng, "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" của Trần Chung ngân vút lên những âm hưởng thật hào hùng, khoẻ khoắn mà vẫn đằm thắm, thiết tha: "Đêm Trường Sơn/Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây/Cảnh khuya như vẽ/Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/Bác như đã đến nơi này...". Từ sự đồng cảm với nhà thơ, đồng cảm với hàng triệu trái tim người dân Việt Nam hướng về Bác Hồ kính yêu, nhạc sĩ Trần Chung đã đạt được sự thành công đến bất ngờ về thủ pháp sáng tạo nghệ thuật trong ca khúc này. Giai điệu, ca từ hòa quyện nhuần nhuyễn tạo nên một kết cấu tác phẩm khúc triết, mạch lạc, không những giữ nguyên được phần ca từ vốn rất giản dị, tự nhiên, trong sáng mà còn chắp thêm đôi cánh cho mỗi lời thơ, tứ thơ ngân lên những thanh âm thật hào sảng, sâu lắng: "Đêm Trường Sơn/Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa/Mà ngỡ như rừng Pắc Bó suối về đây ngân nga".

Tháng 9/1969, Bác Hồ vĩnh biệt chúng ta khi niềm mong ước cháy bỏng - Giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà trong trái tim Bác vẫn chưa trọn vẹn. Để thực hiện di nguyện của Người, cả nước hành quân ra tuyến lửa, những binh đoàn ngày đêm hướng ra mặt trận. Bác đã đi xa, nhưng hình ảnh, tình cảm thiêng liêng của Người vẫn luôn đồng hành, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta dồn bước đi lên trên hành trình cách mạng chân chính mà Người đã soi đường, chỉ lối... Và những chất liệu tươi rói của cuộc sống, chiến đấu nơi chiến trường ác liệt ấy như cùng hội tụ sâu lắng, tha thiết trong "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" thông qua những khổ nhạc đậm chất sáng tạo nghệ thuật: "Âm vang Trường Sơn/Đường Trường Sơn mang bóng hình của Bác/Đường Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước/Con đường của Bác đã đi qua"... Hòa nhịp với những âm hưởng hào hùng của cuộc chiến chinh vĩ đại mà dân tộc đang dồn sức cho trận quyết chiến cuối cùng, giai điệu "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" có những khúc biến tấu thật tài tình, khi rộn rã, thúc giục chất quân hành, khi trầm hùng, tha thiết gợi nỗi nhớ man mác của đàn con ra trận đối với vị Cha già muôn vàn kính yêu. Có lẽ vì thế mà dù đã qua đi gần nửa thế kỷ kể từ khi ra đời (1974) nhưng đến nay âm hưởng hào hùng, tha thiết của "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" vẫn luôn ngân vọng rộn ràng trên sân khấu, cũng như trong tâm thức giới sáng tác và công chúng yêu âm nhạc cả nước (**).

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, nhạc sĩ Trần Chung cũng đóng góp hai ca khúc để đời: “Chiều dài biên giới” và “Chiều biên giới”.

Nhạc sĩ Trần Chung và những ca khúc “đi cùng năm tháng” 
Một góc xã Hòa Hậu (Lý Nhân) - quê gốc của nhạc sĩ Trần Chung. Ảnh: Chu Uyên

Nếu như “Chiều dài biên giới” mang đậm chất hành khúc với nhịp điệu rắn rỏi, khỏe khoắn như những bước chân người chiến sĩ biên phòng trên chặng đường tuần tra bảo vệ lãnh thổ quốc gia: “Chiều dài biên giới, dài theo bước chân chúng tôi/Những đỉnh núi mờ sương, tiếng sóng vỗ trùng dương/Nghe đất quê hương hát cùng bước chân chúng tôi”…, thì “Chiều biên giới” lại được ví như bài ca chiến đấu, bài ca tình yêu đôi lứa của những người con đất Việt nơi tuyến đầu đang chắc tay súng giữ vững đất trời biên cương: “Chiều biên giới em ơi/Nhớ bao điều thân thương/Đôi ta cùng chiến hào/Tình yêu đẹp tiếng hát giữ đất trời quê ta”...

Nhạc sĩ Trần Chung còn được biết đến bởi sự thành công của một ca khúc nổi tiếng về hình tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng, được đông đảo những người lính rất yêu thích và hào hứng lưu truyền nhau cùng hát, đó là ca khúc “Về thăm mẹ”. Mấy chục năm qua, trên sân khấu chuyên nghiệp cũng như tại những buổi sinh hoạt, giao lưu văn nghệ của các đơn vị bộ đội, luôn luôn vang lên âm hưởng rộn ràng, tươi vui của ca khúc “Về thăm mẹ”: “Rạo rực niềm vui nhớ về thăm mẹ/Rộn ràng bàn chân đường quê mong nhớ/Mẹ già của tôi như cây khô chồi biếc lên xanh/Tươi ánh mắt nụ cười long lanh/Nắm đôi bàn tay, nghe mẹ nghẹn ngào/Niềm vui sướng theo dòng lệ rơi”...

Những ca khúc của nhạc sĩ Trần Chung rất phong phú, đa dạng về đề tài sáng tác, lĩnh vực phản ánh và hầu như mảng đề tài, lĩnh vực nào cũng thu được dấu ấn thành công rõ nét. Bên cạnh những ca khúc “đi cùng năm tháng” đã trở thành bài ca thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ công chúng yêu âm nhạc về đề tài ca ngợi Bác Hồ kính yêu, tôn vinh các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, như: “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Bài ca Trường Sơn”, “Chiều dài biên giới”, “Chiều biên giới”, “Về thăm mẹ”…, nhạc sĩ Trần Chung còn có hàng loạt sáng tác nổi tiếng ở nhiều đề tài, lĩnh vực khác, như: “Hát mừng đất nước hôm nay”, “Mùa xuân đến rồi đó”, “Qua cầu sông Thương”, “Cô gái Hội Lim”, “Tiếng gọi sông Đà”, “Mùa xuân trên thành phố dệt”, “Nhớ về Cúc Phương”, “Khúc hát Hà Sơn Bình”, “Trên biển trời Đông Bắc Tổ quốc”, “Nỗi nhớ bên hồ Dầu Tiếng” (Đề tài ca ngợi quê hương, đất nước), “Chúng tôi vào lò”, “Nắng trên mỏ thiếc”, “Bàn tay thợ xây” (Đề tài công nghiệp), “Hát lên cô gái xã viên”, “Tình yêu nông trường” (Đề tài nông nghiệp)… Điểm chung nổi bật dễ nhận thấy nhất trong hầu hết những ca khúc của nhạc sĩ Trần Chung, đó là cấu trúc tác phẩm gọn gàng, khúc triết, các tuyến giai điệu, tiết tấu được trau chuốt cẩn trọng, sắp xếp khéo léo, tự nhiên, ca từ chọn lọc, tinh tế, giàu sức biểu cảm và đậm chất trữ tình.

Với những dấu ấn thành công nổi bật, cùng những đóng góp lớn cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Trần Chung đã được trao tặng giải thưởng cao quý: Giải thưởng Nhà nước về lĩnh vực Văn học - Nghệ thuật đợt I (năm 2001).

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.