Sức hút của “Gửi em ở cuối sông Hồng” được tạo nên bởi không chỉ xuất hiện đúng vào thời điểm lịch sử quan trọng - thời điểm cả dân tộc tiến hành cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc tại biên giới phía Bắc mà còn bởi ở đó có sự hòa quyện, thăng hoa giữa thơ và nhạc, giữa khí thế hào sảng thiêng liêng và chất trữ tình sâu lắn
“Anh ở biên cương/ Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…”, gần bốn chục năm qua, những ca từ cùng giai điệu quen thuộc trong ca khúc “Gửi em ở cuối sông Hồng” (thơ của nhà thơ Dương Soái, nhạc của nhạc sỹ Thuận Yến) đã từng không biết bao nhiêu lần vang lên trên khắp các sàn diễn sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng, đã từng xuất hiện trong hàng triệu cuốn sổ tay âm nhạc cá nhân và là một trong những ca khúc thuộc nằm lòng của nhiều thế hệ người yêu thích âm nhạc.
Bãi giữa sông Hồng. Ảnh minh họa
Tháng 2/1979, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ, nhà thơ, nhà báo Dương Soái (*) khi đó là phóng viên chiến trường của Đài Phát thanh Hoàng Liên Sơn. Nhiệm vụ của phóng viên chiến trường khiến nhà báo, nhà thơ Dương Soái gần như liên tục thường trực suốt dọc dài vùng biên giới Hoàng Liên Sơn, đúng tại “Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”.
Khung cảnh thời chiến nơi đầu sông, đỉnh núi cùng tình cảm nhớ thương, mong đợi gửi về những người thân nơi hậu tuyến của anh em bộ đội trên các điểm cao chốt chặn bảo vệ biên giới như một nguồn cảm hứng mãnh liệt cuộn trào trong tâm trí, để rồi từ nguồn cảm hứng ấy bật lên những tứ thơ rất tự nhiên, giản dị và đầy ngẫu hứng giúp Dương Soái hoàn thành rất nhanh thi phẩm “Gửi em ở cuối sông Hồng”.
Hình tượng nghệ thuật chủ đạo xuyên suốt trong “Gửi em ở cuối sông Hồng” theo nhà thơ Dương Soái chính là hình tượng nghệ thuật về một bản tình ca chiến đấu, tình ca lao động, của khát vọng yêu chuộng hòa bình, hướng tới tương lai cũng như ý chí, quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Bản tình ca ấy được dệt nên bởi mối tình cao đẹp giữa “nhân vật đại diện”- anh bộ đội nơi vùng đất biên cương, thượng nguồn sông Hồng đang chắc tay súng giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc với người con gái nơi hậu phương đêm ngày đảm đang trên đồng ruộng và hướng về người yêu nơi chiến tuyến bằng nỗi nhớ mong, bằng tình yêu thương da diết, cháy bỏng.
Hình tượng cao đẹp được thể hiện qua những lời thơ thật mộc mạc, dung dị, gần gũi, tựa như lời tâm sự thầm thì đầy nhớ nhung, mong ngóng riêng tư: “Em ở phương xa/Nghe đài báo gió mùa đông bắc/Em thương anh nơi chiến hào gặp rét/Rằng em thương anh/Chiều nay đang đứng gác/Lo canh giữ đất trời/Áo ấm có lành không”...
Tuy nhiên, không phải ngay khi ra đời thi phẩm “Gửi em ở cuối sông Hồng” của nhà báo, nhà thơ Dương Soái đã được nhiều người biết đến. Mặc dù bài thơ được in khá sớm trên báo, sau đó được in trong tập “Bài ca thắng trận” nhưng gần như cũng chỉ anh em trong giới làm báo và văn nghệ sĩ được biết, còn số đông công chúng lúc đó rất ít người biết đến “Gửi em ở cuối sông Hồng”.
Chỉ khi “Gửi em ở cuối sông Hồng” từ bài thơ trở thành ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Thuận Yến và được phát trên sóng phát thanh thì tác phẩm này mới có dịp lan tỏa mạnh mẽ.
Năm 1980, tức sau một năm chiến tranh biên giới bùng nổ, cũng là sau một năm bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” ra đời, nhạc sĩ Thuận Yến lúc đó công tác ở Đoàn Văn công Trường Sơn (sau là Đoàn Văn công Quân khu II) cùng anh em văn nghệ sĩ đi thực tế chiến trường biểu diễn và sáng tác, ông mới có trong tay bản thảo bài thơ của Dương Soái.
Tứ thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã giúp nhạc sĩ Thuận Yến hoàn thành rất nhanh ca khúc về cuộc chiến đấu chính nghĩa - cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của dân tộc mà ông hằng ấp ủ. Điều thú vị là không những sử dụng gần như nguyên tác bài thơ làm ca từ cho ca khúc mà nhạc sĩ Thuận Yến còn lấy luôn tên bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” làm tiêu đề cho nhạc phẩm của mình.
Bởi vậy, với “Gửi em ở cuối sông Hồng”, dường như trên cả hai lĩnh vực thơ và nhạc, cặp đôi tác giả Dương Soái - Thuận Yến đều “gặp nhau”, tâm đầu ý hợp từ ý tưởng, phương pháp sáng tạo cũng như nguồn cảm xúc, sự ngẫu hứng và thành công thu được. Bài thơ giúp khơi nguồn cảm hứng cho nhạc sĩ và nhạc sĩ đã chắp cánh cho bài thơ thăng hoa, bay bổng.
Một điều quan trọng nữa là ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến đã giúp cho thi phẩm của nhà báo, nhà thơ Dương Soái đến được với đông đảo công chúng yêu thơ, yêu nhạc một cách nhanh nhất, rộng nhất trong điều kiện đất nước thời chiến, tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ trong công chúng.
Với Dương Soái, “Gửi em ở cuối sông Hồng” không chỉ làm cho tên tuổi nhà thơ gần gũi, thân quen hơn trên văn đàn, báo giới và công chúng mà còn mang đến cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc.
Một lần trên đường từ mặt trận biên giới đi về phía sau công tác, nhà báo, nhà thơ Dương Soái ghé lại một quán nước nghỉ chân. Trong quán lúc đó khá đông những cô gái trẻ đang túm tụm đọc bức thư tình của một anh lính trên chốt gửi cho người yêu ở hậu phương. Chẳng hiểu sao mà lời thư của anh lính nọ gần y hệt nội dung bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” nhưng vì chưa biết tường tận về xuất xứ của bài thơ nên các cô gái cứ xuýt xoa khen chàng lính chiến viết thư hay và tình tứ.
Chứng kiến sự hồn nhiên, đáng yêu ấy, nhà báo, nhà thơ Dương Soái - cha đẻ của thi phẩm càng thấy thấm thía hơn chiều sâu niềm hạnh phúc của một tác giả đã có tác phẩm thực sự đi vào lòng công chúng.
Nhiều năm sau đó, khi “Gửi em ở cuối sông Hồng” đã thăng hoa trên nền nhạc, cũng như nhạc sĩ Thuận Yến, nhà báo, nhà thơ Dương Soái rất vui và hạnh phúc khi tác phẩm của mình được công chúng nồng nhiệt đón nhận. Thời đó, dường như đi đâu cũng có thể dễ dàng bắt gặp giai điệu hào sảng thiêng liêng mà rất đỗi trữ tình sâu lắng của “Gửi em ở cuối sông Hồng” ngân lên.
Không chỉ trên sóng phát thanh, trên sân khấu chuyên nghiệp, không chuyên mà ngay cả trong sinh hoạt đoàn thể, đám cưới, giao lưu gặp gỡ… mọi người cũng hát say sưa “Gửi em ở cuối sông Hồng”. Trong sổ tay của bộ đội khắp các mặt trận, sổ tay của thanh niên, học sinh, sinh viên lúc đó, hầu như bạn nào cũng chép truyền nhau “Gửi em ở cuối sông Hồng”...
Tròn bốn chục năm qua đi kể từ khi “Gửi em ở cuối sông Hồng” từ thực tế cuộc sống chiến đấu, cuộc sống lao động được tác dựng thành bài thơ, để rồi từ tứ thơ thăng hoa lên thành giai điệu âm nhạc, câu chuyện xung quanh một tác phẩm thơ - nhạc cũng như cặp “bài trùng” Dương Soái - Thuận Yến vẫn được nhiều văn nghệ sĩ, nhà báo nhắc đến như một niềm tự hào, một điểm nhấn trong lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật, báo chí về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.
Thế Vĩnh
Thế Vĩnh