Bảo tồn hát xẩm Hà Nam

Thống kê của một số nhà nghiên cứu về hát xẩm cho rằng, hát xẩm tồn tại đến ngày nay với khoảng 400 bài và truyện xẩm, hầu hết là các sáng tác truyền miệng. Hà Nam nơi nào cũng có chợ, có bến sông, con đò… trở thành điều kiện để hát xẩm tồn tại. Xẩm Hà Nam mang đặc trưng Hà Nam, chuyển tải những tâm tư, tình cảm, nỗi lòng người dân lao động vùng quê chiêm trũng.

Mặc dù rất ít người biết đến hát xẩm Hà Nam, nhưng thời gian qua, trong âm thầm tìm kiếm và khát khao bảo vệ, gìn giữ những bài ca xẩm, nghệ nhân Phạm Trọng Lực cùng với nhiều hạt nhân văn nghệ quần chúng các địa phương Hà Nam đã sưu tầm, phổ biến hơn 20 bài hát xẩm Hà Nam. 

Thường người ta cứ nghĩ, hát xẩm chỉ có ở Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, một số nơi khác thuộc Bắc Bộ, thế nhưng quan điểm của nghệ nhân Phạm Trọng Lực lại khác. Nơi nào có chợ, nơi nào có những người nghèo khổ sống, vật vã với cuộc sống mưu sinh, có đồng ruộng, có làng mạc, có bến bãi… nơi đó có hát xẩm. Bởi vì, xẩm chợ là điệu đặc trưng phổ biến của hát xẩm. Lời ca của những bài xẩm thực chất được chuyển thể từ tục ngữ, ca dao, hoặc có mối quan hệ mật thiết với tục ngữ, ca dao, dân ca, điệu nhạc vùng châu thổ sông Hồng.

Hát xẩm Hải Phòng mang đặc trưng Hải Phòng, hát xẩm Hà Nội mang đặc trưng Hà Nội, với Hà Nam cũng thế. Nhưng đặc điểm chung của hát xẩm vẫn là những sáng tác truyền miệng, phổ biến tục ngữ dân gian, tâm thức dân gian qua những truyện cổ, truyện nôm hay cổ tích. Vận dụng ngôn ngữ quần chúng đầy sáng tạo, kết hợp khôn khéo với tiếng hát, tiếng nhạc, cùng một số động tác còn đơn giản nhưng thuần phác, nghệ nhân đã thăng hoa trong thể hiện nhằm thoả mãn nhu cầu khách xẩm. Người hát xẩm là những người tàn tật, chủ yếu là người mù, họ nhìn được lòng người, nhìn vào lòng mình, thổ lộ lòng mình và khát khao vươn tới cao xanh. Họ ôm đàn, cầm trống, ngồi ở góc chợ, quán chợ, hay bến sông con đò, nơi có nhiều người qua lại để hát, để dãi dầu tâm can, kiếm tiền. 

Bảo tồn hát xẩm Hà Nam
Các thành viên Câu lạc bộ Chèo và Dân ca Hà Nam trình diễn những bài hát xẩm Hà Nam do nghệ nhân Phạm Trọng Lực sưu tầm.

Nghệ nhân Phạm Trọng Lực cho rằng: Cái quý giá ở những người hát xẩm thời trước là lao động bằng nghề hát để kiếm tiền. Họ không ỷ lại vào chuyện mình bị tàn tật để xin không, bố thí. Hơn nữa, chính họ là những người chăm chút cho nghệ thuật tồn tại, sống trong đời sống như một phần không thể thiếu của xã hội đương thời.

Ông Lực cũng cho rằng, hát xẩm cùng dạng với hát chèo khi nội dung của nhiều bài nói đến lòng trung thực và đức hiếu nghĩa của con người. Trong hát xẩm người ta có quyền đưa trống quân, hát ru cò lả vào hát… Thí dụ, hát xẩm chợ: “Ai về chợ huyện Thanh Liêm/Hỏi thăm cô Tú biết đánh vần hay chưa/Cô Tú biết đánh vần năm ngoái, năm xưa/ Năm nay quên hết nên chưa làm gì”. Rồi khi đưa hát ru vào xẩm, thì: “Nhớ khi anh mới phải lòng/Sớm quanh ngõ trước (ớ ờ) tối vòng ngõ sau/Đêm khuya sương đẫm cành dâu/Anh treo vạt áo che đầu cho em”. Nghỉ, chuyển sang trống quân: “Nhớ khi thời hương lửa bén duyên/thì thời vạch đất thề nguyền ta có nhau/Ra ngoài, thời, chồng trước vợ sau/Sớm chiều quấn quýt như sâu với tằm/Đến khi con bế con bồng/Đón anh ngõ trước thì anh vòng cổng sau/Đêm khuya sương đẫm cành dâu/Chờ anh mỏi mắt canh thâu chưa về…”.

Quan điểm của những nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian đều cho rằng, trước đây, những bài xẩm, truyện xẩm lưu truyền từ nghệ nhân này sang nghệ nhân khác, từ vùng này sang vùng khác, được bổ sung uốn nắn nên ngày một hoàn thiện cả về nội dung và hình thức mà có khả năng tồn tại lâu dài. Ngày nay, đời sống phát triển, đô thị hóa nông thôn đang diễn ra nhanh chóng, chợ quê không còn đông đúc tấp nập như xưa, bến sông con đò cũng vắng bóng người qua. Những cây cầu bắc qua sông kéo gần khoảng cách đôi bờ để xe người tấp nập qua lại… Người nghèo vẫn còn, người mù vẫn còn, nhưng khó có thể tìm kiếm công việc từ những quán chợ, bến sông nữa. Hát xẩm dần mai một, nhưng không bao giờ mất hẳn. “Nó vẫn vang vọng trong tâm thức con người. Một đêm khuya thanh vắng, bỗng tiếng đàn nhị réo rắt vang lên, hòa vào hát ai oán, thê thầm của người hát… chẳng ai có thể ngủ yên. Hát xẩm đánh thức lòng người, vực dậy tâm hồn hướng về cái thiện, hướng về một nơi tăm tối của ngõ đời nơi có những con người đang cầu mong ánh sáng, cầu mong hạnh phúc, nở nụ cười mai mỉa vì những trái ngang, éo le vẫn tồn tại trong đời người. Tôi cho đó là mạch sống của hát xẩm. Mạch sống ấy có thể bị đứt đoạn mà không thể biến mất trong đời sống. Nó ra đời để phục vụ nhu cầu con người và khi con người còn rung động thì hát xẩm chưa thể mất đi” – nghệ nhân Phạm Trọng Lực nêu quan điểm.

Ông Lực là một trong số ít những người ở Hà Nam nghiên cứu về hát xẩm, sưu tầm và ghi chép lại những bài xẩm một cách chân thực nhất. Ông kể, sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sưu tầm dân ca Hà Nam, ông chính thức bắt tay làm “Hát Xẩm Hà Nam”. Năm 1997, ông đi về những vùng quê Kim Bảng, Bình Lục, Thanh Liêm, Lý Nhân để tìm những nghệ nhân hát xẩm. Sau đó, những học trò của ông như Nguyền Thị Huyền, Trần Thế Hùng quê ở Thụy Lôi (Kim Bảng) và một số hạt nhân của Câu lạc bộ Chèo và Dân ca Hà Nam đã cùng với ông hoàn thành những bài xẩm Hà Nam.

Bà Nguyễn Thị Huyền nói: “Chúng tôi hát những bài xẩm chợ của Hà Nam thực sự có những điểm khác xẩm của những nơi khác. Nó là những bài gắn liền với dân ca, đối ca của Hà Nam. Có những bài chỉ nghe những chỗ vỉa, chỗ ngâm của nó đã rất buốt ruột!”… Nghệ nhân Phạm Trọng Lực đã chép nhạc cho hơn 20 bài hát xẩm về Hà Nam. Ông đã cùng một số cộng sự khác xây dựng chương trình riêng và mong muốn trong thời gian gần nhất, hát xẩm Hà Nam sẽ chính thức phổ biến trong công chúng yêu nghệ thuật dân gian. Nó sẽ cùng với dân ca Hà Nam, hát văn, hát chèo, hát Lải Lê, hát Dậm Quyển Sơn, hát Trống quân Liêm Thuận… làm giàu thêm đời sống văn hóa văn nghệ dân gian của đất và người Hà Nam. 

Tuy nhiên, nghệ nhân Phạm Trọng Lực càng ngày sức khoẻ càng yếu đi. Nhiều dự định bảo tồn dân ca, xẩm Hà Nam của ông vẫn chưa hoàn thành. Điều ông cũng như những người yêu mến văn nghệ dân gian Hà Nam mong muốn chính là những giá trị văn hóa của nhiều loại hình âm nhạc dân gian truyền thống của Hà Nam được bảo tồn, gìn giữ và phát huy một cách có hệ thống, có chọn lọc, khoa học. Nếu để thất truyền, mai một những di sản ấy, những người làm công tác văn hóa của Hà Nam không làm tròn trách nhiệm của mình với lịch sử.

Giang Nam

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy