Âm hưởng Tổ quốc trong những ca khúc "đi cùng năm tháng"

Âm hưởng Tổ quốc trong những ca khúc "đi cùng năm tháng"

Ca ngợi Tổ quốc Việt Nam yêu dấu từ lâu đã trở thành âm hưởng bao trùm, xuyên suốt những ca khúc truyền thống "đi cùng năm tháng" thuộc mảng sáng tác âm nhạc thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám.

Thời gian ngày một lùi xa và cuộc sống thường nhật chưa phải đã hết lo toan, vất vả nhưng cứ mỗi dịp tình cờ bắt gặp đâu đó những giai điệu, ca từ mang âm hưởng ca ngợi Tổ quốc ấy cất lên, từ thẳm sâu trong lòng mỗi người dân Việt Nam  lại trào dâng cảm xúc tin yêu, tự hào vô bờ.    

Một tiết mục biểu diễn văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh. Ảnh: Thế Tuân
Ở giai đoạn những năm miền Bắc hưởng trọn niềm vui hòa bình, xây dựng đất nước (1954 - 1964), tác phẩm nổi bật dễ nhận thấy nhất trong chùm ca khúc ca ngợi Tổ quốc là tổ khúc "Hồi tưởng" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Âm hưởng náo nức, reo ca từ tác phẩm "đi cùng năm tháng" này hơn nửa thế kỷ qua luôn lắng đọng, làm say đắm bao công chúng yêu âm nhạc, nhất là khi ca khúc ấy được thể hiện bởi chất giọng khỏe khoắn của nghệ sĩ Trần Khánh cùng phần hòa ca của Đoàn ca nhạc và Đội Sơn ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Tiết tấu nhanh, hoạt, tươi sáng của khổ nhạc: "Trời cao trong xanh/ Sương sớm long lanh/ Mặt nước xanh xanh/ Cành lá rung rinh…" và phần hợp xướng: "Vẻ vang thay những người con yêu của đất nước!/ Đã viết nên những trang sử anh hùng/ Việt Nam! Việt Nam! Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi!..." đã tạo nên điểm nhấn và sự lắng đọng cảm xúc mạnh mẽ nơi công chúng về hình tượng Tổ quốc Việt Nam thân thiết, yêu thương, đầy tự hào.

Đồng điệu cùng âm hưởng tuyệt vời của "Hồi tưởng", ca khúc "Việt Nam quê hương tôi" (Đỗ Nhuận) mặc dù ra đời trong những ngày đất nước còn đạn bom, khói lửa(*) nhưng giai điệu, ca từ ngợi ca Tổ quốc lại mang nét đẹp hết sức thanh bình, lãng mạn: "Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi/ Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời". Trong "Việt Nam quê hương tôi", hình tượng Tổ quốc hiện lên vẹn nguyên dáng vẻ của một quốc gia, dân tộc thân thiện, mở lòng với bạn bè bốn phương. Việt Nam - xứ sở của "mía ngọt, chè xanh, bông trắng lưng đồi"; của "đồng xanh lúa rập rờn biển cả/ Tiếng ai ru con ngủ ru hời" ấy bỗng chốc vụt sáng, tỏa rạng trong niềm kiêu hãnh bởi khúc biến tấu vút cao đầy ngẫu hứng nghệ thuật ở phần kết ca khúc: "Đất nước tôi Việt Nam sáng ngời". Gần đây, trên sàn diễn chương trình "Giai điệu tự hào" (Đài Truyền hình Việt Nam) và các chương trình nghệ thuật tại nhiều sự kiện chính trị trọng đại, hàng nghìn nghệ sĩ, người dân đủ mọi lứa tuổi ở khắp mọi miền đất nước thông qua cầu truyền hình đã cùng tự hào hát vang ca khúc này, tạo nên một "hiệu ứng" âm nhạc mạnh mẽ trong đông đảo công chúng yêu âm nhạc. 

Cùng thời điểm với "Việt Nam quê hương tôi", nửa thế kỷ qua ca khúc "Đường chúng ta đi" (nhạc Huy Du, thơ Xuân Sách) đã làm lắng lòng hàng triệu triệu người dân Việt Nam yêu nước bởi giai điệu thiết tha, trữ tình, ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc: "Việt Nam! trên đường chúng ta đi/ Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó…" và giai điệu khỏe khoắn, hừng hực khí thế của những ngày cả nước lên đường ra trận: "…Ta đi đường rợp bóng hàng dương, đất bom đào đã lên màu cỏ mới…". Hòa chung niềm cảm xúc thiêng liêng ấy, mỗi người dân Việt Nam càng hiểu sâu sắc thêm về con đường mà dân tộc ta đã chọn - con đường đầy gian nan thử thách nhưng luôn rực sáng khát vọng yêu chuộng hòa bình, niềm tin vào sự chính nghĩa và thắng lợi tất yếu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc: "Đường ta đi ánh lửa soi đêm dài, đường ta về trong nắng ấm ban mai/ Việt Nam! Việt Nam! Qua từng bước gian nan, lớn lên rồi đẹp những mùa xuân".

Nói đến những tác phẩm âm nhạc hào hùng ca ngợi Tổ quốc Việt Nam hiên ngang, bất khuất với chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" năm 1972 chúng ta nhớ ngay đến "Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam" của nhạc sĩ Chu Minh (phổ thơ Hoàng Trung Thông). Âm hưởng tự hào về Tổ quốc một lần nữa vút cao, tỏa rạng bởi những ca từ đầy biểu cảm được chắp cánh bằng giai điệu âm nhạc hùng tráng, thiêng liêng: "Ôi Việt Nam anh dũng những đoàn quân/ Vượt lên trong bão táp đã trăm lần/ Mang cả bốn nghìn năm vào trận thắng/ Cho Việt Nam tươi sáng mãi mùa Xuân/ Ta đứng đầu ngọn sóng/ Giữa dòng thời đại, thác lũ cuộc đời / Ta đứng đầu ngọn sóng/ Những luồng mạch tâm tư, lay động loài người". Âm hưởng hào hùng từ ca khúc như tiếp nối, nhân lên nguồn sức mạnh, lòng tự hào về truyền thống lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam trên tuyến đầu chống kẻ thù xâm lược.

Năm 1975, hòa cùng niềm vui lớn - đất nước thống nhất, ca khúc "Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (**) được coi như một khúc hoan ca mang đậm chất tự sự và tràn đầy cảm xúc lãng mạn, say đắm: "Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ/ Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ/ Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời xanh của những giấc mơ/ Tôi bay giữa màu xanh giải phóng/ Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng/ Ôi Việt Nam, ôi Việt Nam yêu suốt một đời/ Nay mới được ôm Người trọn vẹn Người ơi...". Cùng với niềm vui đất nước thống nhất, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu cũng luôn là cảm hứng để các tác phẩm âm nhạc tiếp tục vút cao, ngân vọng bằng những cung bậc đầy ngẫu hứng sáng tạo. Trong số những sáng tác âm nhạc mang âm hưởng ca ngợi Tổ quốc nổi bật thời kỳ này phải kể đến "Đất nước bên bờ sóng" (Thái Văn Hóa). Ra đời trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, gần bốn chục năm qua "Đất nước bên bờ sóng" luôn thắp lên nơi mỗi người dân đất Việt những cảm xúc trào dâng mãnh liệt: "Việt Nam! Đất nước bên bờ sóng/ Bão tố của cuộc đời trọn niềm tin thiêng liêng/ Việt Nam đất nước bao trận thắng/ Chiến đấu vì Độc lập, Tự do hôm nay/ Cho ta hát tên Người, Việt Nam ơi!!!...". Và điểm nhấn âm hưởng ca ngợi Tổ quốc dường như càng thêm sức lan tỏa, lay động ở phần điệp khúc của "Đất nước bên bờ sóng": "Việt Nam đất nước bên bờ sóng/ Bước tiếp chặng đường dài người vượt bao gian nan/ Việt Nam đất nước bao trận thắng/ Mãi mãi vì cuộc đời hạnh phúc tương lai".

Không chỉ mang lại cảm xúc tự hào, kiêu hãnh, các sáng tác âm nhạc truyền thống "đi cùng năm tháng" còn "thu phục" người nghe bằng tình cảm lắng sâu, da diết, lay động trong âm hưởng ngợi ca Tổ quốc Việt Nam. Ca khúc "Đất nước" của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (sáng tác năm 1985 phỏng thơ Tạ Hữu Yên) là một trong những sáng tác như thế. Trong "Đất nước", hình tượng Tổ quốc được thiêng hóa, vút cao, hòa vào hình tượng Mẹ Việt Nam anh hùng với "Ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ…". Trong "Đất nước", dải đất hình chữ S thân yêu hiện lên kiêu hãnh, vững vàng giữa bao gian nan, thử thách: "Sáng chắn bão giông/ Chiều ngăn nắng lửa" nhưng cũng rất đỗi lãng mạn bởi sự lạc quan, yêu đời và khát vọng hòa bình luôn theo đuổi: "…sáng ngời muôn thuở/ Khi trăng đã vào cửa sổ đòi thơ". Cùng ra đời năm 1980, hai ca khúc: "Giai điệu Tổ quốc" (Trần Tiến) và "Đất nước tình yêu" (Lệ Giang) đều mang đậm chất trữ tình, thiết tha nhưng cũng tràn đầy âm hưởng tự hào: "Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Buồn vui trong những câu Kiều/ Tôi nghe giai điệu Tổ quốc tôi/ Hùng thiêng trong tiếng chiêng đồng"; "Ôi Việt Nam/ Đất nước tình yêu/ Bên lũy tre xanh xây nhiều công trình/ Giọng hò thiết tha/ Tình yêu đất nước chan hòa"...

Qua mỗi giai đoạn lịch sử của sự nghiệp cách mạng, âm hưởng Tổ quốc trong những ca khúc truyền thống "đi cùng năm tháng" luôn đồng hành, nhân lên niềm tin, lòng tự hào, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp mỗi người dân Việt Nam yêu nước thêm tự tin, vững vàng trên chặng đường đổi mới, hội nhập, phát triển.

Thế Vĩnh

(*) Ca khúc "Việt Nam quê hương tôi" ra đời năm 1968.

(**) Sáng tác năm 1975; phổ nhạc từ bài thơ "Vui thế, hôm nay" (Tố Hữu).

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Lê Hồng Kỳ

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.