Sáng 25/6, huyện Bình Lục phối hợp với Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc tổ chức Hội thảo khoa học “Văn hóa đồng Chiêm Bình Lục- Truyền thống và hiện đại”.
Dự hội thảo có các đồng chí: Trần Xuân Lộc, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đông, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh; Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy: Đặng Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Lê Hồng Quân, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Lê Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Toàn, Bí thư Thành ủy Phủ Lý. Cùng dự còn có các đồng chí: Trần Minh Hùng, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo và các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; lãnh đạo Sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Xuân Huy, TUV, Bí thư Huyện ủy Bình Lục khẳng định Hội thảo là hoạt động trọng tâm trong chương trình công tác toàn khóa của Đảng bộ huyện Bình Lục, nhiệm kỳ 2020-2025; là đợt sinh hoạt khoa học, có ý nghĩa thực tiễn to lớn nhằm tìm hiểu và quang bá sâu rộng hơn nữa kho tàng di sản văn hóa truyền thống và hiện đại của “xứ đồng Chiêm Bình Lục”; làm rõ hơn về ý nghĩa đồng Chiêm, vì sao lại gọi là đồng Chiêm? Văn hóa đồng Chiêm Bình Lục có gì khác với đồng Chiêm các nơi khác?
Với chủ đề này, lần đầu tiên Bình Lục đã tổ chức Hội thảo có quy mô với sự tham gia của nhiều nhà khoa học có bề dày nghiên cứu và uy tín ở Trung ương và địa phương, cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo chủ chốt của huyện qua các thời kỳ. Bình Lục coi hoạt động này có ý nghĩa thiết thực triển khai Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào thực tiễn.
Hội thảo có 11 ý kiến tham gia như : “Công cuộc khai phá vùng chiêm trũng Bình Lục qua tư liệu khảo cổ” của GS.TS Trịnh Sinh (Viện khảo cổ học – Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); “Thái ấp Quắc Hương với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Trần và quá trình xây dựng, phát triển vùng chiêm trũng Bình Lục” của PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học – Viện Hàn lâm KHXH VN); “Bình Lục đồng chiêm trũng điển hình và một số vấn đề bảo tồn di sản văn hóa đồng chiêm trũng” của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Xuân Lộc…
PGS.TS Phạm Loan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia (Bộ VH,TT&DL), thay mặt đoàn chủ tọa Hội thảo kết luận: Bình Lục là vùng đất cổ, được khẳng định từ những chứng cứ văn hóa vật thể tồn tại hơn 2500 năm như Trống đồng Ngọc Lũ, các đình chùa, thái ấp; từ sinh thái tự nhiên tác động đến đời sống, tính cách và tâm hồn con người Bình Lục; từ việc sử dụng tư liệu sản xuất làm ra những sản phẩm nông nghiệp, những nông cụ, những món ăn mang đậm bản sắc ẩm thực vùng miền; từ quá trình đấu tranh sinh tồn trước sự khắc nghiệt của tự nhiên, biến đổi thiên nhiên để thích nghi, thích ứng làm nên truyền thống hiếu học, cần cù, chịu đựng và yêu nước…
Văn hóa đồng chiêm từ truyền thống đã được khẳng định và trở thành di sản văn hóa đang hiện hữu trong đời sống với đầy đủ dáng vẻ của văn hóa sinh thái vùng trũng châu thổ Bắc Bộ. PGS.TS Phạm Loan Oanh tin rằng, những dự định, mong ước, quyết tâm đưa văn hóa thấm sâu vào đời sống, Bình Lục sẽ thành công với mục tiêu xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình. Để phát huy các giá trị của di sản, đại diện đoàn chủ tọa hội thảo mong muốn chính quyền và người dân Bình Lục sớm xây dựng được Bảo tàng đồng chiêm; phổ biến và quảng bá rộng rãi hơn các di sản văn hóa phi vật thể, các loại hình văn nghệ dân gian; xuất bản cuốn sách ghi dấu hội thảo khoa học về văn hóa đồng chiêm…
Giang Nam