Triển lãm Mỹ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng lần thứ 29 năm 2024 được tổ chức tại thành phố Hải Phòng, là dịp để các họa sỹ, những người yêu mến mỹ thuật trong khu vực giao lưu, học hỏi, chiêm ngưỡng những tác phẩm xuất sắc của các nghệ sỹ được sáng tác từ tháng 6/2023 đến tháng 6/2024.
Triển lãm thu hút sự tham gia của 273 họa sỹ, nhà điêu khắc chuyên và không chuyên. Từ 403 tác phẩm tranh, điêu khắc gửi về tham dự, Hội đồng Nghệ thuật đã chấm chọn ra 151 tác phẩm của 144 tác giả được trưng bày tại Triển lãm. Đồng thời, chọn được 14 tác phẩm xuất sắc để trao các bộ giải chính thức, gồm hai Giải B, hai Giải C, mười giải Khuyến khích, không có Giải A. Triển lãm kéo dài từ 16 tháng 8 đến 25 tháng 8.
Họa sỹ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: "Có thể, những tác phẩm có mặt hôm nay chưa phản ánh hết diện mạo của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam trong thập niên thứ 3 của thế kỷ mới. Thế nhưng, về phía chúng tôi – Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi hy vọng đội ngũ tạo hình càng ngày càng trẻ hơn, càng ngày càng táo bạo hơn, càng ngày càng quyết liệt hơn để lật một trang mới tinh cho thế hệ mình, vì đây cũng là lúc chuyển giao thế hệ rồi!"
Họa sỹ Nguyễn Việt Anh cho biết: "Tôi rất hạnh phúc khi có một tác phẩm sơn mài lớn đoạt giải cao ở Triển lãm này. Tác phẩm phản ánh cuộc sống mang tên "Bóng đêm, mặt nạ và những chiếc ghế", được thể hiện bằng chất liệu sơn mài. Tôi đã nghĩ, trong cuộc sống luôn tồn tại những mặt đối lập và có những sự phát triển. Từ suy nghĩ đó mà mình có tư duy và tìm những hình mảng hiện đại để tạo ra bức tranh. Bằng sự liên kết từ những mảng miếng khác nhau bởi màu sắc, chất liệu thể hiện để nói được ý tưởng của mình trong cuộc sống, nghề nghiệp của mình bây giờ. Tôi nghĩ, tất cả các họa sỹ cần có trách nhiệm truyền đạt, biểu hiện cái cuộc sống đương đại mình đang sống, và đó là tiếng nói góp phần xây dựng cuộc sống tốt hơn."
Họa sỹ Kù Kao Khải nói về tác phẩm đoạt giải B của mình: "Nội dung vẫn nằm ở đâu đó các đề tài gần gũi của sông Hồng. Nó rất là hóm hỉnh và đã có từ lâu. Hình thức thể hiện mang tính dân gian, đời thường, đậm đà bản sắc văn hóa của Đồng bằng sông Hồng. Được giải B thì tôi hơi bất ngờ, bởi vì là, gần đây cơ cấu giải rất ít, các đơn vị có thể loại tới hơn một nửa số tác phẩm gửi tham gia Triển lãm. Tác phẩm của mình được Hội đồng nghệ thuật công nhận nên khá bất ngờ…"
Nói về tác phẩm, Họa sỹ Đỗ Kích chia sẻ: “Bản thân tôi là một người lính, đã sống và có những trải nghiệm thực tiễn ở chiến trường. Bức vẽ này miêu tả một chi tiết của chiến dịch Điện Biên Phủ vĩ đại – khoảnh khắc những dân công hỏa tuyến ngồi nghỉ bên những chiếc xe thồ huyền thoại”.
Theo Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam: "Trong triển lãm này, không có tác phẩm nào vượt trội. Cho nên, đây là sự công tâm và hết sức cẩn trọng của hội đồng nghệ thuật, cân nhắc lắm thì mới không có giải A. Có thể có công khai phá ngôn ngữ khác, nhưng nó chỉ dừng lại ở mức độ không nhô lên hẳn trong triển lãm 29 này"
Những tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật giới thiệu dự Giải thưởng Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam là tác phẩm được đánh giá cao về chất lượng nội dung và nghệ thuật của các tác giả là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật địa phương, chưa phải là Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nên chưa được chấm giải chính thức.
Triển lãm hội tụ nhiều tác phẩm có chất lượng tốt:
Người xem khá ấn tượng với những tác phẩm mỹ thuật tại Triển lãm:
Triển lãm là dịp để các họa sỹ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sáng tác, chia sẻ tâm tư về cuộc sống và nghề nghiệp:
Triển lãm mở cửa từ 16/8 đến 25/8 tại Trung tâm Thông tin Triển lãm và Điện ảnh thành phố Hải Phòng.
Chu Uyên