Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết Tehran sẽ tiếp tục làm giàu urani cấp độ thấp theo thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc thế giới.
Toàn cảnh nhà máy điện hạt nhân Bushehr của Iran nằm cách thủ đô Tehran 1200km về phía nam. (Nguồn: AFP/ TTXVN
Ngày 4/5, truyền thông dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết Tehran sẽ tiếp tục làm giàu urani cấp độ thấp theo thỏa thuận hạt nhân của nước này với các cường quốc thế giới, bất chấp những động thái ngăn chặn của Mỹ.
Hãng tin ISNA dẫn lời Chủ tịch Quốc hội Iran cho biết theo thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký kết với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) năm 2015, Iran có thể sản xuất nước nặng và hoạt động này không vi phạm thỏa thuận. Vì vậy, Iran sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động làm giàu urani.
Nước nặng có thể được sử dụng trong các lò phản ứng để sản xuất plutoni, một nhiên liệu sử dụng trong các đầu đạn hạt nhân.
Hôm 3/5, Washington đã hành động để buộc Iran phải ngừng sản xuất giàu urani cấp độ thấp và ngừng mở rộng nhà máy năng lượng hạt nhân duy nhất của quốc gia này, đồng thời tăng cường chiến dịch nhằm chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran và hạn chế tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ sẽ không gia hạn hai biện pháp miễn trừ trừng phạt, gồm cho phép Iran trữ nước nặng trong quá trình làm giàu urani tại Oman và cho phép Iran trao đổi với Nga urani đã được làm giàu để lấy oxide urani. Biện pháp trên nhằm buộc Iran ngừng chương trình làm giàu urani. Đây là yêu cầu mà Iran luôn từ chối với lý do sử dụng uranium để hỗ trợ sản xuất điện.
Bắt đầu từ ngày 4/5, Mỹ cũng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn chặn việc hỗ trợ Iran mở rộng nhà máy điện hạt nhân Bushehr duy nhất của nước này. Đây là biện pháp trừng phạt thứ ba mà Mỹ áp đặt đối với Iran trong nhiều tuần qua.
Giới phân tích cho rằng động thái trên là một phần trong các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm "cô lập" kinh tế và chính trị Tehran kể từ sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử hồi tháng 5/2018.
Mới đây nhất, ngày 2/5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.
Quyết định này đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu chịu sức ép phải dừng mua dầu của Iran và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt./.
Theo vietnamPlus
Duy Nam