Tuổi đời còn rất trẻ nhưng luôn kiên trì vượt khó, dám nghĩ, dám làm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong kinh doanh, phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương. Với niềm đam mê và sự cố gắng, nỗ lực, nhiều thanh niên sớm trở thành những ông chủ trẻ, lan truyền đam mê cho những người trẻ khác trên bước đường khởi nghiệp đầy thách thức ở mảnh đất đồng chiêm Hà Nam.
Biến “dây đồng” thành bonsai handmade
Khó có thể tin từ những cuộn dây đồng vô tri, qua bàn tay khéo léo và niềm đam mê, sáng tạo, anh Đặng Xuân Trường (sinh năm 1998, thôn Thụy Sơn 2, xã Tân Sơn, huyện Kim Bảng) cho ra đời những sản phẩm bonsai handmade (làm thủ công) lạ mắt, có tính thẩm mỹ cao. Chính niềm đam mê và sự sáng tạo đã và đang giúp Đặng Xuân Trường đặt những bước chân đầu tiên trên con đường khởi nghiệp. Hành trình khởi nghiệp của Đặng Xuân Trường không chỉ đem lại nguồn kinh tế ổn định cho gia đình mà còn góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa con người Hà Nam qua sản phẩm cây cảnh bonsai bằng kim loại và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Tốt nghiệp THPT năm 2019, không như nhóm bạn bè cùng trang lứa bước chân vào giảng đường đại học, Đặng Xuân Trường đã đi làm thuê cho một cửa hàng ở Hà Nội. Trong một lần lên mạng Internet xem tin tức, tình cờ anh nhìn thấy một sơ sở sản xuất cây bonsai handmade được làm từ những sợi dây kim loại với đủ kiểu dáng, màu sắc, ẩn chứa bên trong những nét tinh xảo và sự kỳ công của người thợ. Một ý tưởng lóe lên trong đầu và anh nghĩ “Nếu người ta làm được, mình cũng làm được”. Anh đã tìm đến cơ sở sản xuất cây bonsai handmade xin học nghề. Sau 1 năm học nghề, anh quyết định trở về lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương mình. Những ngày đầu khởi nghiệp, kinh tế còn khó khăn, anh đã mượn 50 triệu đồng từ anh em, bạn bè thuê cửa hàng cũng như nguyên vật liệu. Cùng với đó, thường xuyên xem những video trên mạng xã hội để tìm tòi, học hỏi các ý tưởng sáng tạo dáng, thế bonsai, cách phối màu để làm ra những sản phẩm đa dạng, tinh xảo theo xu hướng thị trường. Lúc đầu anh lựa chọn làm sản phẩm bằng chất liệu dây nhôm, dây kim tuyến, hạt cườm, vải… và đã thành công.
Tuy nhiên, sau thời gian thử nghiệm, không hài lòng với thành quả ban đầu, do nhận thấy khả năng sản phẩm có bám bụi cao, khó vệ sinh, anh chuyển sang dây đồng sơn tĩnh điện đa dạng về màu sắc, không rỉ, sợi dẻo và độ bền cao, đặc biệt rất dễ vệ sinh. Anh Trường chia sẻ: Sau khi có ý tưởng, có sẵn nguyên liệu, công việc đầu tiên là cắt dây thành từng sợi có cùng kích thước để bện vào nhau thật cứng nhưng làm sao không mất đi dáng vẻ mềm mại của tự nhiên. Tiếp sau là việc định hình phần đế, se lá… Cuối cùng là tùy mỗi dáng màu sắc của cây kết hợp thêm các phụ cảnh để hoàn thiện sản phẩm. Làm bonsai handmade từ dây kim loại đòi hỏi sự tỉ mỉ, sáng tạo của người làm, từ việc đưa ra ý tưởng dáng bonsai, đến phối màu sao cho bắt mắt, hài hòa và mang cái hồn nghệ thuật vào trong tác phẩm. Tùy theo kích thước, mẫu mã, mỗi sản phẩm có thể mất từ 5-10 giờ để hoàn thiện, riêng đối với những sản phẩm lớn và có thiết kế cầu kỳ hơn thì mất từ 5-7 ngày.
Từ niềm đam mê và sự cố gắng, nỗ lực, hơn 3 năm qua, anh Đặng Xuân Trường đã cho ra thị trường hàng nghìn chậu bonsai lớn nhỏ, kiểu dáng khác nhau, giá bán từ 300 – 3,5 triệu đồng/cây tùy kích thước, nguyên liệu, chậu và dáng cây. Trong đó, một số sản phẩm được thị trường ưa chuộng, như: thác đổ, long thăng, long giáng, mẫu tử, long phụng xum vầy, tam đa phúc lộc thọ, ngũ phúc… Thị trường tiêu thụ sản phẩm bonsai handmade chủ yếu bán qua mạng xã hội. Với sự kiên trì vượt khó, dám nghĩ, dám làm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong kinh doanh, từ việc tạo sản phẩm bonsai handmade mỗi năm mang lại doanh thu cho gia đình từ 250-300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Ngoài ra, cơ sở sản xuất bonsai handmade của anh Trường còn thường xuyên giải quyết việc làm cho 3-5 lao động địa phương mới mức thu nhập từ 4,5-5 triệu đồng/người/tháng.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Đặng Xuân Trường cho biết: Tôi tiếp tục nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra những sản phẩm bonsai handmade phù hợp. Ngoài ra, tôi đang thử nghiệm làm một số sản phẩm theo nét đặc trưng văn hóa của tỉnh như chùa Tam Chúc, chùa Bà Đanh, núi Đọi, sông Châu để đưa ra thị trường. Hướng tới, nếu đầu ra sản phẩm bonsai handmade ổn định, tôi sẽ mở cơ sở sản xuất, mở rộng thị trường để tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi.
Hoa nở trên vùng đất trũng
Sau khi có tấm bằng kỹ sư nông nhiệp (Khoa Trồng trọt, Trường Đại học Nông nghiệp I) anh Khổng Quang Toản (sinh năm 1990, thôn Đông Thành, xã Vũ Bản, huyện Bình Lục) đã về quê tích tụ ruộng đất xây dựng nhà vườn trồng hoa, cây cảnh để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Đến hẹn lại lên, mỗi dịp Tết đến Xuân về, mô hình trồng hoa, cây cảnh của anh Khổng Quang Toản lại tấp nập, nhộn nhịp. Niềm vui đang hiện hữu trên khuôn mặt chàng trai trẻ này khi vườn hoa, cây cảnh phát triển tốt, được mùa, được giá…, hứa hẹn mang đến một cái Tết an vui.
Nói về cơ duyên với nghề, anh Khổng Quang Toản chia sẻ: Nhiều năm qua, do một số lao động vùng nông thôn đi làm tại các công ty, doanh nghiệp, giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao nên một số diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang, gây lãng phí trong sản xuất. Tiếc đất, lại sẵn có kiến thức trong sản xuất nông nghiệp và hướng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, năm 2012, sau khi tốt nghiệp ra trường, anh thuê trên 3 ha đất của một số hộ dân không có nhu cầu sử dụng đất tại xã Mỹ Tiến, huyện Mỹ Lộc (Nam Định) để trồng hoa, cây cảnh. Để có tiền theo đuổi ước mơ, anh đã động viên người thân trong gia đình cho mượn sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay 500 triệu đồng, số còn lại thông qua tổ chức đoàn địa phương anh được vay thêm 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm cho thanh niên. Cùng với đó, lúc rảnh rỗi, anh tranh thủ đi tham quan, học hỏi một số mô hình trồng hoa lớn trong và ngoài tỉnh. Để phát triển mô hình của mình, anh Toản đã dày công cải tạo đất. Phải mất đến gần 6 tháng cần cù lao động, anh mới hoàn thành việc cải tạo, quy hoạch và xây dựng hệ thống nhà lưới trên 1 nghìn m2 với tổng kinh phí trên 700 triệu đồng trồng hoa công nghệ cao với trang trí ban công, sân vườn, công sở với các loại hoa như hoa cẩm chướng, yến thảo, cúc vạn thọ, ngọc thảo. Với vốn kiến thức được học và kinh nghiệm học hỏi được, trong công tác chăm sóc hoa, anh Toản luôn chú trọng từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm bón, tạo tán để giúp cây chống chịu với thời tiết thất thường và sâu bệnh nên hoa luôn có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, khi thăm mô hình của chàng trai trẻ Khổng Quang Toản, chúng tôi bị níu chân bởi những chậu hoa đang đua nhau khoe sắc, những chậu cây xếp nối trên chân ruộng đang chờ xuất bán, rộn ràng trên những thửa ruộng là tiếng người mua, người bán, không khí tràn ngập sắc xuân, những cây hoa cẩm chướng, yến thảo, cúc vạn thọ, ngọc thảo, mẫu đơn… đang đua nhau vươn mình đón những tia nắng hiếm hoi của mùa đông. Ngỡ ngàng xen lẫn sự thích thú, tôi càng ngạc nhiên hơn bởi không chỉ biến những thửa ruộng khô cằn thành những vườn hoa rực rỡ mà chàng trai trẻ Khổng Quang Toản còn xây dựng nhà khung, nhà lưới để ươm giống cây trồng cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán. Với trên 3ha đất, anh trồng gần 100 loại hoa các loại. Trung bình mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng 200 nghìn chậu cẩm chướng, 250 nghìn chậu yến thảo, ngọc thảo, 150 nghìn cây lá màu, 65 nghìn cây trường sinh, trên 30 nghìn gốc cúc vạn thọ, 65 nghìn gốc hoa giấy các loại.
Ngoài ra, anh còn phát triển một số loài hoa trồng ở các khu đô thị, tuyến đường trong thành thị, hoa treo tường, sân vườn tại hộ gia đình. Để từng bước xây dựng thương hiệu nhà vườn, anh Khổng Quang Toản còn lập trang web riêng để quảng bá bán sản phẩm, bán hàng online, chính vì vậy cây trồng đến đâu được bán hết đến đó, nhất là thời điểm trước Tết Nguyên đán thương lái đến tận vườn đặt hàng. Bằng mô hình trồng hoa, cây cảnh, sau hơn 10 năm vất vả, hiện nay doanh thu mang lại cho gia đình từ 1,2 – 1,5 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cho lãi khoảng 700 - 800 triệu đồng. Ngoài ra, mô hình của anh còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, chàng trai trẻ còn tham gia Ban Chấp hành Đoàn xã Vũ Bản, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do đoàn cấp trên cũng như địa phương phát động. Có lẽ tình đất, tình người đã làm cho chàng trai trẻ Khổng Quang Toản yêu hơn, gắn bó hơn với những mầm hoa đang nở. Ươm mầm hoa trên đất trũng, làm giàu cho chính mình và quê hương.Có thể nói, Đặng Xuân Trường, Khổng Quang Toản chỉ là hai trong số hàng trăm ông chủ trẻ trên vùng đất đồng chiêm Hà Nam kiên trì vượt khó, dám nghĩ, dám làm, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội trong kinh doanh, phát triển kinh tế trên mảnh đất quê hương.
Nói về thành công trên con đường khởi nghiệp của những chàng trai trẻ trên địa bàn tỉnh, đồng chí Trần Ngọc Nam, Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho biết: Ưu điểm lớn nhất của người trẻ chính là sự nhiệt huyết, kiến thức và công nghệ thông tin. Với khả năng tiếp cận thị trường, sự nhạy bén trong tư duy kinh doanh, nhiều thanh niên đã dám nghĩ, dám làm, nỗ lực tìm tòi, vượt khó, mạnh dạn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, đưa vào sản xuất, kinh doanh, tạo thu nhập cho bản thân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Trần Ích