Nhận diện những yếu tố nguy cơ để phòng chống bệnh đái tháo đường

Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống đái tháo đường (14/11) năm 2023, Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới đưa ra thông điệp “Chúng ta cần biết nguy cơ mắc đái tháo đường của mình và biết cách phòng chống bệnh”, để nhắc mọi người hãy lắng nghe cơ thể, tự theo dõi, chăm sóc cuộc sống hằng ngày, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời nhằm đẩy lùi căn bệnh này.

Nhận diện những yếu tố nguy cơ để phòng chống bệnh đái tháo đường
Cán bộ y tế Bệnh viện Nội tiết Trung ương khám, xét nghiệm sàng lọc bệnh đái tháo đường cho người dân.

Theo số liệu của Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới, trên quy mô toàn cầu, cứ 10 người trưởng thành (từ 20 đến 79 tuổi) thì có hơn một người đang sống chung với bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh ĐTĐ ở người trưởng thành đến nay đã tăng hơn ba lần so với năm 2000. Hiện toàn thế giới có khoảng 537 triệu người trưởng thành mắc bệnh ĐTĐ và nếu không có sự can thiệp, kiểm soát thì đến năm 2030 con số này sẽ tăng lên 643 triệu, đến năm 2045 sẽ là 783 triệu người. Bên cạnh đó cũng có khoảng 541 triệu người đang bị rối loạn dung nạp glucose tại thời điểm năm 2021.

Hiệp hội Phòng chống đái tháo đường thế giới nhấn mạnh, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh ĐTĐ có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hoặc gây tàn phế. Nhưng nếu phát hiện sớm, kiểm soát đường huyết và huyết áp tốt có thể giảm được từ 30 đến gần 80% các biến chứng của bệnh. Khi đã xác định mắc bệnh, người bệnh cần được quản lý, điều trị trong toàn bộ thời gian sống còn lại.

Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia năm 2020 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện, thì tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 7,3% và tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%.

Tại Việt Nam, theo điều tra quốc gia năm 2020 do Bệnh viện Nội tiết Trung ương thực hiện, thì tỷ lệ ĐTĐ toàn quốc là 7,3% và tỷ lệ tiền ĐTĐ là 17,8%. Những nỗ lực trong kiểm soát bệnh ĐTĐ đạt mục tiêu của Chương trình mục tiêu Y tế - dân số theo Quyết định 1125/QĐ-TTg ngày 31/7/2017 là khống chế tỷ lệ ĐTĐ dưới 10%, khống chế tỷ lệ tiền ĐTĐ dưới 20%. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc ĐTĐ không được chẩn đoán hiện nay còn cao (62,6%); tỷ lệ ĐTĐ và tiền ĐTĐ phát hiện mới chỉ đạt 36,1% và 30,5%...

ĐTĐ tuýp 2 là hậu quả của sự tác động qua lại phức tạp giữa yếu tố gien và các yếu tố lối sống. Nếu như các yếu tố không thay đổi được (gien, tuổi và ĐTĐ thai kỳ) thì có rất nhiều yếu tố có thể thay đổi được. Những yếu tố nguy cơ thay đổi được bao gồm: Béo phì, ít hoạt động thể lực, chế độ ăn dư thừa năng lượng, rối loạn dung nạp glucose…

Béo phì là một đặc điểm thường đi kèm trong ĐTĐ tuýp 2 và là một yếu tố nguy cơ của tiền ĐTĐ tuýp 2. Béo phì đã tăng nhanh ở nhiều nhóm dân cư trong vài năm gần đây do hậu quả của sự tác động qua lại giữa yếu tố di truyền và môi trường bao gồm: rối loạn chuyển hóa, ít hoạt động thể lực, ăn quá nhiều so với nhu cầu... Hơn nữa, béo phì là yếu tố thuận lợi góp phần làm tăng huyết áp, tăng cholesterol máu, làm tăng glucose máu...

Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của việc thiếu hoạt động thể lực trong việc hình thành tiền ĐTĐ, lối sống tĩnh tại đã kéo theo sự gia tăng tương ứng tỷ lệ béo phì. Theo Tổ chức Y tế thế giới, chỉ riêng việc lười vận động đã gây ra 7% gánh nặng của bệnh ĐTĐ tuýp 2 ở khu vực châu Âu, thừa cân và béo phì chiếm khoảng 65-80% các trường hợp mới mắc bệnh ĐTĐ.

Chế độ ăn cũng là yếu tố quan trọng. Chế độ tiêu thụ nhiều rau, trái cây, cá, thịt gia cầm và ngũ cốc, làm giảm nguy cơ ĐTĐ tuýp 2. Số lượng lẫn chất lượng của chất béo đều ảnh hưởng đến chuyển hóa glucose và sự nhạy cảm insulin. Thức ăn có nhiều chất béo gây rối loạn chuyển hóa glucose bằng nhiều cơ chế khác nhau. Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều carbohydrate làm tăng tần suất mắc ĐTĐ.

Lạm dụng rượu, bia cũng làm gia tăng ĐTĐ. Nhiều nghiên cứu cũng đã xác định rằng bệnh liên hệ đến uống nhiều rượu và nghiện rượu là đột quỵ, bệnh cơ tim do rượu, nhiều loại ung thư, xơ gan, và viêm tụy, tai nạn... Nghiên cứu ca bệnh đối chứng và sinh thái học chứng tỏ giảm nguy cơ bệnh mạch vành bằng giảm uống rượu mức độ thấp hoặc vừa phải.

Rối loạn lipid máu với sự gia tăng acid béo tự do huyết tương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển ĐTĐ tuýp 2 thông qua cơ chế gây kháng insulin. ĐTĐ tuýp 2 phát triển bởi vì tế bào tụy không tiết đủ insulin để bù cho tình trạng kháng insulin càng ngày càng tiến triển. Tăng huyết áp cũng là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ĐTĐ tuýp 2. Khoảng hai phần ba người bệnh ĐTĐ có tăng huyết áp. Cả hai bệnh ĐTĐ và tăng huyết áp đều làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Hút thuốc lá có liên hệ đến sự đề kháng insulin, là yếu tố nguy cơ của ĐTĐ tuýp 2 ở cả nam lẫn nữ. Nghiên cứu cho rằng thuốc lá tăng 70% nguy cơ của ĐTĐ tuýp 2 và ích lợi của việc ngừng hút thuốc lá đối với ĐTĐ tuýp 2 chỉ có thể thấy sau 5 năm còn để đạt được giống như người không hút thuốc bao giờ thì thời gian ngừng hút phải trên 20 năm.

Stress cấp rõ ràng là có liên quan đến đề kháng insulin, tuy nhiên sự đề kháng trong trường hợp này có khả năng hồi phục. Các nhà nghiên cứu cho rằng glucocorticoid gia tăng lúc bị stress có thể đóng góp vào sự đề kháng insulin. Stress tác động đến sự đề kháng insulin trực tiếp hay gián tiếp thông qua tương tác với leptin dẫn đến tăng nồng độ leptin máu và ức chế hoạt động của leptin, thúc đẩy tình trạng đề kháng leptin, góp phần vào sự đề kháng insulin.

Hiện nay, các đơn vị trong hệ thống y tế đang tập trung triển khai Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch quốc gia phòng chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 với nhiều nội dung liên quan tới công tác phòng chống ĐTĐ: Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền các cấp; tăng cường phối hợp liên ngành, hoàn thiện các chính sách đến giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính; tăng tỷ lệ phát hiện, quản lý, điều trị, chăm sóc người bệnh; phát triển nâng cao năng lực hệ thống để bảo đảm cung cấp dịch vụ phòng chống bệnh…

Mỗi người dân cần biết các yếu tố nguy cơ mắc ĐTĐ gồm: Tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì, ít vận động thể lực, chế độ ăn, uống thừa năng lượng; lạm dụng rượu, bia, thuốc lá. Mặt khác, thực hiện các hành vi sức khỏe, lối sống lành mạnh trong đó chế độ ăn uống hợp lý, vận động thể lực hằng ngày và áp dụng các biện pháp y tế sớm để giảm thiểu, loại trừ các yếu tố nguy cơ từ sớm. Xét nghiệm đường máu định kỳ hằng năm để phát hiện sớm bệnh ĐTĐ và tình trạng tiền ĐTĐ (nếu có).

ĐTĐ là bệnh mãn tính, phải điều trị lâu dài tới hết đời, khi đã được chẩn đoán mắc bệnh hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị sớm để đạt hiệu quả tốt, tránh các biến chứng; không nên tự điều trị để tránh dẫn đến các sai sót và hậu quả đáng tiếc.

Theo nhandan.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy