Nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 do thói quen tắm đêm

Tắm đêm có thể khiến nhiệt độ thấp, khí lạnh tấn công cơ thể, gây co cơ và co mạch, dẫn đến liệt dây thần kinh số 7.

Dây thần kinh số 7 chịu trách nhiệm chi phối vận động của một nửa mặt. Khi liệt dây thần kinh này (còn gọi là liệt mặt ngoại biên), người bệnh bị kém phản xạ ở mắt, ăn uống khó khăn, co giật nửa mặt, méo miệng, chảy nước dãi không kiểm soát...

BS.CKII Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, liệt dây thần kinh số 7 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi do nhiều nguyên nhân như nhiễm virus zona, viêm tai giữa... Thói quen tắm đêm là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Bác sĩ lý giải dây thần kinh số 7 nằm trong ống xương đá (sâu trong hộp sọ) luôn trong tình trạng bị lạnh vì không có cơ che phủ. Khi cơ thể đột ngột tiếp xúc với nhiệt độ thấp do tắm đêm, quạt hoặc điều hòa thổi trực tiếp vào mặt gây co thắt mạch máu, dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng và sưởi ấm, làm cho dây thần kinh số 7 phù nề, chèn ép, dẫn đến liệt.

Nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 do thói quen tắm đêm
Người tắm đêm có nguy cơ cao liệt dây thần kinh số 7.
Ảnh: Freepik

Bác sĩ Thắng cho biết các phương pháp điều trị khác nhau tùy từng mức độ bệnh, từ điều trị nội khoa bằng thuốc đến phẫu thuật chuyển ghép thần kinh cơ. Tuy nhiên, nhìn chung, tất cả người bệnh liệt dây thần kinh số 7 đều nên tập vật lý trị liệu kết hợp với xoa bóp, điện xung kích thích... Tập luyện giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, khôi phục khả năng phối hợp giữa các cơ chi phối vùng mặt như cơ vòng môi, cơ cười, cơ nâng môi trên, cơ vòng mi, nhờ đó cải thiện chức năng của khuôn mặt, giảm biến chứng.

Người bệnh nên thực hiện các bài tập dưới đây 3-4 lần mỗi ngày, mỗi lần tối đa 30 nhịp.

Kích thích mặt: Người bệnh bắt đầu bằng cách cố gắng di chuyển từng bộ phận trên khuôn mặt chậm rãi và nhẹ nhàng. Sau đó dùng ngón tay nâng nhẹ lông mày. Tay còn lại massage nhẹ nhàng các phần khác nhau trên khuôn mặt, bao gồm trán, mũi, má và miệng.

Bài tập mũi và má: Dùng ngón tay nhẹ nhàng đẩy vùng da cạnh mũi ở bên mặt bị ảnh hưởng lên, đồng thời cố gắng nhăn mũi, tập trung vào má và mũi. Hít sâu vào bằng mũi, phồng má và thở ra bằng miệng. Người bệnh nên bịt bên mũi không bị ảnh hưởng và hít sâu bằng mũi bên mặt liệt để buộc các cơ làm việc nhiều hơn.

Bài tập miệng: Bắt đầu bằng động tác mở miệng, ngậm miệng và cau mày. Sau đó nhẹ nhàng mím môi lại để các cơ được thư giãn. Tiếp tục nâng từng khóe miệng, có thể sử dụng tay để hỗ trợ nâng bên bị ảnh hưởng lên. Lè lưỡi và hướng xuống cằm.

Bài tập về mắt: Nhướng mày lên xuống, người bệnh có thể dùng tay nâng lông mày bên bị ảnh hưởng lên. Sau đó tập nhìn xuống và nhắm mắt lại, đồng thời massage nhẹ nhàng mí mắt và lông mày. Luân phiên mở to mắt rồi nhẹ nhàng nhắm lại.

Nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 do thói quen tắm đêm
Bác sĩ Thắng thực hiện xung điện ở vùng lưng cho người bệnh.
Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Thắng cho biết liệt dây thần kinh số 7 không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và chức năng của các cơ quan trên mặt. Ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường như không giữ được nước trong miệng khi súc miệng, đánh răng; cảm giác cộm ở mắt; mặt không cân, nhất là khi cười nói... người bệnh nên sớm đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Để phòng ngừa, trong sinh hoạt hàng ngày nên tránh một số thói quen như tắm lạnh đột ngột, tắm sau uống rượu bia...; cần giữ ấm vùng mặt, vùng tai khi phải tiếp xúc với gió lớn và khí lạnh; kiểm soát tốt các bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu.

Theo vnexpress.net

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy