Trà là thảo dược thiên nhiên có nhiều lợi ích với sức khỏe con người. Tuy nhiên, nếu uống trà không đúng cách thì lại gây hại.
Trà vừa là nước giải khát, giải nhiệt, giúp ra mồ hôi lại vừa bổ sung nước cho cơ thể. Trà có thể giải độc cho 72 loại ngộ độc khác nhau. Cách đây gần 2.000 năm, trà đã được các thầy thuốc Trung Quốc sử dụng như một vị thuốc giúp con người khoẻ và trẻ hơn.
Không những thế, nếu kết hợp trà với các vị thuốc (gọi là trà thuốc) còn có tác dụng phòng và chữa bệnh rất hiệu quả như: Chống oxy hóa; ngăn chặn sự thoái hóa của tế bào thần kinh; làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và tỷ lệ tử vong do các vấn đề tim mạch.
Kết hợp trà với các vị thuốc còn có tác dụng phòng và chữa bệnh rất hiệu quả Trà kích thích thần kinh trung ương, giúp tinh thần hưng phấn, kích thích hô hấp và làm tim đập nhanh hơn; phòng chống ung thư, ngăn chặn sự tổn thương ADN; ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh Parkinson và hạn chế sự loãng xương ở người già; giúp vết thương mau lành…
Trà rất tốt cho sức khoẻ, nhưng ngoài các tác dụng tốt đó, nếu uống trà không đúng cách thì lại gây hại, vì thế, khi uống trà cần tránh 10 vấn đề sau:
1. Đun hoặc hãm trà ở nhiệt độ cao: Khi đó, chất tanin trong trà bị hòa tan trong nước nhiều, chất dầu thơm bị bốc hơi, đồng thời vitamin C, cũng như các dưỡng chất khác bị phân hủy, gây hại cho sức khỏe. Nước pha trà chỉ nên khoảng 80 độ C. Nhiều người có sở thích uống một chén trà nóng, mà không biết rằng nhiệt độ quá cao của trà có liên quan đến nguy cơ ung thư thực quản. Ngược lại, bạn không nên để trà đã nguội lạnh rồi mới uống, dễ gây lạnh bụng.
2. Uống trà đặc: Trà đặc đồng nghĩa với lượng tanin rất cao. Khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây kết tủa protein, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa. Trà đặc còn làm giảm khả năng hấp thụ chất sắt trong thức ăn, lâu ngày dẫn đến bệnh thiếu máu. Trà đặc giàu caffeine còn gây đau đầu và mất ngủ.
3. Uống trà lúc đói: Sẽ làm loãng dịch vị, giảm thấp chức năng tiêu hóa, dễ gây viêm dạ dày. Hơn nữa, trong khi dạ dày trống rỗng, nếu uống trà, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị.
4. Uống trà trước và ngay sau bữa ăn: Protein và chất sắt trong thức ăn gặp acid tanna sẽ kết tủa, gây khó tiêu, giảm thấp khả năng hấp thụ protein và chất sắt. Lý do này mà trước và sau bữa ăn 20-30 phút không nên uống trà.
5. Uống nước trà để lâu: Để lâu, lượng caffeine và tanin trong nước trà tăng lên, tác dụng kích thích cao, gây khó chịu và không tốt với người bị bệnh gout và bệnh tăng acid uric. Trà ngâm quá lâu còn tiết ra polyphenyles tạo ra quá trình oxy hóa tự nhiên, làm giảm hàm lượng dưỡng chất có trong trà. Không những thế, nếu trà hãm trong nước ấm quá lâu còn làm tăng số lượng vi sinh vật (vi khuẩn và nấm), dễ sinh bệnh cho con người.
6. Dùng nước trà để uống thuốc: Trong trà có nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất tannin khi kết hợp với các dược chất sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu. Khi uống nước trà phải cách xa giờ uống thuốc có sắt, có alcaloid (như mã tiền, cà độc dược...), có aspirin, ibuprofen, warfarin, paracetamol, phenylpropanolamin, ephedrin, phenytoin, methotrexat. acid folic, nadolol.
7. Nhai và nuốt lá trà: Trong trà có một chất không tan trong nước, nhưng ở nhiệt độ cao sẽ tạo nên một số chất gây ung thư như benzopyrene, vì thế nếu nhai nuốt trực tiếp sẽ gây hại cho cơ thể, lâu ngày dễ sinh ra ung thư.
8. Uống trà cùng với thuốc an thần: Thuốc an thần có tác dụng an thần kinh, trong khi chất caffeine trong trà lại gây hưng phấn trung khu thần kinh, vì thế, nếu uống trà cùng lúc với thuốc an thần sẽ làm mất tác dụng của thuốc.
9. Uống trà khi bị sốt: Trong trà có một chất gọi là muối chè dễ làm tăng nhiệt độ cơ thể.
10. Uống nhiều trà khi mang thai và cho con bú: Chất caffeine sẽ kích thích quá mức não bộ còn rất non nớt của thai nhi và trẻ nhỏ. Hơn thế, một số chất trong trà sẽ giảm sinh sữa.
Không phải ai cũng hợp uống trà. Với những người mắc các bệnh về sỏi thận, loét dạ dày, cao huyết áp, táo bón... trà không phải là một sự lựa chọn phù hợp. Như các bệnh nhân cao huyết áp, chất cafein trong trà sẽ kích thích tim đập nhanh hơn và làm cho huyết áp tăng cao thêm.
Đặc biệt chú ý: Trà làm tăng chuyển hóa vitamin B1 thành thiaminpyrophosphat gây thiếu thiamin. Do đó người uống nhiều trà hằng ngày cần bổ sung mỗi ngày 10 mg vitamin B1 vào trước khi ngủ tối.
Theo baochinhphu.vn
Duy Nam