Những ai nên hạn chế ăn mít chín

Mít là loại quả thơm ngon được nhiều người yêu thích, nhưng không phải ai cũng có thể ăn được loại quả này, vậy những ai nên hạn chế ăn mít chín.

Tác dụng của mít với sức khoẻ

Mít là loại trái cây phổ biến với người Việt. Đây là loại trái cây được trồng phổ biến khắp mọi miền ở nước ta.

Theo y học cổ truyền, toàn bộ các bộ phận của cây mít đều có tác dụng chữa bệnh:

Quả xanh chát làm săn da.

Quả chín với các múi mít có vị ngọt, tính ấm, tác dụng chỉ khát, trợ phế khí, trừ chứng âm nhiệt.

Hạt mít vị ngọt, tính bình, mùi thơm, tác dụng tu dưỡng ích khí, thông sữa.

Nhựa vị nhạt, tính bình, tác dụng tán kết tiêu thũng, giải độc, giảm đau.

Lá mít lợi sữa, giúp tiêu hoá, an thần.

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời BS. Hoàng Xuân Đại, chuyên khoa y học cổ truyền cho biết, lá mít là bộ phận thường được dùng làm thuốc của cây mít. Lá mít non hoặc già có thể được đun sôi lấy nước dùng chữa ăn uống không tiêu, thiếu sữa, trị tiêu chảy. Ngoài ra, lá mít còn được dùng chữa tưa lưỡi hay tiểu cặn trắng ở trẻ. Lá mít tươi cũng được giã nát đắp lên mụn nhọt giúp giảm sưng, đau.

Cùi mít có vị thơm, ăn có vị ngọt, chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt còn có tác dụng long đờm. Cùi mít chín có thể ăn trực tiếp, thêm vào món salad hoặc dùng làm mít sấy khô...

Những người không nên ăn mít

Tuy mít tốt cho sức khoẻ nhưng một số nhóm người được khuyến cáo không nên ăn mít vì có thể gây hại cho sức khoẻ.

Thứ nhất, người bị tiểu đường: Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời TTND. Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y cho biết, mít có thể làm tăng lượng đường trong máu do chứa nhiều đường fructoza và đường glucoza. Do đó, người bệnh tiểu đường không nên ăn nhiều. Khi ăn cần được theo dõi chặt chẽ lượng đường trong máu và điều chỉnh liều lượng thuốc trị bệnh nếu cần thiết.

Thứ hai, người mắc các bệnh mạn tính: Báo Vietnamnet dẫn lời lương y Bùi Đắc Sáng - Hội Đông y Hà Nội cho biết, người có bệnh mạn tính chỉ nên ăn ít mít. Khi ăn mít, xoài, họ cần làm sạch nhựa, nhai kỹ và không ăn vào buổi chiều tối. Với trẻ em và người cao tuổi nên cắt nhỏ hoặc nghiền nhuyễn.

Những ai nên hạn chế ăn mít chín
Mít là loại quả được nhiều người yêu thích nhưng không phải ai cũng ăn được.

Thứ ba, những người bị gan nhiễm mỡ: Theo nghiên cứu, mít giàu dưỡng chất, nhiều vitamin. Tuy nhiên, loại quả này chứa nhiều đường và không tốt cho gan. Vì vậy, lương y khuyến cáo những người bị gan nhiễm mỡ không nên ăn mít thường xuyên, thậm chí nên nói không với mít.

Thứ tư, người suy nhược, sức khỏe yếu: Khi cơ thể đang suy nhược, nếu bạn ăn nhiều mít có thể gây đầy bụng, khó chịu, tim phải hoạt động nhiều và nguy cơ tăng huyết áp. Những người đang mệt mỏi nên hạn chế ăn trái cây này. Lương y Sáng cũng cho biết, nhóm người này có thể ăn một vài lát mít sấy thay thế.

Khi ăn mít, mọi người nên lưu ý thời điểm ăn. Lương y Sáng cho biết, ăn mít tốt nhất là sau bữa cơm 2 giờ. Không nên ăn mít lúc đói để tránh bị đầy bụng, khó tiêu. Hạn chế ăn mít vào buổi tối vì trong mít chứa hàm lượng chất xơ cao sẽ gây khó tiêu, khó chịu và làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.

Trên đây là những người được khuyến cáo nên hạn chế ăn mít. Nếu bạn thuộc nhóm những người trên hãy tránh xa loại quả này nhé.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy