Thói quen ăn uống, sinh hoạt thất thường và không có miễn dịch từ vaccine có thể khiến người dân mắc bệnh tiêu hóa dịp Tết.
Bác sĩ Trần Huỳnh Tấn, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh tiêu hóa khi Tết đến, xuân về. Dịp Tết thường có thời tiết lạnh làm chậm phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Dịp này, mọi người thường giao lưu nhiều, ít nghỉ ngơi, ăn uống thất thường, không đảm bảo chất dinh dưỡng nên sức đề kháng giảm. Các thức ăn mùa Tết thường là những món chế biến sẵn, đôi khi được bảo quản trong tủ lạnh dài ngày nên dễ gây rối loạn tiêu hóa.
Bác sĩ Tấn liệt kê 6 thói quen xấu mọi người có thể chủ động điều chỉnh để phòng bệnh tiêu hóa, yên tâm đón Tết:
Không chủ động tiêm vaccine
Một số mầm bệnh có thể gặp trong dịp Tết gồm Rotavirus, tả, thương hàn, viêm gan A. Các vi khuẩn, virus này có thể lây vào cơ thể thông qua thực phẩm không đảm bảo hoặc ở các khu vực công cộng không được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên. Ở người chưa được tiêm chủng, khả năng mắc bệnh và gặp biến chứng cao hơn nhiều lần. Với mầm bệnh Rotavirus, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi mắc bệnh có thể bị tiêu chảy nặng, người lớn có thể là nguồn lây cho trẻ.
Dịp cận Tết, gia đình nên tự kiểm tra sổ tiêm chủng của các thành viên, để bổ sung các mũi tiêm còn thiếu. Trẻ em và người lớn đều cần chủng ngừa để tăng cường hệ miễn dịch, tránh lây nhiễm cho nhau. Trong đó, vaccine Rotavirus cần sử dụng trước 8 tháng tuổi, một số vaccine vẫn cần tiêm nhắc sau phác đồ cơ bản như thương hàn tiêm nhắc sau mỗi 3 năm, tả uống nhắc lại 2 năm một lần.
Ăn quá nhiều thực phẩm chiên rán
Mâm cơm ngày Tết thường có nem rán, các món xào, chiên... Những thực phẩm này có thể bảo quản lâu dài, tuy nhiên làm chậm quá trình tiêu hóa, dễ gây đầy hơi và khó chịu cho vùng bụng. Bên cạnh đó, thực phẩm có vị cay sẽ gây ợ nóng và đau dạ dày. Do đó, để đảm bảo hệ tiêu hóa khỏe, mọi người nên hạn chế thực phẩm chiên, rán, tăng lượng rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây tươi.
Dự trữ và hâm thức ăn nhiều lần
Ngày Tết phải di chuyển nhiều và tiếp khách thường xuyên nên nhiều gia đình dự trữ thực phẩm chế biến sẵn để tiện sử dụng, tiết kiệm thời gian chế biến. Các món thường gặp gồm: lạp xưởng, nem, giò chả, thịt xá xíu, thịt muối, bánh chưng, bánh tét... Tuy nhiên, nếu không được bảo quản, sử dụng lại đúng cách, nhóm thực phẩm này dễ nhiễm khuẩn gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
Mọi người hạn chế hâm đi hâm lại thức ăn nhiều lần. Nếu thấy ẩm mốc, mùi vị bất thường hoặc thực phẩm đã lưu trữ trong tủ lạnh quá lâu, gia đình không sử dụng. Tủ thuốc nên sẵn sàng một số loại thuốc tiêu hóa, dung dịch bù nước như điện giải, oresol phòng tiêu chảy, nôn ói mất nước; men tiêu hóa, thuốc cầm đi ngoài, thuốc giảm đầy hơi, thuốc trị táo bón, sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không uống đủ nước
Nhiệt độ giảm dịp Tết khiến mọi người có xu hướng uống ít nước hơn. Tình trạng thiếu nước sẽ khiến thức ăn khó di chuyển trong ruột, có thể dẫn đến táo bón.
Theo bác sĩ Tấn, mọi người chú ý cung cấp đủ nước cho cơ thể, có thể thông qua ăn, uống, sử dụng các loại trái cây mọng nước. Uống đủ nước mỗi ngày sẽ hỗ trợ thải độc, tiêu tiểu thuận lợi hơn.
Căng thẳng
Thời tiết lạnh có thể trực tiếp gây căng thẳng cho hệ tiêu hóa như đầy hơi, viêm và chán ăn, và có thể tác động gây chuột rút lên chân tay. Áp lực lương thưởng, dọn nhà dịp Tết cũng khiến nhiều người lo toan, tăng độ căng thẳng.
Để giảm bớt áp lực này, bạn nên giữ thói quen vận động nhẹ nhàng như yoga, thiền hoặc các bài tập như đi bộ. Các hoạt động khiến bạn thích thú cũng được khuyến khích như nghe nhạc, nấu ăn, chụp ảnh, khiêu vũ...
Thiếu ngủ
Giấc ngủ ngon giúp cơ thể tự phục hồi về trạng thái tối ưu. Tất bật chuẩn bị Tết có thể gây thiếu ngủ, làm mất đi khoảng thời gian chữa lành này. Thiếu ngủ có thể làm tăng mức độ căng thẳng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe đường ruột.
Vì vậy, cần chú ý dành thời gian nghỉ ngơi trong dịp Tết. Giấc ngủ ngon sẽ giúp giảm căng thẳng, ít thèm ăn vặt từ đó ít gặp các vấn đề về đường tiêu hóa.
Theo vnexpress.net