Nguy cơ Nhật Bản tụt hạng xuống nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới

Theo số liệu tăng trưởng dự kiến của Nhật Bản năm 2023 sắp được công bố, nước này có thể trượt xuống vị trí nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới trong năm 2023, do tác động của đồng nội tệ yếu và dân số già hóa.

Nguy cơ Nhật Bản tụt hạng xuống nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới
Một phố mua sắm ở Hyogo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng Bloomberg (Mỹ) ngày 13/2 đưa tin, mặc dù kinh tế Nhật Bản nhiều khả năng quay trở lại mức tăng trưởng hàng năm là 1,2% trong quý 4 năm 2023, nhưng các số liệu trong cả năm 2023 gần như chắc chắn cho kết quả tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản thấp hơn Đức tính theo đồng USD. Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ đang nhăm nhe vượt mặt cả Đức và Nhật Bản trong vài năm tới.

Dữ liệu GDP sắp được xác nhận vào ngày 15/2 sẽ là tín hiệu để Ngân hàng Trung ương Nhật Bản hành động. Nhà kinh tế Hideo Kumano tại Viện Nghiên cứu Dai-Ichi Life, cho biết yếu tố chính khiến GDP của Nhật Bản sụt giảm là biến động tiền tệ. Ông nói: “Nhật Bản giá rẻ đang làm cho nền kinh tế Nhật Bản trở nên nhỏ hơn”.

Số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy nền kinh tế Nhật Bản tính theo đồng USD đã suy giảm xuống còn khoảng 4,2 nghìn tỷ USD vào năm 2023, từ mức 6,3 nghìn tỷ USD năm 2012, nhưng điều đó phần lớn là do đồng tiền Nhật Bản đang từ mức dưới 80 yên đổi 1 USD xuống khoảng 141 yên đổi 1 USD vào năm 2023.

Theo Bloomberg, tin tức về việc vượt qua Nhật Bản gần như sẽ không thu hút được chú ý ở Đức khi người dân nước này không hài lòng với chính sách kinh tế trong bối cảnh lạm phát tiếp diễn, giá năng lượng tăng cao và tăng trưởng chững lại.

Theo số liệu của IMF, cả Đức và Nhật Bản có nhiều điểm chung như dân số đang già đi, khan hiếm tài nguyên thiên nhiên và phụ thuộc vào xuất khẩu và ô tô. Trong khi đó, có nhiều dự đoán nền kinh tế Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản vào năm 2026 và vượt Đức vào năm 2027.

Trong khi Đức phải đối mặt với nguồn cung lao động đang suy giảm thì xu hướng này rõ rệt hơn ở Nhật Bản, nơi tổng dân số đã giảm đều đặn kể từ khoảng năm 2010. Điều đó đã dẫn đến tình trạng thiếu lao động thường xuyên, dự kiến sẽ còn trầm trọng hơn do tỷ lệ sinh vẫn thấp hơn nhiều so với tỷ lệ thay thế.

Ngược lại, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023 và dự kiến sẽ duy trì mức tăng trưởng dân số trong nhiều thập kỷ tới. Với hơn 2/3 người dân trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi, dự báo Ấn Độ sẽ sản xuất nhiều hàng hóa hơn và thúc đẩy đổi mới công nghệ, trái ngược với nhiều quốc gia châu Á khác đang phải vật lộn với tình trạng dân số ngày càng giảm và già đi.

Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi đang đưa ra nhiều ưu đãi tài chính trị giá hàng tỷ USD để thúc đẩy sản xuất trong nước và biến Ấn Độ thành trung tâm xuất khẩu toàn cầu. Chương trình trị giá 24 tỷ USD đang có một số thành công, khi các tập đoàn như Apple và Samsung đang sản xuất thêm nhiều sản phẩm tại quốc gia này.

Trong khi đó, Nhật Bản đang thực hiện phần việc của mình, dành quỹ công để tăng cường năng lực sản xuất và bảo đảm chất bán dẫn nội địa với mục tiêu dài hạn là tăng gấp ba lần doanh số chất bán dẫn sản xuất trong nước lên hơn 15.000 tỷ yên vào năm 2030. Ông Kumano cho biết: “Nhật Bản cần thành lập nhiều ngành công nghiệp thâm dụng kỹ thuật hơn trong nước, chẳng hạn như xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển”.

Theo Hà Linh/Báo Tin tức 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy