Từ lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt đến việc tìm kiếm các nguồn cung thay thế ở Azerbaijan và Mỹ, châu Âu đang nỗ lực tạo ra một hệ thống năng lượng bền vững và an toàn hơn. Tuy nhiên, con đường này không hề dễ dàng khi phải đối diện với những thách thức về cơ sở hạ tầng, chi phí và thời gian.
Theo cổng phân tích thông tin News.Az của Azerbaijan ngày 27/9, thay đổi động lực của thị trường năng lượng toàn cầu đã đặt châu Âu vào ngã ba đường quan trọng, nơi mà các quốc gia trong khu vực phải tái định hình chiến lược an ninh năng lượng để ứng phó với tình hình địa chính trị đang biến đổi.
Trong nhiều thập kỷ, Nga là một trong những nguồn cung cấp năng lượng quan trọng nhất cho châu Âu, đặc biệt là về khí đốt và dầu mỏ. Tuy nhiên, mối quan hệ này đã bị xáo trộn nghiêm trọng do căng thẳng chính trị và xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Để đối phó với sự phụ thuộc này, các quốc gia EU đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp thay thế và thay đổi cách thức quản lý năng lượng của mình.
Hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga
Một trong những biện pháp đầu tiên mà Liên minh châu Âu (EU) thực hiện là giảm dần nhập khẩu năng lượng từ Nga. Vào tháng 8/2022, EU đã cấm nhập khẩu than từ Nga, dẫn đến việc Nga phải điều chỉnh lại thị trường tiêu thụ than của mình sang châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra nhiều khó khăn về hậu cần cho Nga, khi các tuyến đường vận chuyển than qua Siberia và các khu vực phía Đông của Nga bị tắc nghẽn do áp lực tăng cao từ hoạt động thương mại hướng về châu Á.
Bên cạnh than, dầu mỏ là một trong những mặt hàng chiến lược mà Nga phải tìm kiếm thị trường thay thế sau khi châu Âu giảm đáng kể phụ thuộc. Trước đây, EU là thị trường lớn của dầu mỏ Nga, nhưng kể từ khi cấm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Nga từ tháng 2/2023, Nga đã chuyển hướng sang các nước như Ấn Độ và Đông Nam Á. Đáng chú ý, Ấn Độ đã trở thành khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga.
Tuy nhiên, điều thú vị là mặc dù EU cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, các sản phẩm tinh chế từ dầu thô Nga lại vẫn thâm nhập vào châu Âu qua trung gian là Ấn Độ. Việc châu Âu mua sản phẩm dầu tinh chế từ Ấn Độ, với nguồn gốc là dầu mỏ Nga, cho thấy sự phức tạp của thị trường năng lượng toàn cầu, nơi các giải pháp thay thế vẫn phải đối diện với nhiều thách thức trong việc hoàn toàn "tách rời" khỏi nguồn năng lượng Nga.
Khí đốt và thách thức cơ sở hạ tầng
Trong số các nguồn năng lượng, việc thay thế khí đốt từ Nga là phức tạp nhất đối với châu Âu. Trước năm 2022, Nga cung cấp khoảng 160 tỷ mét khối khí đốt cho châu Âu qua các đường ống. Tuy nhiên, sau các cuộc xung đột chính trị và sự cố kỹ thuật, các đường ống như "Dòng chảy phương Bắc 1" đã dừng hoạt động hoàn toàn vào cuối năm 2022. Các sự cố trên đường ống này, bao gồm cả vụ nổ vào tháng 9/2022, đã loại bỏ một phần lớn nguồn cung cấp khí đốt của Nga khỏi thị trường châu Âu.
Mặc dù không có lệnh trừng phạt trực tiếp đối với khí đốt của Nga, nhưng giảm nguồn cung đã buộc châu Âu phải tìm kiếm các giải pháp thay thế, bao gồm việc nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các nước khác. Thị phần khí đốt của Nga tại châu Âu đã giảm từ 35% xuống chỉ còn 8-12% vào năm 2023. Tuy nhiên, việc phát triển cơ sở hạ tầng cho LNG, như các nhà máy khí hóa lỏng và hệ thống lưu trữ, đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài, làm cho quá trình chuyển đổi này diễn ra chậm chạp.
Trong bối cảnh châu Âu tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế, Azerbaijan đã nổi lên như một đối tác năng lượng quan trọng. Với việc mở rộng sản xuất khí đốt từ mỏ Shah Deniz-2 và hoàn thành hệ thống đường ống TAP-TANAP, Azerbaijan đã tăng cường xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia châu Âu như Italy, Hy Lạp và Bulgaria.
Tuy nhiên, như Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã chỉ ra, để mở rộng thêm nguồn cung cấp khí đốt, nước này cần các hợp đồng dài hạn từ châu Âu để đảm bảo đầu tư vào cơ sở hạ tầng mới. Sự thiếu chắc chắn về nhu cầu dài hạn và giá cả đã khiến Azerbaijan do dự trong việc mở rộng mạnh mẽ sản xuất.
Nhìn chung, quá trình điều chỉnh lại chiến lược năng lượng của châu Âu đang đặt ra nhiều thách thức và cơ hội. Mặc dù châu Âu đã có những bước tiến lớn trong việc giảm nhập khẩu năng lượng từ Nga, đặc biệt là dầu mỏ và khí đốt, nhưng việc hoàn toàn tách rời khỏi Nga vẫn còn xa vời.
TTXVN