Đó là gia đình Đại tá Lê Văn Chương (Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Nam), một gia đình nền nếp giàu truyền thống cách mạng. Trong gia đình ông có đến ba thế hệ là cán bộ, sĩ quan đã và đang phục vụ trong quân đội; có nhiều thành tích, cống hiến không chỉ đối với quân đội mà với cả các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội ở địa phưng.
Cha của Đại tá Lê Văn Chương là Đại tá Lê Văn Phong (CCB xã Đức Lý, Lý Nhân) năm nay dù đã bước sang tuổi 95 nhưng vẫn rất minh mẫn. Trò chuyện về quãng đời hoạt động, công tác của mình, Đại tá Lê Văn Phong tâm sự: Do tuổi cao, sợ trí nhớ giảm sút nên những năm gần đây tôi đã ghi chép tóm tắt toàn bộ các thời kỳ tham gia hoạt động cách mạng của bản thân để con cháu lưu giữ, nhớ về truyền thống gia đình và tiếp tục phát huy... Tôi tham gia hoạt động cách mạng từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám 1945, lúc đó tôi mới chỉ là cậu thiếu niên 14-15 tuổi. Thời điểm đó, tôi được gia nhập đội thiếu niên, làm nhiệm vụ tuyên truyền ở cơ sở, rồi làm nhân viên ban thuế nông nghiệp, nhân viên văn phòng chi bộ đảng ở xã. Khi vùng đồng bằng Bắc Bộ bị giặc Pháp chiếm đóng, tôi tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1951, tôi bị giặc Pháp bắt giữ, giam tại bốt Cầu Không. Chúng đánh đập, tra tấn tôi dã man nhưng với ý chí của người cách mạng, tôi đã không để lộ lọt bất cứ thông tin gì. Không khuất phục được tôi, bọn chúng tiếp tục đưa tôi về giam giữ tại nhà lao thị xã Phủ Lý. Ở đây, địch dùng nhiều cực hình tra tấn, song tôi một mực chỉ khai là người dân làm ăn bình thường, buộc chúng phải đưa tôi đi lao động khổ sai, sửa đường giao thông đoạn từ Phủ Lý đi Đồng Văn (Duy Tiên) và đoạn từ Phủ Lý đi ngã tư Động (Liêm Cần, Thanh Liêm). Thời gian này, tôi đã bí mật bàn với một số ít anh em cùng bị giam giữ lên kế hoạch bỏ trốn. Ngày 25/1/1952, trên đường lao động về nhà lao, thấy thời cơ thuận lợi, tôi cùng nhóm anh em loại bỏ 3 tên địch áp tải tù binh, cướp súng giải thoát cho 52 người đi cùng hôm đó trốn thoát...
Sau khi trốn khỏi sự giam giữ của địch, ông Lê Văn Phong tình nguyện xung phong gia nhập quân đội. Suốt nhiều năm trong quân ngũ, ở cương vị nào ông cũng luôn nêu cao quyết tâm, nỗ lực tu dưỡng rèn luyện, học tập, vượt qua khó khăn, gian khổ, tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Trải qua nhiều cương vị chiến đấu, công tác, từ người lính binh nhì đến cấp bậc cao nhất là đại tá, ông Lê Văn Phong đã trực tiếp chiến đấu, chỉ huy chiến đấu với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ để bảo vệ quê hương, đất nước, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, thống nhất đất nước.
Tháng 8/1988, hoàn thành nhiệm vụ của quân đội, trở về nghỉ hưu ở quê nhà, với tinh thần, trách nhiệm của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, Đại tá CCB Lê Văn Phong tiếp tục tham gia công tác ở cơ sở, được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ, cán bộ hội CCB, hội viên Hội cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày… Nhiệm kỳ 2003-2008, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Hà Nam. Nay về nghỉ tại địa phương dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn được mời là thành viên ban công tác mặt trận, tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.
Quá trình gần 60 năm chiến đấu, phục vụ chiến đấu và tham gia công tác ở địa phương, Đại tá Lê Văn Phong được Đảng, Nhà nước, Chính phủ tặng nhiều phần thưởng cao quý (2 Huân chương Chiến công; 1 Huân chương, 2 Huy chương kháng chiến; 1 Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; 3 Huân chương Chiến sĩ vẻ vang; Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng). Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan trong và ngoài quân đội tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương, kỷ niệm chương...
Gia đình Đại tá Lê Văn Phong có 4 người con (2 con trai, 1 con gái, 1 con dâu) tham gia phục vụ trong quân đội. Trong đó, người con trai- Đại tá Lê Văn Chương có thời gian phục vụ lâu dài nhất và trưởng thành qua nhiều vị trí công tác trong quân đội... Nối nghiệp cha, Đại tá Lê Văn Chương khi chưa đầy 18 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ, làm nhiệm vụ ở Trung đoàn Thông tin 603 (Quân khu 3). Khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, đơn vị ông có nhiệm vụ bảo đảm thông suốt thông tin liên lạc phục vụ các đơn vị chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong thời gian tại ngũ, ông được cấp trên cử đi đào tạo tại Đại học Bách Khoa Hà Nội 4 năm (1980-1984), chuyên ngành chế tạo máy. Ra trường, ông về công tác tại Xí nghiệp cơ khí thương binh Hà Nam Ninh, chuyên sản xuất linh kiện, trang bị vũ khí cho các đơn vị quân đội. Sau tái lập tỉnh (1997), ông được điều động về công tác tại Hà Nam. Trải qua nhiều cương vị công tác, ông Lê Văn Chương được phong quân hàm Đại tá và giữ chức vụ cao nhất là Chính ủy Bộ CHQS tỉnh. Tháng 10/2019, Đại tá Lê Văn Chương chính thức nghỉ hưu và hiện giờ tiếp tục tham gia công tác tại Hội CCB tỉnh giữ chức Phó Chủ tịch Hội. Riêng gia đình Đại tá Lê Văn Chương, có vợ và con trai cũng là những sĩ quan, quân nhân công tác trong quân đội. Con trai ông-Thượng úy Lê Sơn Tùng, từng là học viên Trường Sĩ quan Chính trị và giờ đang công tác tại Ban CHQS huyện Lý Nhân.
Tự hào về truyền thống có ba thế hệ đã cống hiến, phục vụ lâu dài trong quân đội, Đại tá Lê Văn Chương bày tỏ: Các thế hệ cha ông đã phải đổ bao công sức, máu xương để giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Tiếp nối truyền thống quý báu đó, gia đình chúng tôi luôn nhận thức mình phải có trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng cha ông để lại.
Phương Dung