Là trung tâm chính trị, hành chính kinh tế - văn hóa - xã hội, TP Phủ Lý tập trung số lượng lớn cán bộ, đảng viên thuộc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng như của thành phố. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh (QP&AN) cho cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4, thời gian qua, Hội đồng Giáo dục QP-AN TP Phủ Lý đã luôn quan tâm chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Với đặc thù số lượng cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4 đông, để bảo đảm nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đối tượng 4, trước tiên việc phân bố các lớp học được Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố (cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục QP-AN thành phố) quan tâm bố trí phù hợp. Theo đó, với các cán bộ, đảng viên thuộc các sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh đứng chân trên địa bàn, Ban CHQS thành phố tổ chức theo hình thức học tập tập trung tại thành phố. Đối với cán bộ, đảng viên là công chức, viên chức ở các phường, xã tổ chức học tập trung tại địa phương, cơ sở.
Về nội dung học tập, tập trung nghiên cứu các chuyên đề về quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về lĩnh vực QP-AN. Các nội dung chủ yếu mang tính cập nhật kiến thức văn bản, pháp luật, vậy làm thế nào để tạo sự hứng khởi cho các học viên trong quá trình học tập là vấn đề được các cán bộ, giảng viên, báo cáo viên của Hội đồng Giáo dục QP-AN thành phố trăn trở, nghiên cứu. Và việc đổi mới giảng dạy được bắt đầu từ soạn giáo án điện tử. Thay vì giáo dục bằng hình thức truyền giảng thông thường, các cán bộ, giảng viên đã nghiên cứu và xây dựng bài giảng theo phương pháp mới, kết hợp giữa giảng lý thuyết với trình chiếu trên màn hình lớn những hình ảnh mang tính minh họa, gắn lý luận với thực tiễn, tạo sự sinh động, hấp dẫn cho bài giảng, thu hút người nghe. Đặc biệt, các giảng viên đã vận dụng sáng tạo vào bài giảng những quan điểm của Đảng, Nhà nước về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp về nhiệm vụ QP-AN; những kết quả và kinh nghiệm đạt được; cập nhật những thông tin mới giúp học viên phát huy khả năng độc lập tư duy trong quá trình nghiên cứu học tập.
Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Điệp, Phó Giám đốc Trung tâm Chính trị TP Phủ Lý cho rằng: Việc truyền giảng nội dung các chuyên đề về QP-AN khá rộng. Để hoàn thành toàn bộ nội dung theo quy định, tôi đã phải thiết kế bài giảng rất chặt chẽ, vừa bảo đảm tính khái quát, có diện rộng vừa phải có chiều sâu của chuyên đề. Với cách thiết kế bài giảng đó đã giúp các học viên có thể đúc rút nội dung của bài học một cách nhanh nhất, nắm được nội dung chuyên đề một cách tốt nhất.
Với sự đổi mới trong giảng dạy, đã góp phần thiết thực nâng cao chất lượng bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ đối tượng 4. Sau khi được học tập, bồi dưỡng các cán bộ, đảng viên đã có thể nhận rõ vai trò trách nhiệm của bản thân đối với việc bảo đảm QP-AN ở địa phương, cơ sở. Đảng viên Trần Xuân Hưng, Công ty Điện lực Hà Nam vừa hoàn thành lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho biết: Thông qua học tập, bồi dưỡng kiến thức về QP-AN, tôi đã nhận thức rõ hơn về quan điểm của Đảng, Nhà nước về QP-AN; về các vấn đề bảo mật thông tin, an ninh mạng; về các âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch… Từ đó tôi sẽ ý thức hơn trong học tập, công tác, tích cực đấu tranh với các phần tử xấu trên mạng xã hội, góp phần bảo vệ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về QP-AN, phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đồng thời, trên cương vị công tác, tôi sẽ tích cực tham mưu với lãnh đạo đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ về QP-AN, bảo đảm giữ vững ổn định tình hình tại cơ quan, đơn vị.
Còn đảng viên Trần Thị Hằng, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh cho rằng, sau khi học tập lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN chị đã được trang bị nhiều kiến thức về QP-AN. Các giảng viên đã giúp chị hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của bảo đảm QP-AN trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó chị và các đồng nghiệp xác định vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc góp phần xây dựng và củng cố QP-AN ở cơ quan, đơn vị. Tích cực tuyên truyền, vận động người thân trong gia đình chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện nhiệm vụ QP-AN. Cụ thể, như: thực hiện nghiêm Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Dân quân tự vệ, Luật Lực lượng dự bị động viên; phòng chống vi phạm pháp luật trên không gian mạng…, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bàn sinh sống, công tác.
Theo ghi nhận, đến thời điểm này, TP Phủ Lý cơ bản hoàn thành việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN đối tượng 4 theo kế hoạch năm 2022 với kết quả tốt. Thượng tá Tạ Văn Thung, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục QP-AN thành phố, Chỉ huy trưởng Ban CHQS TP Phủ Lý đánh giá cao những kết quả học tập của cán bộ, đảng viên trong thời gian qua. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Việc bồi dưỡng kiến thức QP-AN tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng cần được thường xuyên duy trì nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về tầm quan trọng của việc bảo đảm QP-AN ở cơ sở; về việc phối hợp giữa bảo đảm QP-AN với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH); về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Từ đó, trên từng cương vị công tác, các cán bộ, đảng viên tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về QP-AN, về xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, bảo đảm sự kết hợp chặt chẽ giữa phát triển KT-XH với củng cố QP-AN; QP-AN với KT-XH và đối ngoại; tích cực tham gia xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động của LLVT địa phương. Qua đó, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị để củng cố và tăng cường tiềm lực QP-AN, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo tiền đề cho sự phát triển KT-XH ở địa phương.
Phương Dung