Xuân Quý Mão 2023 tiếp tục là một mùa xuân nữa nhiều gia đình đón Tết không được hưởng trọn vẹn niềm vui sum vầy đầy đủ các thành viên vì thiếu vắng những người thân đang thực hiện nhiệm vụ cao cả nơi biên giới, hải đảo. Vượt lên những thiếu vắng ấy, mỗi gia đình có quân nhân đang công tác, chiến đấu nơi đảo xa luôn cố gắng chu toàn mọi việc, gương mẫu trong mọi phong trào thi đua, thực sự là hậu phương vững chắc của những người lính biển.
Mùa Xuân này, mẹ con chị Đinh Thị Hạnh (ở xóm 14, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng; vợ Thiếu tá Đỗ Văn Tĩnh, nhân viên cơ yếu đang công tác ngoài đảo Phan Vinh, thuộc quần đảo Trường Sa) lại một lần nữa đón Tết thiếu vắng anh. Chị cũng không nhớ đã bao nhiêu Tết rồi thiếu vắng anh bởi số năm anh được về đón Tết cùng gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay. Dù rất mong anh được về ăn Tết cùng gia đình nhưng chị hiểu vì nhiệm vụ của anh nên chị và các con luôn động viên anh yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ở nhà, chị sẽ cố gắng chu toàn mọi việc, chăm lo con cái và đảm đương việc gia đình, họ mạc.
Trong căn nhà khang trang mới được xây dựng khoảng 3 năm nay, chị Đinh Thị Hạnh trải lòng: Từ ngày lấy anh đã hơn 20 năm, nhưng những ngày tháng vợ chồng, con cái được sống quây quần bên nhau rất ít. Trước đây có khi vài ba năm anh mới về thăm nhà một lần, thậm chí có đợt tới 4, 5 năm anh không về đón Tết cùng gia đình được. Bây giờ phương tiện đi lại dễ dàng hơn, nếu thuận lợi thì một năm có thể về được một lần phép, nhưng nếu dịp nào anh nhận nhiệm vụ đi công tác ngoài biển đảo thì vài năm anh mới về một lần. Chị còn nhớ, lần chị sinh con đầu lòng, do bận nhiệm vụ anh không có nhà, tới khi anh về thăm nhà, con lạ bố, cứ khóc đẩy ra, đến khi con bắt đầu quen bố thì anh lại phải lên đường.
Đơn vị anh công tác thuộc Trung đoàn 292, Sư đoàn 377 (Quân chủng Phòng không không quân) đóng quân tại Cam Ranh (Khánh Hòa, Nha Trang) – đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ vùng trời các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Trường Sa nên việc đi công tác ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa là rất đỗi bình thường. Những lần ra công tác ngoài đảo, xa đất liền, khó khăn, thiếu thốn mọi bề nhưng anh và đồng đội luôn cố gắng khắc phục, hoàn thành tốt nhiệm vụ và luôn động viên gia đình hãy yên tâm. Ở nhà, vợ anh luôn nỗ lực cố gắng chu toàn việc nhà, nuôi dạy con cái ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Nhiều lúc khó khăn, con cái ốm đau hay có công to, việc lớn, một tay chị lo toan, sắp xếp, đôi khi nghĩ cũng tủi, nhưng chị luôn cố gắng, không than phiền, trách móc gì anh, bởi ở nhà chị còn có bố mẹ và các anh chị em đôi bên nội ngoại hỗ trợ. Chính vì vậy, mỗi lần nói chuyện điện thoại, chị và các con luôn động viên anh, kể cho anh nghe về những thành tích trong học tập, công tác, về những điều tốt đẹp của gia đình, quê hương giúp anh yên tâm công tác. Thương nhất anh là dịp bố mất đúng năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (đầu năm 2022), lúc đó anh đang làm nhiệm vụ ngoài đảo không thể về chịu tang. Sốt ruột vô cùng nhưng vì nhiệm vụ anh phải nén lòng chờ ngày đổi quân mới về. Khoảng gần 1 năm sau anh mới về được thì lại phải cách ly nhiều lần để bảo đảm công tác phòng dịch.
Nhắc lại chuyện này, qua cuộc điện thoại từ đảo xa, Thiếu tá Đỗ Văn Tĩnh không khỏi ngậm ngùi, anh chia sẻ: Tôi công tác xa gia đình nhiều năm nay, không thể phụng dưỡng bố mẹ lúc tuổi già nghĩ cũng tủi, rồi đến lúc bố mất tôi cũng chẳng được nhìn mặt bố lần cuối. Nhưng may mắn có vợ con và các anh chị em ủng hộ, giúp đỡ nên tôi rất yên tâm. Chính vì vậy, dù đi công tác ngoài đảo xa có khó khăn, vất vả hơn trong đất liền nhưng tôi và đồng đội luôn vui vẻ hoàn thành tốt nhiệm vụ, chỉ mong sao ở hậu phương vợ con, gia đình, quê hương mọi điều tốt đẹp, bình an.
Với bà Nguyễn Thị Chính (Tổ 4, Phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, mẹ của Trung tá Lâm Thế Phong, đang công tác tại đảo Trường Sa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân) khi trò chuyện về anh, bà luôn mong muốn con được mạnh khỏe, bình an, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Dù tuổi cao, sức khỏe kém nhưng bà không bao giờ ca thán hay kể chuyện gì không vui với con. Bà bảo, muốn để cho anh được yên tâm công tác, không phải bận tâm gì mọi việc ở nhà. Chồng bà trước kia cũng từng là bộ đội, nay hai con cũng đang là những người lính trong quân đội, bà rất thấu hiểu và luôn mong muốn các anh là những quân nhân tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giao phó. Đặc biệt, với anh Phong, nhiệm vụ của anh thường hay phải đi công tác ngoài biển, đảo nên bà càng thương anh hơn. Trong câu chuyện, bà không giấu niềm tự hào vì các con đã tiếp nối truyền thống của gia đình, quê hương, luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Bà và gia đình nguyện sẽ là hậu phương vững chắc để những người lính như các con bà yên tâm công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với những người mẹ, người vợ của những người lính, ở hậu phương, dù khó khăn, vất vả, nhưng ở họ đều có một điểm chung đó là sẵn sàng hy sinh niềm hạnh phúc riêng tư để các anh được yên tâm làm nhiệm vụ, góp sức bảo vệ vững chắc Tổ quốc, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Hằng năm, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể và cơ quan quân sự địa phương luôn quan tâm thăm hỏi, chia sẻ, động viên những gia đình có thân nhân đang công tác nơi biển đảo, biên giới xa xôi với mong muốn các gia đình luôn là hậu phương vững chắc để những người lính yên tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp sức mang đến những mùa Xuân bình yên cho mọi nhà, mọi người.
Phương Dung