Hiện nay, trong các nghĩa trang liệt sỹ ở Hà Nam có 12.477 mộ liệt sỹ. Trong đó chỉ có 6.880 mộ có hài cốt. Còn lại không có hài cốt; nhiều mộ chưa biết thông tin. Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều liệt sỹ chưa xác định rõ danh tính. Và việc tìm kiếm vẫn còn là một hành trình gian nan.
Trải qua các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Hà Nam có hàng vạn người con lên đường làm nhiệm vụ. Chiến tranh kết thúc, có người trở về với những thương tật trên cơ thể, nhiều người đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã luôn quan tâm công tác thương binh, liệt sỹ. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với gia đình thương binh liệt sỹ vẫn đang tiếp tục được các cấp, ngành triển khai thực hiện. Trong đó, việc thực hiện Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ” được đẩy mạnh với vai trò chủ đạo là cơ quan quân sự địa phương.
Đón hài cốt Liệt sỹ Trần Văn Thậm về an táng tại Nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Phủ Lý.
Gian nan hành trình tìm hài cốt liệt sỹ
Cách đây hơn 2 năm, một cuộc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ quy mô lớn được Bộ CHQS tỉnh triển khai ở khu vực núi Chùa, xã Thanh Tâm (Thanh Liêm).
Đây là địa điểm mà trong cuộc kháng chiến chống Pháp, quân địch đã điên cuồng càn quét, gây bao tội ác với nhân dân ta. Trong trận chống càn tại núi Chùa, diễn ra ngày 21/5/1954 với sự chiến đấu vô cùng oanh liệt của quân dân ta, 2 binh đoàn quân chủ lực của Pháp bị đánh bại, đẩy lui. Tuy nhiên, gần 200 cán bộ, chiến sỹ của ta đã anh dũng hy sinh để lại bao tiếc thương cho đồng chí, đồng đội và người dân nơi đây. Trong trận chiến bi hùng ấy, bao liệt sỹ hy sinh vẫn còn nằm sâu trong lòng núi Chùa, nhiều người không rõ danh tính.
Trước đây mỗi khi mưa lũ, thỉnh thoảng người dân khu vực chân núi lại thấy một phần hài cốt của các liệt sỹ trôi ra theo dòng nước. Cuộc tìm kiếm cách đây hơn 2 năm được thực hiện trong thời gian liên tục gần 1 tháng, gần 4.000m2 đất dưới chân núi được các cán bộ, chiến sỹ cùng nhân dân địa phương tỷ mỉ đào bới, tìm kiếm. Nhưng kết quả, mới tìm thấy 5 điểm hài cốt cùng một số di vật của các liệt sỹ. Các hài cốt đó đã được quy tập đưa vào Nghĩa trang Liệt sỹ xã Thanh Tâm an táng.
Với mong muốn đưa được hài cốt các liệt sỹ trở về, những năm qua, bao gia đình liệt sỹ đã cùng những cựu chiến binh tìm kiếm ở khắp các chiến trường. Vừa qua, gia đình ông Trần Văn Cẩn, tổ 3, phường Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý) đã hoàn thành tâm nguyện đưa người em là Liệt sỹ Trần Văn Thậm trở về quê mẹ sau hơn 40 năm hy sinh tại chiến trường Tây Nam.
Liệt sỹ Trần Văn Thậm xung phong nhập ngũ tháng 5/1978, tiếp bước cha anh tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam, là lực lượng quân tình nguyện Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia. Ngày 27/5/1979, trong một lần trực tiếp chiến đấu với tàn quân Pôn Pốt, người hạ sỹ trẻ, Tiểu đội trưởng Trần Văn Thậm đã anh dũng hy sinh ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong đồng chí, đồng đội, gia đình.
Có mặt trong ngày đón liệt sỹ trở về, các cựu chiến binh Phạm Ngọc Lăng, Mai Tôn San…, những người đồng đội cùng chiến đấu năm xưa với liệt sỹ không giấu nổi xúc động: Đồng đội chúng tôi hy sinh rải rác ở khắp các chiến trường. Chúng tôi biết rằng, tại Nghĩa trang thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, còn nhiều liệt sỹ chưa được đưa về quê hương, đó là niềm trăn trở lớn của gia đình các liệt sỹ cũng như những cựu binh chúng tôi. Chúng tôi đang có dự định sẽ tập trung những người còn sống, đóng góp kinh phí, chung sức để có thể cùng gia đình đưa các liệt sỹ sớm trở về quê mẹ, bên người thân, gia đình, đồng đội nơi quê nhà.
Cũng với tâm nguyện ấy, hiện nay còn rất nhiều cựu chiến binh đã và đang trực tiếp trở lại chiến trường, dù gian nan vất vả, nhưng việc tìm kiếm vẫn được âm thầm thực hiện hằng mong muốn sẽ dần đưa các đồng đội trở về.
Cần sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, các ngành
Đề án “Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ” thời gian qua tiếp tục được tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Trong đó, việc lập bản đồ, xác định cụ thể thông tin liệt sỹ, nơi chôn cất ban đầu của liệt sỹ được cơ quan quân sự triển khai thực hiện từ cơ sở thôn, xóm, tổ phố một cách tỷ mỉ, thận trọng. Phiếu thu thập thông tin về liệt sỹ được phát tới từng hộ dân.
Để việc lập bản đồ tìm kiếm bảo đảm chính xác, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thành phố phối hợp rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách liệt sỹ, xác định số lượng liệt sỹ cần tìm kiếm, quy tập và kết luận thông tin liệt sỹ. Đồng thời, chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tiến hành rà soát, tổng hợp số lượng liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ, khoanh vùng liệt sỹ hy sinh trong các cuộc kháng chiến, phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Qua rà soát hồ sơ, danh sách xác định tổng số liệt sỹ Bộ CHQS tỉnh đang quản lý là 1.677 liệt sỹ. Cơ quan quân đội cấp trên cũng đã cung cấp 3.718 thông tin về liệt sỹ hy sinh, an táng, chôn cất ban đầu trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Cùng với những thông tin thu thập được từ nhân dân địa phương, cơ quan chuyên môn phân tích, kiểm tra, xác minh, phục vụ công tác lập bản đồ chi tiết tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ bảo đảm chính xác.
Qua đó, Bộ CHQS tỉnh đã xác định có 834 liệt sỹ hy sinh, chôn cất ban đầu trên địa bàn tỉnh; 2.645 liệt sỹ không xác định được rõ thông tin nơi hy sinh chôn cất ban đầu trên địa bàn tỉnh; có 169 liệt sỹ không hy sinh chôn cất ban đầu trên địa bàn tỉnh và 70 liệt sỹ hy sinh chôn cất ban đầu trên địa bàn nhưng không có trong danh sách.
Hiện nay, trong các nghĩa trang liệt sỹ toàn tỉnh có 12.477 mộ liệt sỹ. Trong đó chỉ có 6.880 mộ có hài cốt. Còn lại gần 6 nghìn ngôi mộ không có hài cốt; số mộ chưa biết thông tin 1.622; số mộ có một phần thông tin về liệt sỹ là 6.756 mộ. Điều đó cho thấy vẫn còn rất nhiều liệt sỹ chưa xác định rõ danh tính. Và việc tìm kiếm vẫn còn là một hành trình gian nan.
Thời gian kết thúc chiến tranh đã quá lâu. Những nhân chứng lịch sử hầu như đã từ trần, hoặc già yếu, trí nhớ suy giảm. Trong khi kinh tế - xã hội phát triển nhanh chóng, địa hình thay đổi, gây nhiều khó khăn cho công tác khảo sát tìm kiếm xác định vị trí, tọa độ nơi hy sinh, chôn cất ban đầu của các liệt sỹ… Đó là bài toán khó trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ.
Chỉ đạo thực hiện về nhiệm vụ này, đồng chí Bùi Quang Cẩm, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền các cấp, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân đối với các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.
Để công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đề nghị các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, khắc phục khó khăn, nỗ lực thực hiện. Trong đó, việc kết luận địa bàn, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ phải được thực hiện chặt chẽ, tỉ mỉ, chính xác. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ tới toàn thể nhân dân. Phát huy vai trò của các cựu chiến binh từng sống, chiến đấu trên các chiến trường giúp cho công tác tìm kiếm được thuận lợi hơn.
Các cấp, các ngành chức năng quan tâm chu đáo việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với thân nhân gia đình liệt sỹ, hỗ trợ kịp thời khi thân nhân có nguyện vọng thăm viếng, di chuyển phần mộ liệt sỹ về an táng tại quê nhà. Tiến hành tổ chức các hoạt động di chuyển, đón nhận, bàn giao, truy điệu và an táng hài cốt liệt sỹ chu đáo, trang trọng.
Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh. Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực ấy, sẽ ngày càng có nhiều hơn những liệt sỹ được tìm thấy và trở về quê mẹ trong sự đón nhận của người thân, gia đình và nhân dân nơi quê nhà.
Phương Dung
Phương Dung