Về quê hương Trống đồng Ngọc Lũ

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, nơi nổi danh với những câu ca một thời "Ngọc Lũ người lắm, của nhiều/ Mười ba xóm ở hoa màu biết bao/ Lại xem tài lược giỏi sao/ Đắp đê hộ thủy nơi nào cũng thuê…". Cũng nhờ đi đắp đê hộ thủy mà người Ngọc Lũ vào những năm 1893-1894 đến Như Trác, huyện Lý Nhân gặp được Trống đồng Đông Sơn, loại trống cổ nhất và đẹp nhất, trở thành bảo vật quốc gia. 

Về quê hương Trống đồng Ngọc Lũ
Phiên bản Trống đồng Ngọc Lũ I được lưu giữ tại đình làng, là báu vật, niềm tự hào của người dân làng Chủ.

Ngọc Lũ trước đây tồn tại chỉ một cái tên làng Chủ. Người ta truyền nhau "người làng Chủ biết đủ mọi nghề" để nói về cốt cách, phẩm chất con người nơi đây siêng năng, cần mẫn. Một trong những nghề mà người Ngọc Lũ hay làm ngày xưa là đắp đê hộ thủy, nên trong một lần đến Như Trác, huyện Lý Nhân làm thủy lợi, người làng Chủ đã đào được trống đồng, thạp đồng mang về đình làng thờ cúng với niềm tin tâm linh thần bí, chỉ được đánh lên mỗi độ hội làng. Năm 1900, có một họa sỹ người Pháp về Ngọc Lũ để vẽ tranh rồi tình cờ phát hiện ra chiếc trống đồng được người dân để trong hậu cung thờ. Hai năm sau, một viên công sứ của Hà Nam đã làm môi giới để đưa chiếc trống về nhà Viễn Đông Bác cổ Hà Nội, từ đó, chiếc trống mang tên Trống đồng Ngọc Lũ. Tháng 11 năm 1905, chiếc trống này được đưa ra đấu xảo tại Hà Nội với giá 600 đồng Đông Dương, sau đó người ta mang nó sang thủ đô Paris của Pháp trưng bày. 

Nhà nghiên cứu Mai Hồng Khánh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Nam nhận xét: Trống đồng Ngọc Lũ thuộc trống đồng loại I, có hình dáng cân đối, hài hòa với hoa văn trang trí tuyệt mỹ, đã được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao và cho là một trong những hiện vật độc đáo cổ nhất và đẹp nhất trong các Trống đồng Đông Sơn. Qua nó, các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu được đời sống vật chất, sinh hoạt văn hóa tinh thần và tổ chức xã hội của cư dân thời đại đồng thau và sơ kỳ đồ sắt ở nước ta. Nó còn là di vật xuất hiện vào thời kỳ Hùng Vương, giai đoạn phát triển rực rỡ nhất của văn hóa đồ đồng. Sự có mặt của Trống đồng Ngọc Lũ với những thành công trong sáng tạo chất liệu, hình khối và sự biểu đạt nghệ thuật trên trống có thể cho thấy nước Văn Lang ta từ thuở đó đã đạt được những thành tựu quan trọng về sản xuất vật chất, trình độ nghệ thuật cũng như trong lĩnh vực quân sự. Sau khi phát hiện trống đồng này, người Ngọc Lũ trong quá trình làm thủy lợi tiếp tục phát hiện thêm hai chiếc trống nữa. Đến nay, chiếc trống loại I đang được lưu giữ ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, phiên bản của nó được Chủ tịch nước Lê Đức Anh tặng Liên hợp quốc năm 1995.

Ngọc Lũ cũng là vùng đất có truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Thế kỷ thứ XVI – XVII, ở làng có người tên là Trần Như Lân, con nhà nghèo, bố mất sớm, phải tự lập lo liệu việc nhà với mẹ. Dù nghèo nhưng ông vẫn ham học, chăm chỉ rèn luyện nên có chí cao, khí phách. Ông được triều đình nhà Lê thu nạp, trọng dụng đúng lúc đất nước phân ly, lòng dân ly tán bởi những cuộc nội chiến liên miên. Ông hết lòng phò vua, khôi phục lại địa vị nhà Lê mạnh như thế kỷ XV nên được ban tước Lương Quận Công, trở thành một trong những rường cột quốc gia đương thời.  Ông có 10 người con, 5 trai, 5 gái. Cả 5 con trai của Trần Như Lân đều là những tướng tài dưới triều Lê, được phong chức tước phẩm hàm cao. 

Người làng Chủ từ đời này qua đời khác luôn để lại trên vùng đất Ngọc Lũ những dấu tích đậm nét về cuộc sống, về tính cách, nhất là thời kỳ đấu tranh cách mạng. Những ông già, bà lão 80, 90 tuổi  còn nhớ lịch sử quê mình, kể chuyện ông đồ Tý, ông đồ Điền vừa dạy học, vừa tuyên truyền cách mạng cho nhân dân trước năm 1930. Cuộc sống nghèo khổ, bần hàn, lại bị hà hiếp bởi thực dân phong kiến, những người dân làng Chủ càng có thêm ý chí để tham gia phong trào đấu tranh cách mạng khi có điều kiện. Tháng 9 năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Ngọc Lũ, 500 người dân đã tập trung tại đình làng, rồi sau đó kéo nhau về huyện lỵ đấu tranh đòi xóa bỏ Hội đồng cải lương, giảm sưu, thuế cho nông dân. Sáng sớm ngày 20/10/1930, nhân dân Ngọc Lũ đã tập trung tại đình làng với băng, cờ, khẩu hiệu, dưới danh nghĩa những người đi chợ đã kéo về đình Triều Hội, xã Bồ Đề cùng tham gia đoàn người biểu tình. Lòng dân như nước vỡ bờ, được tuyên truyền, vận động và giác ngộ cách mạng, ngày 23/8/1945 có tới 700 người đã tập trung tại đình làng Chủ bắt cường hào, lý trưởng giao nộp đồng triện và tổ chức chào cờ, bắn súng thị uy, để rồi sáng ngày hôm sau Ủy ban Khởi nghĩa của Ngọc Lũ đã họp chính thức thành lập chính quyền lâm thời. 

Trong kháng chiến chống Pháp, vùng đất này một lần nữa được nhắc đến bởi nó là nơi có các trận giao tranh ác liệt giữa dân quân du kích, bộ đội địa phương với quân viễn chinh Pháp. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, hàng trăm lượt người dân Ngọc Lũ lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, thắp sáng truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc. 

Hòa vào dòng chảy đổi mới đất nước hơn 30 năm qua, Ngọc Lũ tiếp tục là điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế. Cả nước biết đến Ngọc Lũ là địa phương phát triển chăn nuôi lợn mạnh nhất, lớn nhất miền Bắc giai đoạn 2010-2016. Thời điểm vàng son nhất của dân làng Chủ là nuôi tới trên 100.000 con lợn một lứa. Nghề chăn nuôi lợn phát triển giúp cho hàng trăm gia đình có của ăn của để, xây dựng nhà cửa, trong tay vẫn có tiền tỷ. Đó là giai đoạn mà ít có địa phương nào sánh kịp Ngọc Lũ về tiêu thụ điện hàng tháng lên tới vài tỷ đồng, người dân mỗi sớm mai thức dậy thong dong ra quán ăn uống như phố phường. Hàng quán mọc lên như nấm, làm ăn thuận lợi. Nhưng rồi, dịch bệnh ập đến, người dân trở tay không kịp. Từ năm 2018 đến nay, dịch tai xanh, dịch tả lợn châu Phi đã làm cho các hộ chăn nuôi phải lao đao, khốn khó. Từ chỗ trên 90% hộ dân ở xã làm nghề chăn nuôi với quy mô lớn, giờ chỉ còn  dưới 30% hộ dân giữ nghề. Hàng nghìn người bỏ ruộng, bỏ  chuồng trại  vào nhà máy làm công nhân. Ai không còn tuổi vào khu công nghiệp thì chuyển đổi ngành nghề sang trồng trọt và buôn bán… 

Khó khăn dần qua đi cũng nhờ tính cách, phẩm chất của người dân Ngọc Lũ không chịu khuất phục trước những khó khăn, thử thách. Ông Trần Đình Thiện, nguyên Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ nói: Trong cái khó ló cái khôn! Người dân sau khi phải đối mặt với thách thức dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến đàn vật nuôi, giờ đây hiểu rằng đã đến lúc không thể nào duy trì nghề chăn nuôi khi điều kiện còn chưa bảo đảm. Chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, không tập trung sẽ phải đối mặt với những khó khăn như thế. Cái được hiện nay là, sau hơn một năm người dân hạn chế chăn nuôi, môi trường ở Ngọc Lũ trong sạch hơn, dễ chịu hơn. Ai về Ngọc Lũ bây giờ cũng đều cảm nhận được sự thanh bình sạch sẽ hơn. Trong thoang thoảng đất trời, mùi hoa trái đưa hương, neo vào lòng cảm giác muốn trở về…

Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy